Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

ĐNA -

ASEAN News – Điện gió ngoài khơi sẽ giúp thay thế dần nguồn điện than. Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi khoảng 160 GW. Trong phương án tính toán mới nhất cập nhật tháng 11 của dự thảo quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nâng công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi (offshore) lên 4 GW vào năm 2030, tăng 1 GW so với các phương án công bố trước đó.

Công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi sẽ tăng lên 10 GW vào năm 2035, lên 23 GW vào 2040 và đạt 36 GW vào 2045. Với mức công suất này, tỷ trọng điện gió ngoài khơi trong hệ thống điện khoảng 2,6% vào năm 2030 và tăng lên gấp hơn 4 lần (10,8%) vào năm 2045. Đây cũng là nguồn điện giảm thiểu carbon nhiều nhất, có thể thay thế các nguồn điện than dự kiến cắt giảm tới đây để giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050 theo cam kết tại COP 26. Điện gió ngoài khơi giúp giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Với Việt Nam, nhờ nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi có thể đạt công suất lớn hơn 50%, tương đương hệ số công suất của thuỷ điện. Loại hình năng lượng này còn có khả năng chạy phụ tải nền, có tính đoán định cao hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sạch khác, đồng thời hỗ trợ an ninh năng lượng.

Quy hoạch Điện VIII sẽ chú trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời… Tới đây, với các chính sách hỗ trợ, dự kiến tổng công suất điện sạch gồm điện khí, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 75% điện hệ thống, đóng góp sản lượng khoảng 70% trong tổng sản lượng điện. Dự kiến nâng công suất đặt điện gió ngoài khơi đến 2030 lên 4 GW, nhưng các nhà đầu tư vẫn chờ đợi một cơ chế rõ ràng, chắc chắn hơn, cũng như sự nhất quán các khuôn khổ pháp lý để vững tâm hơn trong các quyết định đầu tư ở Việt Nam.

Khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện cũng là yếu tố rất quan trọng. Việt Nam đã hết cơ chế giá FIT nên nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án với giá trị lên tới cả tỷ USD như điện gió ngoài khơi sẽ phải cân đối nhiều yếu tố. Vì thế, điều các nhà đầu tư mong mỏi là một cơ chế ổn định lâu dài cho điện gió ngoài khơi, chẳng hạn thủ tục xin cấp các giấy phép thực hiện khảo sát ngoài khơi, lộ trình để có được giấy phép đầu tư hay cách nào để có hợp đồng mua bán điện (PPA).

Những năm qua, ngành năng lượng phát triển mạnh mẽ từ truyền tải, công suất lắp đặt, phụ tải… với tốc độ tăng trung bình hàng năm lên tới 10%. Nhưng những năm gần đây Việt Nam đã phải nhập khẩu điện và dự báo tương lai, Việt Nam có thể phải đối diện nguy cơ thiếu hụt điện năng. Vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh điện hóa thạch là rất quan trọng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, giúp tăng cường an ninh năng lượng, giảm phát thải nhà kính…

Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Công Thương và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức ngày 30/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, vấn đề năng lượng là rất quan trọng, làm sao sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này, áp dụng công nghệ mới để khi đầu tư vào sẽ giúp giảm mức đầu tư, tăng hiệu quả cần phải áp dụng khoa học và công nghệ.

THE CUONG (Tổng hợp)