Tại cuộc họp chiều 31/3/2025, Thường trực Chính phủ cho rằng, chủ trương này khẳng định sự coi trọng, quan tâm của Đảng, Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài; đáp ứng nguyện vọng của bà con; góp phần phát huy nguồn lực quan trọng từ kiều bào ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, mở rộng chính sách miễn thị thực, ưu đãi thị thực, đồng thời sửa đổi các quy định về quốc tịch để phù hợp với tình hình thực tế. Ông khẳng định rằng những điều chỉnh này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Thường trực Chính phủ cũng đánh giá cao những cải thiện trong chính sách miễn thị thực, tạo điều kiện ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách vẫn cần cải thiện để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ngành du lịch, thu hút đầu tư và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam. Điều này cũng góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam an toàn, mến khách, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp, tiến hành nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện các quy định và chính sách liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành quy định rõ các trường hợp người Việt Nam đã mất quốc tịch có thể được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam. Các trường hợp này bao gồm: xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam; thực hiện đầu tư tại Việt Nam; đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
Chủ trương tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề quốc tịch đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong nhiều văn kiện quan trọng. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004 đã yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng các nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch; tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về thăm quê hương, thân nhân và thực hiện các hoạt động tâm linh, thờ cúng tổ tiên.
Nghị quyết 36 còn đặt ra yêu cầu hoàn thiện và xây dựng mới hệ thống chính sách nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài. Mục tiêu là phát huy sự đóng góp của đội ngũ trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước thông qua việc xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các chuyên gia có trình độ cao, có khả năng tư vấn, quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao, cũng như đóng góp vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.
Tiếp nối tinh thần đó, Kết luận 12 của Bộ Chính trị năm 2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới tiếp tục giao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các nhu cầu chính đáng của kiều bào liên quan đến quốc tịch, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và tinh thần của Nghị quyết 36.
Gần đây nhất, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề ra chủ trương xây dựng cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập và môi trường làm việc. Mục tiêu của cơ chế này là thu hút, trọng dụng và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia và các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước, những người có khả năng tổ chức, điều hành và triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Minh Anh