Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

VKU chính thức công bố tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch

ĐNA -

(ĐÀ NẴNG), Sáng nay, 21/10/2023, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã chính thức công bố tuyển sinh đào tạo Kỹ sư thiết kế vi mạch. VKU trở thành đại học đầu tiên tại miền Trung-Tây Nguyên, hoàn thành các thủ tục mở và tuyển sinh đào tạo một chuyên ngành đang là “vấn đề nóng của thời sự công nghiệp” Việt Nam.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng, chính thức công bố tuyển sinh đào tạo Kỹ sư thiết kế vi mạch. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Trong dịp này, Tập đoàn Nam Long cũng công bố quyết định đầu tư phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn hiện đại nhất (tính đến thời điểm hiện nay trên cả nước) tại VKU. Dự án có tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng.

Ông Bùi Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long, công bố dự án đầu tư 25 tỷ đồng hình thành thí nghiệm vi mạch bán dẫn hiện đại nhất tại VKU.

Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Văn phòng KOICA Việt Nam; Hội Vô tuyển-Điện tử Việt Nam; Viện Nghiên cứu Điện tử – Viễn thông (ETRI), Hàn Quốc; các đối tác hợp tác: Viện Công nghệ thông tin-Đại học quốc gia Hà Nội; Hiệp hội công nghệ vi mạch bán dẫn thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn; Công ty Synopsys, FPT Software Miền Trung; các Sở Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo; đại diện Đại học Đà Nẵng đã cùng tham dự sự kiện đặc biệt này.

“Trong nhiều ngày vừa qua, câu chuyện đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp Chip bán dẫn, trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm của công luận, của nhiều ngành, nhiều giới. Công nghiệp vi mạch trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách, một ngành kinh tế có khả năng làm thay đổi vị thế, tầm vóc và ảnh hưởng của đất nước.

Vi mạch bán dẫn là một ngành đào tạo có rất thách thức và đầu tư tốn kém; cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn lực và cần nhiều thời gian. Từ năm 2020, VKU chúng tôi đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất, khởi động rất sớm qua trình chuẩn bị, đưa nội dung đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn, vào trong đề xuất dự án ODA Hàn Quốc.

Để có sự kiện công bố hôm nay, sau gần 1 năm chuẩn bị, với sự hỗ trợ tích cực từ các giáo sư, chuyên gia Hàn Quốc, Trường đại học danh tiếng Kyung Hee, cùng các đối tác trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; chúng tôi mới có đầy đủ điều kiện để mở chương trình đào tạo này.

Từ trái sang: TS. Kim Jun Sung – Chuyên gia; Giáo sư Park Jang Huyn – Chuyên gia và TS. Roh Yeachul Phó Viện trưởng – Chuyên gia (Viện nghiên cứu điện tử viễn thông Hàn Quốc).

Đây là lần đầu tiên VKU tổ chức sự kiện công bố tuyển sinh – đào tạo cho một chương trình đào tạo. Điều này thể hiện sự đặc biệt quan trọng của một lĩnh vực đào tạo, không phải là một ngành công nghiệp bình thường mà là ngành công nghiệp tạo nên cơ hội đột phá, khẳng định đẳng cấp và vị thế quốc gia. Nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta sẽ nâng tầm được vị thế của đất nước.

Ngoài ra, sự kiện còn có ý nghĩa góp phần truyền thông, lan tỏa về ngành công nghiệp vô cùng quan trọng này cho xã hội và thí sinh, nâng cao nhận thức rằng việc thí sinh chọn theo học ngành này không chỉ là theo đuổi sự nghiệp tương lai của riêng mình mà còn lớn hơn thế nữa đó là trách nhiệm, sự sẵn sàng cống hiến, đóng góp cho đất nước trong hành trình nâng tầm vị thế quốc gia.

Sự kiện này cũng góp phần khẳng định vị thế, sứ mệnh và trách nhiệm của VKU, một đại học luôn với tinh thần tích cực, hành động quyết liệt, tiên phong tham gia giải quyết vấn đề cấp bách và quan trọng của đất nước và của thành phố Đà Nẵng, trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin, truyền thông nói chung và công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng.

Ngay sau nghi thức công bố, VKU sẽ tiến hành ký kết với các đối tác chiến lược của nhà trường. Không chỉ tuyển sinh, đào tạo thông thường, VKU còn tính đến quá trình thực tập nâng cao kiến thức, tính đến “đầu ra” cho người học. Muốn vậy, chất lượng đào tạo phải bảo đảm ở mức độ cao. VKU sẽ có phòng thí nghiệm thực hành hiện đại để người học trải nghiệm nghiên cứu công nghệ vi mạch bán dẫn” – PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU cho biết.

Ký kết hợp tác giữa VKU và Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long (ảnh trên); Công ty FPT Software miền Trung (ảnh tiếp theo).
Ký kết hợp tác giữa VKU và Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long (ảnh trên); Công ty FPT Software miền Trung (ảnh tiếp theo).

Mở mới chuyên ngành, điều chỉnh chương trình đào tạo, chuyển tiếp sinh viên đang học các ngành gần sang vi mạch bán dẫn
Được biết, năm 2021, VKU cũng đã tiếp tục mở thêm các lĩnh vực gần (vi mạch bán dẫn ), như: IoT, hệ thống nhúng, các học phần về thiết kế mạch điện tử, vi xử lý, … Năm 2022, trường khởi công Lab thiết kế vi mạch trị giá 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA (của Chính phủ Hàn Quốc).

Theo TS Huỳnh Ngọc Thọ – Trưởng Phòng Đào tạo (VKU), dự kiến chương trình đào tạo (kỹ sư thiết kế vi mạch), gồm 160 tín chỉ, thời gian đào tạo 4,5 năm, trong đó bao gồm khối kiến thức cơ sở ngành – kiến thức nền tảng (cấu kiện điện tử, kỹ thuật mạch điện tử, Thiết kế mạch điện tử, Cấu trúc máy tính, Kỹ thuật số, Toán kỹ thuật, …) và khối kiến thức chuyên ngành – thiết kế vi mạch bán dẫn (Thiết kế SoC, Công nghệ chế tạo IC, Thiết kế bộ nhớ bán dẫn, Thiết kế IC tương tự/số, Thiết kế FPGA/VLSI, Quy trình thiết kế IC, DSP, Mạch điện, Trường điện từ, Tín hiệu và hệ thống, …).

Song song, VKU còn triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo và chuyển tiếp sinh viên đang học các ngành gần như Công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhung và IoT, Công nghệ thông tin sang định hướng thiết kế.

VKU dự kiến tuyển sinh mới từ năm 2024 – 2027 khoảng 500 chỉ tiêu, chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang Thiết kế vi mạch bán dẫn. Dự kiến năm 2028 trở đi sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đối với đào tạo chuyển tiếp, dự kiến đến năm 2025 sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp Ngoài ra, VKU cũng sẽ triển khai các lớp Accelerator (tăng tốc), huấn luyện phối hợp với doanh nghiệp, dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm. Năm 2024, sẽ mở chương trình đào tạo thạc sỹ liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.

TS. Huỳnh Ngọc Thọ – Trưởng phòng Phòng Đào tạo VKU: Trưởng dự kiến tuyển sinh mới từ năm 2024 – 2027 khoảng 500 chỉ tiêu.

“Góp phần cùng VKU, cùng Đại học Đà Nẵng, và nhiều đại học trên cả nước đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; Tập đoàn Nam Long quyết định đầu tư, hình thành một  phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn hiện đại nhất (tính đến thời điểm hiện nay trên cả nước) tại VKU. Dự án có tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng.

Đây cũng là một đóng góp của Tập đoàn Nam Long, với mong ước làm sao tăng năng suất lao động của người Việt Nam, lao động phải tạo ra những giá trị kinh tế lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Không lý do gì mà người Việt chúng ta lại thua xa các quốc gia khác về năng suất lao động, từ 25 thậm chí đến 50 lần. Có lẽ vấn đề là chúng ta chưa đi vào sản xuất công nghiệp hiện đại, chưa đầu tư cho các ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện tầm vóc, vị thế của đất nước chúng ta”, Ông Bùi Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long, nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Huỳnh Ngọc Thọ – Trưởng phòng Phòng Đào tạo VKU, trong lộ trình, kế hoạch đào tạo, quy mô tuyển sinh, và các nguồn lực cho đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch bán dẫn tại VKU; trường đã hình thành chính sách hỗ trợ từ 50-100% học phí, miễn phí ở ký túc xá 2 học kỳ đầu và xét tiếp cho các năm tiếp theo. Ngoài ra, Trưởng còn chủ động hợp tác và kêu gọi các nguồn tài trợ học bổng từ doanh nghiệp, đề xuất các chính sách hỗ trợ từ thành phố Đà Nẵng và các chính sách hỗ trợ liên quan khác.

VKU ký kết hợp tác Viện Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh trên); Viện Tích hợp hệ thống, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn (ảnh tiếp theo).

Cũng trong ngày 21/10/2023, đã diễn ra Workshop Công nghệ vi mạch bán dẫn. Với chủ đề: Làm thế nào để thiết kế chip ngày càng có nhiều chức năng hơn ? Ngành công nghệ vi mạch bán dẫn đang có xu hướng cần đến, những phương pháp thiết kế hiệu quả hơn. Các chuyên gia cũng gợi ý những xu hướng mới của phương pháp thiết kế chất bán dẫn; xác định phương pháp và công cụ nào sẽ sử dụng, phân chia các mô-đun và quyết định cách thiết kế từng mô-đun (trong đặc điểm thiết kế, phân vùng,…), Giáo sư Park Jang Huyn – Chuyên gia Viện nghiên cứu điện tử viễn thông Hàn Quốc đã có bài trình bày đáng chú ý về những xu hướng của công nghệ vi mạch bán dẫn hiện nay.

Chuyên gia về lĩnh vực vi mạch bán dẫn (đến từ Viện Nghiên cứu Điện tử Viễn thông – ETRI – Hàn Quốc); đại diện giới quản lý, cơ sở đào tạo đại học cũng đã cùng nhau thảo luận về chủ đề phát triển nguồn nhân lực thiết kế và chế tạo vi mạch bán dẫn cho Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

TS. Roh Yeachul (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu điện tử – viễn thông, Hàn Quốc) đã trả lời truyền thông Việt Nam và chia sẻ về Trung tâm nghiên cứu SUDOGWON hiện nay là viện nghiên cứu hàng đầu về nuôi dưỡng và bồi dưỡng nhân lực kỹ thuật số ở Hàn Quốc.

Với các góc nhìn khác nhau, các chuyên gia cũng đề xuất khung chương trình đào tạo các khóa Accelerator, đi từ những tuần học cơ bản lý thuyết về thiết bị, về điều khiển và kiểm soát logic; biết thiết kế phần mềm, thiết kế trình điều khiển thiết bị; nắm vững mã nguồn lắp ráp, phân tích quy trình bán dẫn, mạch tương tự, đến quy trình công nghệ/mạch tương tự dựa trên thiết kế, hay kiểm soát thiết kế dự án ứng dụng SW,… Học theo dự án (có thời gian thực hiện ngắn), cũng được các chuyên gia lưu ý không thể thiếu trong học phần.

Đây là những nội dung tham vấn giúp các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chiến lược và kế hoạch đào tạo vi mạch bán dẫn, phù hợp đối với điều kiện hiện tại, đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này trong thời gian tới./.

VKU có các thế hệ sinh viên được đào tạo chất lượng những chuyên ngành gần, sẵn sàng đào tạo chuyển tiếp sang thiết kế vi mạch.

T.Ngọc