Sáng 8/8/2023, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Lễ Thượng cờ ASEAN 2023 nhân dịp kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập (8/8/1967 – 8/8/2023) và 28 năm Việt Nam tham gia ASEAN (28/7/1995 – 28/7/2023).
Tham dự Lễ Thượng cờ có Đại sứ, Đại biện, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Lễ Thượng cờ ASEAN kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN 8/8 hằng năm là thông lệ đáng tự hào của tất cả các nước thành viên ASEAN. Lá cờ ASEAN là biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác của Hiệp hội và khát vọng hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của tất cả các nước thành viên dưới mái nhà chung Cộng đồng ASEAN.
Phát biểu tại Lễ Thượng cờ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, lá cờ ASEAN đã là biểu tượng, là niềm tự hào của ASEAN và là nhân chứng cho những cột mốc quan trọng của Hiệp hội, mang trong mình khát vọng của hàng trăm triệu công dân Đông Nam Á về một Cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng, đùm bọc và chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, kể từ khi thành lập cách đây 56 năm, ASEAN đã duy trì sự phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành động lực chính cho mọi tiến trình khu vực, thể hiện tầm nhìn về một Cộng đồng phát triển trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Qua đó, hình ảnh một Đông Nam Á đoàn kết, yêu chuộng hòa bình và chủ động thích ứng đã được đưa đến những chân trời, vùng đất mới ở châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Trên nền tảng đó, quan hệ của ASEAN với thế giới ngày càng mở rộng, đa dạng và mạnh mẽ. Quan hệ đối ngoại của ASEAN không chỉ tăng về lượng mà còn về chất, đảm bảo cho Hiệp hội tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đây là sự xác nhận bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ Thượng cờ
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thành công của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và cải cách có dấu ấn của ASEAN và ngược lại. Hơn nữa, mối quan hệ của Việt Nam với các thành viên khác trong gia đình ASEAN đã trở thành những “viên gạch” góp phần xây dựng ngôi nhà chung Cộng đồng ASEAN vững mạnh và tự cường.
Mặc dù thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, môi trường địa chính trị còn nhiều biến động và cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng căng thẳng, Cộng đồng ASEAN đã chứng tỏ khả năng phục hồi, linh hoạt và khả năng ứng phó để vượt qua những khó khăn đó.
Kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 cho thấy ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích thời đại như kinh tế số, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu…
ASEAN đang xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Điều này sẽ giúp Hiệp hội khai thác hiệu quả các cơ hội và ứng phó tốt hơn với các thách thức có thể xuất hiện trong 20 năm tới.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng rằng, với nền tảng được xây dựng, củng cố vững chắc trong hơn 50 năm qua và khát vọng cao cả, ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng bao trùm, bền vững và là tâm điểm của tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới.
ASEAN sẽ không chỉ phục vụ hiệu quả hơn các lợi ích thiết thực của người dân và doanh nghiệp ASEAN, mà còn đóng vai trò to lớn hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Hoàng Hạnh/nguồn Bộ Ngoại giao