Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam-UNESCO: Cơ hội và thách thức đồng hành

ĐNA -

Phiên họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 9-24/11 tại thủ đô Paris (Pháp) mang ý nghĩa trọng đại, đánh dấu 75 năm hình thành và phát triển của UNESCO. Sau 45 năm kể từ khi kế thừa tư cách thành viên của UNESCO, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm.

Ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, trả lời phỏng vấn về kết quả phiên họp. (Nguồn: TTXVN)

Trong 75 năm qua, UNESCO đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hòa bình, phát triển bền vững theo cách riêng của mình là bảo tồn những giá trị tốt đẹp của quá khứ, đồng hành với sự phát triển của hiện tại và xây dựng tầm nhìn cho tương lai.

UNESCO đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nhân loại thông qua gần 2.300 di sản thế giới; bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu thông qua 169 công viên địa chất toàn cầu, 727 khu dự trữ sinh quyển thế giới và in dấu đậm nét trong việc xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; chia sẻ, phổ biến tri thức, tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”. UNESCO đã khẳng định vai trò và vị thế của một tổ chức hợp tác trí tuệ của thế giới, “phòng thí nghiệm của các ý tưởng”.

UNESCO được kỳ vọng tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong các nỗ lực đa phương để giải quyết các xung đột văn hóa, sắc tộc, tôn giáo; thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ và chất lượng giáo dục; nghiên cứu biến đổi văn hóa – xã hội do sự phát triển quá nhanh của khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; duy trì sự đa dạng của các nền văn hóa, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của thế giới.

Chiến lược trung hạn giai đoạn 2025-2029, Chương trình hoạt động và ngân sách giai đoạn 2022-2025, các khuyến nghị về khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo… của UNESCO đã định hướng đúng hoạt động của tổ chức trong thời gian tới và đã nhận được sự đồng thuận các quốc gia thành viên.

Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng tổ chức và giải quyết các vấn đề chung và cũng được thụ hưởng nguồn vốn, tri thức, tư vấn chính sách của UNESCO. Quan hệ Việt Nam – UNESCO có thể được tóm tắt bằng ba từ “toàn diện, thực chất và hiệu quả”.

Hợp tác Việt Nam – UNESCO được nâng lên cấp độ mới nhân chuyến thăm UNESCO của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 5/11/2021 và hai bên ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2029.

Việt Nam chia sẻ mục tiêu, sứ mệnh, coi trọng vai trò và các hoạt động của UNESCO nhằm góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác trí tuệ vì phát triển bền vững; ủng hộ các nỗ lực cải tổ để trở thành một tổ chức dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn.

Sau 45 năm kể từ khi kế thừa tư cách thành viên của UNESCO, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm.

Chúng ta đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như thành viên Hội đồng Chấp hành, Ủy ban Di sản thế giới, Hội đồng Điều phối quốc tế thuộc Chương trình Con người và Sinh quyển (ICC-MAB), Ủy ban liên Chính phủ hải dương học khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC WESTPAC); cử đại diện, chuyên gia giữ một số vị trí quan trọng tại các cơ quan chuyên môn của UNESCO và đóng góp thiết thực cho việc xây dựng tổ chức, giải quyết các vấn đề lớn mà UNESCO và các quốc gia thành viên quan tâm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với UNESCO trên các lĩnh vực chuyên môn, thực hiện mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững (SGD4), đưa ra nhiều đề xuất giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, gìn giữ các di sản tư liệu, các công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.

Với mong muốn đóng góp thực chất và hiệu quả hơn nữa đối với các vấn đề mà UNESCO đang xử lý, nhất là trong triển khai các chiến lược, chương trình, dự án hỗ trợ các quốc gia phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, ứng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ Công ước di sản phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Đồng thời, với kinh nghiệm của Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, làm cầu nối trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa UNESCO với ASEAN và các tổ chức khu vực khác trong thời gian tới.

Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ mới. Các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, sự bất bình đẳng về phát triển, biến đổi văn hóa – xã hội tiêu cực… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đây là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến chuyên môn của UNESCO và đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức. Để bảo vệ và phát huy những thành tựu trong thời gian qua cũng như khẳng định vai trò và vị thế trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, UNESCO đứng trước nhiều cơ hội.

Đó là sự coi trọng và cam kết của các quốc gia thành viên đối với vị thế, vai trò và hoạt động chuyên môn của UNESCO. Các quốc gia thành viên đều ủng hộ vai trò trung tâm của tổ chức trong giải quyết các thách thức toàn cầu, thực hiện các SGDs.

UNESCO đã đi đầu trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, trong việc xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp trên toàn cầu và hiện diện trong hành trình phát triển của mỗi trẻ em trên Trái đất.

Tổ chức đã có nhiều nỗ lực cải tổ nội bộ, hướng tới là một nhân tố chủ chốt trong các lĩnh vực chuyên môn, là diễn đàn đối thoại tri thức, đại diện cho mọi nền văn hóa, mọi tư tưởng của nhân loại với cách tiếp cận nhân văn, liên ngành.

Cũng như một số tổ chức hợp tác đa phương khác, UNESCO đang đối diện với khó khăn về nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính để triển khai các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, tổ chức cũng chịu sức ép từ các quốc gia thành viên về việc cải tổ sâu rộng và nâng cao hiệu quả bộ máy.

Dù là cơ chế hợp tác chuyên môn đa phương thuần túy, UNESCO cũng không tránh khỏi xu hướng chính trị hóa một số vấn đề giữa các quốc gia thành viên, phần nào làm ảnh hưởng đến hợp tác chuyên môn.

Ngoài ra, mâu thuẫn giữa việc bảo tồn di sản với việc đảm bảo sinh kế cho cộng đồng dân cư bản địa, giữa việc bảo tồn giá trị lịch sử với việc phát triển và sức ép từ cuộc sống hiện đại khiến cho công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn.

Là thành viên tích cực của UNESCO, Việt Nam cũng không nằm ngoài những cơ hội và thách thức nêu trên, đang nỗ lực đóng góp thực chất và hiệu quả hơn nữa đối với các vấn đề mà UNESCO đang giải quyết, nhất là trong bảo vệ các thành quả đạt được và triển khai các chiến lược, chương trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Lược theo tin Ngoại Giao