Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua, nhà hát Phương Nam, TPHCM chính thức khai diễn vở “Vùng đất kỳ bí” trước sự yêu thích và trực tiếp tham dự của hàng trăm ngàn khán giả. Theo Nghệ sĩ ưu tú Lê Ích Diễn, Giám đốc Nhà hát Phương Nam, đến thời điểm kết thúc tháng 2/2025, đã có hơn 31 suất diễn và gần 25 ngàn lượt khán giả trong nước và du khách quốc tế đến xem. Một con số người xem phải nói là rất khích lệ cho Nhà hát Phương Nam và đặc biệt là các nghệ sĩ xiếc giữa lúc “tràn nhập” các loại hình sân khấu nghệ thuật đương đại ra đời.

Cốt chuyện xoay quanh cuộc tìm kiếm 5 viên đá tượng trưng cho Ngũ hành của hai nhân vật Tùng và Mon.
Câu chuyện kể về một ngôi làng nọ khi bị cơn hạn hán ập đến. Người dân nơi đây đều đặt hết niềm tin vào một truyền thuyết “Trống gọi trời”, nên trưởng làng đã tổ chức một cuộc thi đối kháng giữa các nam nhân, tuyển chọn người mạnh nhất đi thu thập 5 viên đá tượng trưng cho Ngũ hành – Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và đặt vào chiếc trống, cầu mưa cho ngôi làng.

Sau bao thử thách và hiểm nguy, bằng sự cố gắng, nỗ lực của Tùng và Mon họ đã thu thập được đủ 5 viên đá đem về ngôi làng thân yêu. Trong sự chứng kiến của tất cả người dân, chiếc trống trời đặt giữa quảng trường nổi bật với 5 viên đá quý được đặt cẩn thận trên bề mặt, đại diện cho 5 vị thần: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Cả làng ngả mũ chào đón sự xuất hiện của Thần Rùa, 5 viên đá sáng lên cũng là lúc hạn hán và thiên tai lập tức biến mất, cả làng chào đón cơn mưa đã lâu không xuất hiện trong sự hân hoan vui mừng…

Các tiết mục xiếc trong “Vùng đất kỳ bí” không chỉ đơn giản là những màn nhào lộn hay tung hứng, mà còn thể hiện cả một truyền thuyết được kể qua ngôn ngữ cơ thể và sự sáng tạo. Với Những màn biểu diễn đầy màu sắc, kỹ năng tinh xảo và sự phối hợp ăn ý giữa các nghệ sĩ đã tạo nên một bầu không khí nghệ thuật rộn ràng và đầy ấn tượng. Mỗi pha hành động, mỗi tràng vỗ tay của khán giả đều là một phần của bức tranh tổng thể, mang đến niềm vui và sự hào hứng cho các diễn viên và mọi người…
Khán giả khi xem xiếc của Nhà hát Phương Nam đầy hứng khởi và ngạc nhiên trước tài năng của các nghệ sĩ. Đó là những giây phút thăng hoa, khi nghệ thuật và niềm vui hòa quyện, tạo nên những kỷ niệm khó phai trong lòng người xem.

“Rất hứng khởi khi được xem các nghệ sĩ xiếc Việt Nam biểu diễn. Tôi hiểu ngoài sự dấn thân, lòng can đảm. Họ bay lơ lững giữa không gian nhà hát mà không sợ hiểm nguy. Tôi hiểu các nghệ sĩ phải có tình yêu nghệ thuật thực sự họ mới có thể làm được điều đó, vì các tiết mục xiếc độc đáo và trong góc nhìn của khán giả, khi đèn sân khấu được mở lên là mọi người trông thấy thú vị, không kém phần nguy hiểm và luôn hồi hồi hộp. Các san khấu xiếc trên thế giới cũng vậy. Cái hay nữa là xiếc của các bạn giờ đây không có lạm dụng việc biểu diễn của các “diễn viên thú vật”, và suốt chương trình tôi cũng không thấy có “diễn viên” thú nào. Cảm ơn Nhà hát Phương Nam và các nghê sĩ đã cống hiến cho khán giả những tiết mục xiếc, đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc cả về cốt truyện cũng như về cách biểu diễn!”, anh Raymond J, một khán giả, đồng thời là một du khách đến từ Anh quốc nói với tôi như thế!
Anh Ba Nhạc, 59 tuổi ở Hóc Môn cùng gia đình 5 người đến xem, cho biết: “Lần đầu tiên được xem xiếc, đặc biệt là xem vở tuồng thần thoại “Vùng đất kỳ bí” của Nhà hát Phương Nam. Phải nói là tôi và các thành viên trong gia đình đều có nhiều cảm xúc. Thứ nhất là rất hữu ích khi hiểu được những câu chuyện truyền thuyết cổ xưa. Thứ hai là thấy được trực tiếp những màn biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc. Trước đây tôi chỉ nghe nói hoặc xem xiếc trên màn hình vô tuyến thôi, bây giờ mới thấy được trực tiếp. Tôi thấy rất hay, rất hồi hộp… và mong muốn có điều kiện sẽ rủ bạn bè đến đây xem tiếp!”

Bác Phạm Hy, 71 tuổi, hai ông bà đến TPHCM chơi từ Rạch Giá – Kiên Giang, cùng mấy người cháu vào xem xiếc của Nhà hát Phương Nam, cho hay: “Sau Tết rảnh rang vườn tược, tui và bà nhà lên Sài Gòn tham quan. Có mấy đứa cháu hướng dẫn vô đây xem nghệ thuật xiếc. Hồi xưa tui cũng có xem xiếc thú, bây giờ xem xiếc người, các nghệ sĩ diễn rất hay và diễn có vở tuồng, có cốt truyện đàng hoàng. Tui xem dễ dễ hiểu, rất bổ ích và mở mang được kiến thức cho các lứa tuổi…”
Được biết, trước đó, Nhà hát Phương Nam, đã có chương trình biểu diễn xiếc, phục vụ khán giả địa phương và du khách quốc tế bởi các tác phẩm như Bí Ẩn Nơi Đảo Hoang, Huyền Sử Rồng Tiên, Ầu Ơ – Thanh Âm Đầu Đời, Mekong show, Ba Tư Huyền Bí…

Gỉản Thanh Sơn
Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Lê Ích Diễn – Đạo diễn- Giám đốc Nhà hát. Cố vấn chuyên môn :Nguyễn Phi Sơn. Tác giả kịch bản: Phan Thục Trâm. Đạo diễn: NS Nguyễn Quốc Công. Phó đạo diễn: Mạnh Quyền. Trợ lý đạo diễn: Nguyễn Quang Thế – Nguyễn Bá Đức. Thư ký đạo diễn: Phùng Minh Cương. Biên đạo múa : Mạnh Quyền. Biên tập âm nhạc: Nguyễn Hoàng Minh Khoa. Thiết kế sân khấu: Hồng Vân. Thiết kế và tạo hình rối: Trần Quang Khánh. Cảnh trí: Nguyễn Hòa. Phục trang: Thu Hiệp – Bích Đào – Hồng Nhung – Phi Yến. Âm thanh: Quốc Dũng. Ánh sáng: Thái Anh. Đài trưởng: Văn Hiệp Cùng với phần tham gia biểu diễn của các diễn viên xiếc…