Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam : Phấn đấu đưa nông sản tiến sâu vào thị trường EU



ĐNA -

(ĐNA)- Chiều 26/10, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Đại sứ quán – Phái đoàn Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến về xuất khẩu rau quả sang EU.

EU hiện là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 35 tỷ euro/năm. Dư địa phát triển lớn, nhưng hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của EU.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng. Trong đó, gần 10% kim ngạch xuất khẩu được ưu đãi thuế quan. Riêng mặt hàng rau quả, EVFTA đã xoá bỏ 520/556 trong tổng số dòng sản phẩm sẽ có thuế giảm về 0% với nhóm rau quả chế biến…

Song song với EVFTA, EU còn dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập trong vòng 7 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực. EU quy định quy tắc xuất xứ thuần tuý, không quá chặt đối với rau củ quả nguyên liệu…

Tại buổi toạ đàm, cơ quan đại diện tại EU, các doanh nghiệp, địa phương đã cung cấp một số thông tin như: Chính sách, quy định của EU; cam kết trong EVFTA; dung lượng, thị hiếu, nhu cầu của thị trường EU; tương quan khả năng cạnh tranh của Việt Nam; kinh nghiệm thực tế, khó khăn, thách thức và định hướng phát triển của các doanh nghiệp; thực trạng và chính sách phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn; cơ chế khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ trong tất cả các khâu sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển…

Phát biểu kết luận buổi toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Thời gian tới, các cơ quan đại diện ở nước ngoài cần giúp Bộ nghiên cứu, tiếp cận các thông tin liên quan, để làm sao nông sản của Việt Nam tiến được sâu vào thị trường EU. Bộ sẽ xây dựng một mục tiêu, cột mốc cụ thể cho phát triển ngành nông nghiệp trong nước.

Muốn đưa rau quả vào EU hiệu quả, nền nông nghiệp trong nước phải thể hiện được tính minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp cũng cần quảng bá sâu rộng hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam, để đối tác thấy được sự thay đổi tích cực.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phải từng bước xoá bỏ tư duy riêng lẻ, tiến tới liên kết, xây dựng hình ảnh nông sản cho Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới.

Các địa phương cũng cần xây dựng một chiến lược phát triển về vùng nguyên liệu với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tác khác nhau.

SƠN NGUYỄN