Thứ Năm, Tháng 5 29, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam xác định hướng đi tự chủ công nghệ cao



ĐNA -

Sáng 28/5/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 46, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự phiên thảo luận “Lưới thông minh: Kết nối thông qua AI tự chủ”. Đây là phiên mở đầu Diễn đàn Kinh tế ASEAN – GCC năm 2025, nhằm định hướng hợp tác khu vực về AI tự chủ, chuyển đổi số và và vai trò của hợp tác ASEAN – GCC – Trung Quốc trong xây dựng hạ tầng số tin cậy và bao trùm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP.

Cùng tham dự phiên thảo luận có Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim; Tổng Giám đốc Tập đoàn G42 (UAE) – Peng Xiao; điều phối viên là Bộ trưởng Công Thương Malaysia Tengku Zafrul Aziz.

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Công Thương Malaysia về hợp tác ASEAN – GCC trong phát triển nhân lực, hạ tầng và quản trị AI, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: phát triển trí tuệ nhân tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và cần được ưu tiên hàng đầu. AI đang hiện diện sâu rộng trong mọi mặt của đời sống, từ giao tiếp, sản xuất – kinh doanh đến thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Theo Thủ tướng, ASEAN là khu vực phát triển năng động, giàu tiềm năng với thị trường rộng lớn, nhân lực trẻ và đa dạng văn hóa. Trong khi đó, GCC sở hữu nguồn lực tài chính, năng lượng, công nghệ và kinh nghiệm dồi dào. Hai khu vực có thể bổ trợ lẫn nhau rõ rệt trong lĩnh vực AI và quá trình kết nối kinh tế – công nghệ.

Để kết nối hiệu quả, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò trung tâm, chủ thể của người dân và doanh nghiệp; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy. Việc hợp tác cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ giao lưu nhân dân, giáo dục – đào tạo, đến xây dựng thể chế linh hoạt, hài hòa giữa quản lý và phát triển. Đồng thời, cần đầu tư phát triển hạ tầng số, quản trị thông minh và kết nối bền vững giữa các quốc gia trong khu vực.

Không thể để AI thắng con người hay thay thế toàn bộ con người
Trước câu hỏi về cơ hội, thách thức từ AI và giải pháp hạn chế tác động tiêu cực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trí tuệ nhân tạo có cả mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề then chốt là khai thác tối đa lợi ích, đồng thời kiểm soát, hạn chế tác động xấu – đây là bài toán đặt ra cho tất cả các quốc gia, tổ chức và cá nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của AI theo hướng tích cực, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm dòng chảy phát triển mở nhưng an toàn, có thể kiểm soát được. Đây là trách nhiệm chung của các nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ.

“Con người phát minh ra AI, chứ không phải AI phát hiện ra con người. Vì vậy, không thể để AI thắng hay thay thế con người, khiến con người mất việc làm hay mất đi khả năng sáng tạo,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn diện và toàn dân như trí tuệ nhân tạo, cần phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, bảo đảm tiếp cận AI bình đẳng và dòng chảy AI xuyên suốt. Các quốc gia cần vừa giữ vững tự chủ, vừa hội nhập hiệu quả và bảo đảm tính nhân văn trong phát triển công nghệ. Theo đó, các nước phát triển cần hỗ trợ, chia sẻ với các nước nghèo và đang phát triển để hướng tới một nền AI bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng thể chế hài hòa để vừa thúc đẩy AI phát triển, vừa kiểm soát tiêu cực; đầu tư vào cơ sở hạ tầng như điện, dữ liệu và công nghệ số; đào tạo nhân lực chất lượng cao với đạo đức và tư duy nhân văn; huy động nguồn tài chính ưu đãi từ các nước giàu; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và quản trị thông minh.

Nhấn mạnh thực tế nhiều nước nắm giữ công nghệ cao vẫn hạn chế chuyển giao, Thủ tướng cho biết Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ cao. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Nếu được chuyển giao, Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn; nếu không, vẫn phải tự lực phát triển. Càng áp lực, càng phải nỗ lực, lấy đó làm động lực để vươn lên.”

“Tóm lại, song song với việc thúc đẩy AI phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, phải kiểm soát hiệu quả, bảo đảm an toàn, văn minh và nhân văn, với hệ thống hạ tầng hiện đại, quản trị thông minh và thể chế thông thoáng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau phát biểu của Thủ tướng Malaysia về hợp tác giữa ASEAN, GCC và Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ba khu vực có đầy đủ điều kiện để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, từ tiềm lực tài chính, công nghệ đến nhân lực và thị trường. Việc phát huy các tiềm năng khác biệt, tận dụng cơ hội nổi trội và khai thác lợi thế cạnh tranh của từng bên sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, hài hòa và toàn diện.

Thủ tướng khẳng định, mục tiêu không chỉ là cùng phát triển, mà còn là cùng chiến thắng, chiến thắng trước những thách thức chung như chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ – để từ đó cùng chia sẻ thành quả, cùng hưởng niềm vui và hạnh phúc trong một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. Đây là tinh thần  không ai bị bỏ lại phía sau, hướng tới tương lai số nhân văn, an toàn và bền vững cho toàn khu vực và thế giới.

Thiên Phúc