Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến suốt đời vì dân, vì nước

ĐNA -

Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, tôi bàng hoàng, hụt hẫng vì từ đáy lòng mong muốn Tổng Bí thư tiếp tục sống, lèo lái đất nước phát triển không ngừng. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vô cùng thương tiếc nhà lãnh đạo xuất sắc, toàn tâm toàn ý vì dân vì nước, mà nhân dân luôn đặt niềm tin tuyệt đối.

 

Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng từ trần lúc 13g38 ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do tuổi cao, bệnh nặng.

Tôi may mắn được biết về Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cách đây gần 20 năm. Nên tôi có thể khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: luôn nêu cao lòng yêu nước, yêu dân sâu sắc, nghĩa tình chung thủy; không bao giờ để sa ngã trước tiền tài, danh vọng; một mực khiêm tốn, gần gũi, lắng nghe và giải quyết nhanh nhất có thể những bức xúc của người dân; coi trọng việc tự phê bình và phê bình, đặc biệt luôn nêu rõ ưu điểm, đi đôi với vạch ra khuyết điểm để sửa chữa nhằm làm cho con người tốt hơn, hết lòng phục vụ nhân dân. Mặc dù, mấy năm gần đây sức khỏe không tốt nhưng với trách nhiệm người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đã nỗ lực hết mình vì lợi ích của dân, của nước, làm việc đến hơi thở cuối cùng, đoàn kết toàn dân để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng hạnh phúc, thực hiện cho kỳ được lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Có dịp gần gũi với Tổng Bí thư, tôi thực sự mến phục đức khiêm tốn, giản dị của đồng chí. Khi là Chủ tịch Quốc hội năm 2010, đồng chí được phân công phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Luật sư Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ tại Dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, trợ lý của đồng chí cho tôi biết: Chủ tịch Quốc hội mong muốn có sự góp ý của tôi (Nguyễn Hữu Châu) vào dự thảo phát biểu cho hoàn chỉnh hơn. Tôi cố gắng hết sức để làm tròn bổn phận của mình. Năm 2011, chỉ sau 3 ngày được bầu là Tổng Bí thư BCH TW Đảng, đồng chí đã đến nhà 167 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Sau khi đốt nhang dâng hương cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị tôi trình bày giới thiệu cuộc sống và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Phòng lưu niệm. Sau đó, Tổng Bí thư ngồi lại trò chuyện thân mật với tôi. Tổng Bí thư bày tỏ lòng kính trọng đối với Luật sư đã suốt đời phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân bất chấp mọi thủ đoạn, hành hạ của thực dân, đế quốc đã giam cầm Luật sư trong gần 4000 ngày. Cuộc trò chuyện diễn ra như giữa đồng chí và đồng chí, Tổng Bí thư không hề thể hiện là cấp lãnh đạo với cán bộ bình thường.

Cả nước và thế giới đều công nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận sắc sảo. Với lòng mến phục đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tôi đã đọc nhiều tác phẩm của đồng chí và có viết bài “Vượt mọi khó khăn, bổ sung lý luận khoa học từ thực tiễn sinh động, kiên trì đi theo con đường Hồ Chí Minh” nhân dịp Tổng Bí thư phát biểu sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ chính trị (đăng trên tạp chí MTTQ TP. HCM). Gần đây, theo đề nghị của lãnh đạo MTTQ TP. HCM, tôi có viết bài về xây dựng gia đình hạnh phúc căn cứ cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2024) tôi có viết bài nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, theo đó phải xây dựng sự tự quản, gia đình hạnh phúc ở tổ dân phố.

Trong đời hoạt động cách mạng, trong nhiều bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư thường nhấn mạnh đến vai trò của Thanh niên là rường cột quốc gia, là chủ tương lai đất nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhắc đến Di chúc của Bác Hồ, theo đó: Đảng cần phải chăm lo giáo dục cách mạng cho họ, đào tạo họ thành người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội “vừa hồng”, “vừa chuyên”. Tổng Bí thư căn dặn thanh niên: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận về những năm tháng đã sống hoài, sống phí. Hãy cống hiến cho hạnh phúc của đất nước”. Đặc biệt, Tổng Bí thư xúc động nhắc lại tấm gương của Bác Hồ không thể không noi theo: “Nhìn trên áo Bác không có tấm huân chương nào, nhưng đằng sau cái áo đó ẩn chứa một trái tim nồng hậu –  tất cả vì nước vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Nhớ thương đồng chí Tổng Bí thư, điều thiết thực nhất là chúng ta hãy biến tình cảm cao quý với đồng chí Nguyễn Phú Trọng bằng hành động cụ thể, cho dù cuộc sống phía trước còn phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Lời phát biểu của Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 19/7/2024 là một lời nhắc nhở động viên lớn với chúng ta: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng BCH TW Đảng hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái, hư hỏng trong Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực đi đôi không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh trí tuệ, tính tiên phong, phát huy truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền bối, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Xuyên xuốt trong tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhân dân, là con người, là hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng con người, lấy nhân dân là chủ thể, trung tâm các công cuộc đổi mới”: “Đường lối của Đảng mà không phản ảnh được lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc, không phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử, là đường lối sai lầm”, “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng là nhân tố quyết định tạo sức mạnh của Đảng”. Phân tích sự khác nhau của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm lợi ích của đại đa số nhân dân”. Về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khái quát “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở nước ta là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng cường kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”, “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng lối mục tiêu phát triển xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, những người không may gặp khó khăn, cơ nhở”. Những lời nhắc nhở trên của Chủ tịch nước Tô Lâm giúp cho nhân dân ta tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, tiếp tục làm tốt những việc mà Tổng Bí thư cùng toàn Đảng đang làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra vì hạnh phúc của nhân dân, chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến: “Hạnh phúc chỉ đến khi xem hạnh phúc người khác quan trọng hơn hạnh phúc của bản thân mình”.

Nguyễn Hữu Châu/nguyên ủy viên Ban thường trực HĐND TP. HCM