(Đà Nẵng). Chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (VKU) – Đại học Đà Nẵng (sự kiện sẽ diễn ra vào sáng mai, 3/1/2025); chiều nay (2/1/2025) đã diễn ra chương trình “Diễn đàn Hợp tác đối tác chiến lược – VKU Strategic Partnership Summit”. Chủ đề chính của diễn đàn là: “Hợp tác chiến lược trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn”.
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm cung cấp nguồn nhân lực cho những dự án trọng điểm đột phá của Đà Nẵng
“Trong một thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng, đổi mới sáng tạo không chỉ là yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi doanh nghiệp mà còn là động lực chính cho sự phát triển của một quốc gia và thế giới.
Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đang có cơ hội cất cánh trong một kỷ nguyên mới. Nếu chúng ta có chiến lược, chính sách tốt, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính khu vực mạnh cùng với khu vực thương mại tự do có khả năng thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước như nhiều chỉ thị của Chính phủ, Bộ Chính trị đã nêu (Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2024, Kết luận số 79-KL/TW, Nghị quyết số 43-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Trung tâm tài chính khu vực Đà Nẵng, được định hướng ứng dụng công nghệ chuyên sâu để phát triển tài chính. Trung tâm tài chính này phải đủ sức cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trên thế giới như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Ràng buộc này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tạo ra nhiều giá trị hơn, để có thể đột phá, phát triển bền vững và có đủ sức mạnh, tiềm lực để cạnh tranh.
Về vấn đề này, VKU nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước, VKU tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước để cải tiến chương trình đào tạo, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo trong toàn trường.
Chương trình đào tạo của VKU có những đặc điểm nổi bật: Thiết kế phù hợp với nguồn nhân lực toàn cầu, bám sát thực tiễn kinh doanh, tăng cường ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) và các kỹ năng mềm. Tiếp cận xu hướng khoa học công nghệ hiện nay: Bán dẫn, AI, Fintech, Kỹ thuật phần mềm ô tô.
Để triển khai các chương trình đào tạo nêu trên, việc hợp tác với doanh nghiệp được coi là một trong những yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp không chỉ đóng góp vào việc xây dựng chương trình đào tạo, chia sẻ kiến thức, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mà còn hỗ trợ nguồn lực và tài chính cho nhà trường để đảm bảo đạt được chất lượng đào tạo và nghiên cứu tốt nhất. Do đó, hợp tác doanh nghiệp được coi là yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của VKU.
Hội thảo lần này có sự tham gia của các diễn giả uy tín trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như sự hiện diện của nhiều đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính hiện nay hy vọng sẽ mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo, đề xuất hay gợi ý hữu ích, giải pháp khả thi cho VKU cũng như các cơ sở giáo dục đại học khác và các bên liên quan để triển khai hiệu quả các hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác và khởi nghiệp trong thời gian tới”- TS.Trần Thế Sơn, Phó Hiệu trưởng VKU nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc, diễn đàn “Hợp tác đối tác chiến lược”.
Các phiên hội thảo đồng loạt diễn ra chiều nay gồm “Hợp tác doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – Workshop on innovation, collaboration and entrepreneurship”. Báo cáo chính của phiên là nội dung trình bày của TS. Huy Nguyễn “Khởi nghiệp trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo: Cơ hội và Thách thức”. Trong khuôn khổ của hội thảo này, còn có phần thi VKU Startup. Các đội thi đã trình bày ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của mình (bằng tiếng Anh) trước Ban giám khảo, các chuyên gia và sinh viên VKU.
Phiên thứ hai là hội thảo “Mở rộng mạng lưới giáo dục toàn cầu – Global Education network: Strengthening partnerships for transnational programs”. Nội dung gồm: Tăng cường hợp tác giáo dục quốc tế thông qua mạng lưới trao đổi sinh viên; Giới thiệu về Hệ thống Giáo dục Vương quốc Anh và Cơ hội Học tập tại Vương quốc Anh cùng phiên giao lưu, diễn đàn mở để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm (xây dựng và duy trì các chương trình trao đổi sinh viên) từ các trường đại học Vương quốc Anh. Chủ trì của phiên là GS. Thomas Zhe Zhang – Trợ lý Giám đốc Hợp tác Toàn cầu – Đại học Northampton (Anh quốc).
Thay mặt VKU, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng trường đã điều phối phiên thảo luận mở “Ứng dụng công nghệ trong giáo dục quốc tế và xây dựng chương trình trao đổi sinh viên” với chủ đề trọng tâm là ứng dụng công nghệ hiện đại (như học trực tuyến và nền tảng số) để phát triển chương trình hợp tác quốc tế và trao đổi sinh viên.
Theo TS.Huỳnh Ngọc Thọ – Phó Hiệu trưởng VKU, nâng cao chất lượng giáo dục, luôn là một trong những mục tiêu chính trong giáo dục đại học. Nhiều giải pháp đã được triển khai để nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Trong số các giải pháp này, thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển các chương trình giáo dục xuyên quốc gia là những chiến lược thiết yếu để đạt được mục tiêu này.
Hội thảo hôm nay là một phần của dự án UK-TNE (“UK TNE Development”, do Hội đồng Anh tài trợ, mục tiêu dự án nhằm nâng cao năng lực quản lý và vận hành các chương trình giáo dục xuyên quốc gia – TNE – tại Việt Nam). Với VKU chúng tôi, hội thảo là một trong những hoạt động đánh dấu kỷ niệm 5 năm thành lập của VKU.
Hội thảo hôm nay tạo ra các cơ hội trao đổi và học tập giữa các trường đại học quốc tế và các đối tác trong hệ thống giáo dục xuyên quốc gia; thúc đẩy mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học Vương quốc Anh và các tổ chức giáo dục toàn cầu. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế tương tác và học hỏi lẫn nhau. Hội thảo cũng giúp VKU chúng tôi tăng cường hiểu biết về hệ thống giáo dục quốc gia của Vương quốc Anh và các cơ hội học tập, giúp mở rộng khả năng tiếp cận cho sinh viên quốc tế.
Phiên thứ ba là diễn đàn “Kết nối và mở rộng hợp tác đối tác chiến lược – Global strategic partnership summit”.
Tham gia phiên thảo luận mở ngoài lãnh đạo các đại học trong nước (Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh-Hutech; Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) TP. Hồ Chí Minh, Đại học Phenikaa Phenikaa, Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Kinh tế (DUE), Viện Nghiên cứu và Đào Việt Anh (VNUK) – 2 thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng); còn có đại diện của Đại học Hertfordshire (Anh),…các trường đại học là đối tác VKU (University of Hertfordshire, Newpathway); các chuyên gia quốc tế; đại diện tổ chức KOICA Việt Nam, …
Các đội thi trình bày ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong phần thi VKU Startup.
Chiều nay, 2/1/2024, VKU cũng tổ chức trao giải cuộc thi Trí tuệ nhân tạo và Ứng dụng: DANANG AI for life 2024 và VKU Startup; Vinh danh sinh viên đạt thành tích cấp quốc tế, quốc gia.
Tại cuộc thi DANANG ai for life 2024, giải Nhất (bảng AI for Life) được trao cho Nhóm Four stars (gồm các bạn Dương Đính, Trần Thị Thuỳ Dương, Võ Nguyễn Hoàng An và Lê Trung Việt, với đề tài Researching machine learning models for building systems to read image data of score reports for VKU. Ở bảng thi AI Challenge, giải Nhất thuộc về “Bigfooooot” (gồm các bạn Lê Kim Hoàng Trung, Nguyễn Kết Đoàn, Nguyễn Đức Bảo, Nguyễn Văn Thành Vinh và Trần Nguyên Anh.
Giải Nhì, được trao cho đội VKU_KS_05 (gồm các bạn: Đinh Việt Phương, Lê Văn Hạnh và Võ Thị Mỹ Duyên) với đề tài Virtual assistant supporting academic information lookup and VKU admission information. Về Nhì, bảng thi AI Challenge là đội “Chấm hỏi?”.
Trần Ngọc