Thứ bảy, Tháng chín 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Vĩnh Linh- nơi hội tụ và lan tỏa khát vọng hòa bình độc lập thống nhất trên quê hương Quảng Trị anh hùng

ĐNA -

Nằm ở vị trí gần trung độ của đất nước, Vĩnh Linh là huyện phía bắc tỉnh Quảng Trị, giáp các huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Do Linh, Hướng Hóa (Quảng Trị) và biển Đông. Huyện Vĩnh Linh có 3 thị trấn và 15 xã, diện tích tự nhiên 620km2, tức gần xấp xỉ bằng toàn bộ lãnh thổ của Singapore. Điều thú vị là trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh từng là một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh. Và dù chỉ là một huyện nhưng Vĩnh Linh có đến 3 khu di tích cấp quốc gia đặc biệt và gần 180 di tích đã được công nhận ở các cấp khác. Điều đó cho thấy vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng của vùng đất này trong lịch sử.

Festival Hòa Bình lan tỏa hình ảnh Vĩnh Linh như một biểu tượng anh hùng, biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Vĩnh Linh, từ những trầm tích lịch sử văn hóa
Theo các tư liệu văn hiến, thời Hùng Vương, vùng đất Vĩnh Linh thuộc bộ Việt Thường. Sau thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ thuộc Chăm, từ năm 1069, Vĩnh Linh chính thức trở về với lãnh thổ Đại Việt với tên gọi ban đầu là Ma Linh, sau đổi thành Minh Linh. Năm 1831, khi vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Quảng Trị, tên gọi Vĩnh Linh với tư cách là đơn vị hành chính cấp phủ cũng chính thức ra đời. Năm 1885, thời Hàm Nghi, Vĩnh Linh được đổi tên thành Chiêu Linh, nhưng chỉ 4 năm sau (1889), vua Thành Thái lại đổi về tên cũ là Vĩnh Linh, và tên gọi này vẫn giữ cho đến ngày nay. Năm 1955, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc khu Vĩnh Linh với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương (tức tương đương cấp tỉnh) được thành lập. Lúc ấy, Vĩnh Linh là điểm đầu giới tuyến, là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ ngụy ở miền Nam, bên kia vĩ tuyến 17; Vĩnh Linh cũng là hậu phương trực tiếp của phong trào cách mạng ở miền Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), Vĩnh Linh có 15 năm được sáp nhập chung vào huyện Bến Hải (cùng hai huyện Do Linh và Cam Lộ); từ năm 1990, huyện Vĩnh Linh lại được tái lập.

Có một điều đáng suy nghĩ là tên gọi của vùng đất này trong suốt gần 1000 năm qua, dù thay đổi nhiều lần nhưng vẫn luôn có chữ “Linh” (Ma Linh – Minh Linh – Chiêu Linh- Vĩnh Linh). Hẳn không phải ngẫu nhiên mà các triều đại quân chủ phong kiến đều đặt và duy trì tên gọi có ý nghĩa đặc biệt này, nhất là vua Minh Mạng, người đã định danh cho vùng đất này là Vĩnh Linh với hàm ý vĩnh viễn là chốn linh địa.

Xét về địa chất, Vĩnh Linh có một dải đất bazan với diện tích khoảng 6.000 ha, chạy từ phía tây qua phía đông, ra đến biển, trong đó Vịnh Mốc là điểm cuối cùng. Đây là một phần của dải đất bazan rất độc đáo, kéo dài từ các huyện Hướng Hóa, Đak Krông, Cam Lộ, Do Linh sang Vĩnh Linh với tổng diện tích khoảng 15.200 ha.

Điều kỳ lạ là dải đất vốn là kết quả hình thành từ nham thạch núi lửa phun trào này đều gắn liền với các sự kiện lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung: Hướng Hóa, Đak Krông nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ (tiêu biểu là chiến thắng Đường 9 – Nam Lào); Cam Lộ nổi tiếng với “Kinh đô kháng chiến Tân Sở” của vua Hàm Nghi và “Thủ đô cách mạng” của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Do Linh nổi tiếng với Cồn Tiên- Dốc Miếu và hàng rào điện tử McNamara. Nhưng nổi bật nhất vẫn là Vĩnh Linh với các địa danh nổi tiếng thế giới: Sông Bến Hải- Cầu Hiền Lương, Bến Quan, địa đạo Vịnh Mốc…

Đến nay huyện Vĩnh Linh có 180 di tích được công nhận ở các cấp, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, hầu hết các di tích của Vĩnh Linh đều gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước mà chủ yếu là trong kháng chiến chống Mỹ. Vĩnh Linh cũng có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú với 45 di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục di sản phi vật thể của tỉnh Quảng Trị, tiêu biểu là Truyện trạng Vĩnh Hoàng, truyện cổ tích của người Vân Kiều, lễ hội Cầu ngư, lễ hội đua thuyền truyền thống, lễ hội cồng chiêng, chợ Phiên…

Có thể nói, Vĩnh Linh là địa phương tiêu biểu cho tỉnh Quảng Trị, cả về đặc điểm tự nhiên, tính cách và phẩm chất: Dữ dội, khắc nghiệt, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, hài hước, bao dung… Vĩnh Linh chính là biểu tượng của phẩm chất anh hùng thời đại mà mỗi người Việt Nam đều tự hào.

Cầu Hiền Lương xưa với Vĩ tuyến 17 đã chia cắt 2 miền Nam Bắc trong suốt 20 năm (1954 – 1973)

Đến biểu tượng của phẩm chất anh hùng thời đại
Vì sao Vĩnh Linh lại trở thành biểu tượng của phẩm chất anh hùng thời đại?
Đó là do những điều phi thường mà Vĩnh Linh đã làm được và cống hiến cho đất nước cho dân tộc!
Sau năm 1954, khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, Vĩnh Linh là huyện giáp ranh vĩ tuyến 17, là vùng đất đối đầu trực tiếp với chế độ miền Nam cộng hòa và quân đội đế quốc Mỹ xâm lược trong suốt hơn 20 năm. Chính vì vậy, có thể xem Vĩnh Linh chính là biểu tượng cao nhất của sự thử thách, sự chịu đựng kiên cường và bản lĩnh anh hùng của dân tộc Việt Nam, của chế độ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hiện đại.

Với vai trò, vị trí đặc biệt của Vĩnh Linh, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Ngày 28/5/1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 16-NQ/TW thành lập Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đó, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551-NĐ/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Khu vực Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị từ đó được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng, ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương .

Chứng tích bom đạn Mỹ

Trong hơn 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Vĩnh Linh đã lập nên bao chiến công hiển hách.
Với vai trò là tiền đồn của chế độ xã hội chủ nghĩa huyện Vĩnh Linh lúc đó bao gồm cả đảo Cồn Cỏ, quân và dân huyện Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu, cùng các đơn vị chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 07 chiếc pháo đài bay B52, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến trong đó có chiến hạm Niu-dơ-ri trọng tải 100.000 tấn. Có trận chỉ trong một ngày (11/11/1966) Vĩnh Linh đã bắn rơi 06 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, để Tổng thống Mỹ phải cay đắng thừa nhận đó là “Ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”.

Suốt hơn 20 năm trực tiếp đối mặt với kẻ thù, dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng, với truyền thống bất khuất của một dân tộc anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy tiến lên giành thắng lợi to lớn trong chiến đấu, sản xuất và chi viện hết lòng cho tiền tuyến lớn miền Nam. Vĩnh Linh vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ; được cả nước tin yêu, bạn bè quốc tế mến phục tặng nhiều danh hiệu vẻ vang: “Tiền đồn miền Bắc Xã hội chủ nghĩa”, “Mảnh đất kim cương”, “Tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh lũy thép” ,…

Với vai trò là hậu phương của cách mạng miền Nam mà trực tiếp là phần đất bên kia vĩ tuyến 17 của tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh đã dang rộng vòng tay đón hơn 8,5 vạn đồng bào từ các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Do Linh ra sơ tán theo Kế hoạch K15. Nhân dân Vĩnh Linh đã cưu mang đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Vĩnh Linh trở thành hậu cứ trực tiếp của chiến trường Do Linh, Cam Lộ, là điểm đứng chân của các đơn vị chủ lực vượt sông Bến Hải, xẻ dọc Trường Sơn vào giải phóng miền Nam. Các đơn vị cao xạ, pháo binh, bộ binh, thông tin, ra đa, công an vũ trang, dân quân tự vệ được Nhân dân giúp sức đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông,… trên quê hương Vĩnh Linh đã thấm máu bao người con của dân tộc và đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi.

Bên cạnh đó, Vĩnh Linh còn đóng vai trò là hậu phương trực tiếp, là nơi tập trung kho tàng vũ khí, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn 1965-1975, Vĩnh Linh đã tập trung và chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam hàng triệu tấn lương thực, vũ khí, khí tài để quân dân miền Nam đánh địch. Vĩnh Linh cũng là nơi dừng chân, trú quân của các đơn vị bộ đội chủ lực trước khi vào chiến trường và cũng là nơi nghỉ ngơi, thu dung, củng cố lực lượng sau mỗi chiến dịch. Không những thế, Vĩnh Linh còn phát huy xuất sắc vai trò vừa phục vụ chiến đấu, vừa phối hợp chiến đấu với chiến trường miền Nam. Chính vì vậy, có thể nói những thắng lợi của chiến trường miền Nam có sự đóng góp rất lớn của Vĩnh Linh anh hùng.

Địa đạo Vĩnh Mốc

Những cống hiến và chiến công đó được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cụ thể.
Vĩnh Linh có 748 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 6 mẹ còn sống; 48 tập thể và 22 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động. Khu vực Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào ngày 01/01/1967; quân và dân Vĩnh Linh vinh dự 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Dù chỉ là một huyện nhưng Vĩnh Linh có đến 180 di tích trong đó phần lớn là di tích gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được công nhận ở các cấp. Và với 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, cả nước không có đơn vị hành chính cấp huyện nào có thể so sánh với Vĩnh Linh về phương diện này!

Vĩnh Linh cần làm gì để xứng đáng là nơi hội tụ và lan tỏa khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất trên quê hương Quảng Trị anh hùng
Rõ ràng, Vĩnh Linh xứng đáng là biểu tượng cho phẩm chất anh hùng Việt Nam trong thời đại cứu nước, giành độc lập dân tộc đồng thời Vĩnh Vinh cũng là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc vốn có trong mỗi người dân Việt Nam. Vĩnh Linh hoàn toàn đủ điều kiện để đại diện cho Quảng Trị và cho cả Việt Nam để lan tỏa các giá trị đó!

Vậy Vĩnh Linh cần làm gì để thực hiện được sứ mệnh trên?
Phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất kho tàng di sản phong phú mà địa phương đang sở hữu.
Với 180 di sản văn hóa vật thể (di tích) đã được công nhận và 45 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, Vĩnh Linh có tiềm năng vô cùng lớn để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, biến các di sản đó thành tài sản, thành nguồn lực và sức mạnh để phục vụ sự phát triển.

Để thực hiện được điều này, cần có một sự nhận diện đúng, toàn diện, sâu sắc về các di sản mà Vĩnh Linh đang sở hữu, từ đó có chiến lược quy hoạch, đầu tư một cách bài bản để khai thác, phát huy giá trị.

Trên thực tế, các di sản của Vĩnh Linh nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng các tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế, nhưng để các di sản đó thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, “buộc” người ta phải tới, viếng thăm, trải nghiệm và ở lại lâu với địa phương, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì còn phải làm nhiều việc. Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa, ngành du lịch để nghiên cứu, xây dựng và nâng cao các thương hiệu độc đáo mà Vĩnh Linh đang có, xây dựng hình ảnh “điểm đến Vĩnh Linh” thực sự hấp dẫn, phải làm nổi bật giá trị đặc biệt, tiêu biểu của các di sản, chuyển hóa thành các thông tin hấp dẫn, quý giá mà mọi du khách đều mong muốn được cung cấp.

Xây dựng các sản phẩm dịch vụ và phát triển du lịch xứng tầm
Song song với việc quy hoạch, đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thì Vĩnh Linh cần có sự đầu tư về chiều sâu các cơ sở dịch vụ gắn liền với các khu di tích để đáp ứng được nhu cầu phong phú của du khách. Đây là điểm còn thiếu và yếu của Vĩnh Linh. Các khu di tích có quy mô lớn, địa bàn rộng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như khu địa đạo Vịnh Mốc, khu di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải … hiện nay các cơ sở dịch vụ còn rất sơ sài, hầu như chưa đáp ứng được các nhu cầu mua sắm, trải nghiệm tối thiểu của du khách. Trong khi đó Vĩnh Linh có không ít thế mạnh về các mặt hàng đặc sản địa phương, bao gồm cả sản phẩm tươi sống và hàng Ocop như các loại hải sản, hồ tiêu, lạc, chè xanh, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm được chế tác từ sản phẩm của chiến tranh (từ mảnh bom, vỏ máy bay, xe tăng, xe quân sự…). Làm sao phải đưa được các di sản phi vật thể (dân ca, hò vè, truyện trạng Vĩnh Hoàng…) vào trình diễn để phục vụ du khách để vừa tạo ra môi trường nuôi dưỡng các di sản này vừa phát huy giá trị của chúng.

Chuyển hóa, nâng tầm các di sản thành các sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao
Festival Hòa Bình là một ví dụ điển hình nhằm quảng bá, lan tỏa hình ảnh Vĩnh Linh như một biểu tượng anh hùng, biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Fetival Hòa Bình Quảng Trị 2024 lần đầu tiên được tổ chức và Lễ khai mạc festival tối ngày 6/7/2024 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải của huyện Vĩnh Linh đã thành công rực rỡ, thu hút hàng vạn người tham dự, đồng thời được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Trị cùng nhiều nền tảng số khác, tạo nên hiệu ứng và sự lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng nhân dân trong và ngoài nước. Thành công bước đầu của festival Hòa Bình chứng tỏ Quảng Trị nói chung, Vĩnh Linh nói riêng có đủ chất liệu và tiềm lực để quảng bá, lan tỏa các di sản của mình qua con đường nghệ thuật mà hình thức tổ chức lễ hội festival văn hóa nghệ thuật là cách làm phù hợp và mang tính hiệu quả cao.

Điều cần lưu ý là festival Hòa Bình cần được quan tâm nghiên cứu để xây dựng thành các sản phẩm, chuỗi sản phẩm nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà quan trọng nhất là kinh tế du lịch dịch vụ. Cần có chiến lược để lôi kéo cộng đồng người dân tham gia và phải thực sự để họ trở thành chủ thể của festival nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của festival Hòa Bình.

Đẩy mạnh công tác truyền thông
Trong thời đại hội nhập toàn cầu, thời đại công nghệ số thì công tác truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung cần ưu tiên đầu tư cho công tác truyền thông, nhất là truyền thông số để quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp mà địa phương đã và đang xây dựng và mong muốn quảng bá.

Vĩnh Linh- vùng đất của địa linh nhân kiệt đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ sau gần 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Không chỉ là địa phương đầu tiên của miền Bắc vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (từ năm 1967) mà Vĩnh Linh còn rất tự hào là một trong không nhiều địa phương của Quảng Trị được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi Mới (năm 2011). Và ngày nay, Vĩnh Linh lại vinh dự đại diện cho Quảng Trị, cho cả nước nêu cao phẩm chất anh hùng thời đại, lan tỏa các khát vọng cao đẹp nhất của loài người: Khát vọng tự do, khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất.

Tôi tin, không địa phương nào của Việt Nam có thể làm tốt hơn Vĩnh Linh điều này. Đó cũng là sứ mệnh vinh quang của huyện Vĩnh Linh anh hùng./.

TS.Phan Thanh Hải