Theo Võ sư Phùng Đăng Huấn. “Võ phái Phùng Gia không chỉ dạy võ mà dùng giá trị cốt lõi của võ để dạy người. Người luyện võ phải đầy đủ 3 yếu tố: Đạo đức, trí tuệ, dũng khí.” Võ sư Huấn cũng không ngừng nỗ lực phát triển Trung tâm Đào tạo võ thuật Năng khiếu Việt, phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng cho võ thuật nước nhà.

Ngọn lửa đam mê võ thuật thúc đẩy những bước đi mạnh mẽ
Ngoài đời, Võ sư Phùng Đăng Huấn tạo cảm giác dễ mến đối với người mới gặp bởi sự thanh lịch, nhẹ nhàng của chàng trai sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội. Tôi khá bất ngờ khi được biết anh là một võ sư trẻ. Võ sư Huấn cho biết, từ khi còn nhỏ, ngọn lửa đam mê võ thuật đã bừng cháy trong anh. Trải qua những năm tháng khổ luyện, truyền dạy một số môn võ cổ truyền cũng như của nước ngoài, ý định sáng lập một võ phái riêng ngày càng thôi thúc anh mạnh mẽ.
Năm 2023, Võ sư Phùng Đăng Huấn sáng lập Võ phái Phùng Gia Việt Nam. Về lý do lựa chọn tên gọi Phùng Gia, anh chia sẻ, “Với bề dày hơn 1.200 năm lịch sử, dòng họ Phùng ở Việt Nam đã cùng bao dòng họ khác đã tham gia dựng nước và giữ gìn bờ cõi, chống giặc ngoại xâm. Phùng là một họ của người thuộc vùng văn hóa Đông Á. Họ Phùng có nguồn gốc từ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội). Trong lịch sử, họ Phùng đã có những nhân vật văn võ song toàn với nhiều chiến công oanh liệt. Điển hình như Phùng Thanh Hòa- hữu tướng quân của Lý Bí, người khởi nghĩa chống nhà Lương dựng nên nước Vạn Xuân, người xưng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; Phùng Hưng (761- 802), lãnh tụ khởi nghĩa chống lại nhà Đường, được tôn là Bố Cái Đại Vương; Phùng Gia (thế kỷ 10), vị tướng nhà Đinh có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân; Phùng Khắc Khoan (1528-1613), đại thần thời nhà Lê sơ được mệnh danh là Trạng Bùng; Phùng Tá Chu- người có công lớn giúp Trần Thủ Độ xây dựng nên nhà Trần… Họ Phùng luôn được trao truyền từ đời này sang đời khác, trải các triều đại hưng suy đều hiện lên tấm lòng yêu nước, thương dân, những vẻ đẹp cần lao, nhân văn sâu sắc.”

Trên cơ sở đó, định hướng giáo dục của võ phái Phùng Gia là đạo đức đi trước kỹ thuật theo sau. Võ phái không chỉ dạy võ mà dùng giá trị cốt lõi của võ để dạy người. Người luyện võ phải đầy đủ 3 yếu tố, đạo đức, trí tuệ, dũng khí. Đó là ba nền tảng vững chắc để hoàn thiện nhân cách của một người.
Kỹ thuật võ phái gồm 4 phần chính (Tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, thân pháp), các bài quyền như: Khởi đầu Quyền, Côn nhị khúc, căn bản Côn, Phong Hoa Thương, Ba toong, Song Dao găm, Tuý Quyền, Song Phủ, Xà Quyền, Song Đầu Thương… Cùng một số bài đối luyện, đối kháng, tự vệ (những đặc tính kỹ thuật của võ phái cùng kết hợp với kỹ thuật võ thuật hiện đại như Vovinam, Kickboxing, Pencak-silat, võ cổ truyền Việt Nam…), khí công, nội công, ngoại công. Hiện nay, Võ phái Phùng Gia là thành viên chính thức của Liên đoàn võ cổ truyền thành phố Hà Nội.
Được biết, trước khi sáng lập Võ phái Phùng Gia, từ năm 2008, Võ sư Phùng Đăng Huấn đã là chủ nhiệm một số võ đường, góp phần phát triển phong trào võ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Võ sư Huấn là người đầu tiên biểu diễn bài Song Phủ (búa rìu) tại Hà Nội và giành huy chương vàng tại Giải vô địch võ thuật cổ truyền khu vực phía Bắc lần thứ III (năm 2009). Năm 2017, anh thành lập Trung tâm Đào tạo võ thuật Năng khiếu Việt nhằm góp phần phát triển phong trào võ thuật cổ truyền của dân tộc, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ. Đến nay, ngoài trụ sở chính thì Trung tâm Đào tạo võ thuật Năng khiếu Việt có 3 cơ sở đào tạo tại thành phố Hà Nội. Số lượng môn sinh được đào tạo trung bình hàng năm là khoảng hơn 100 người. Võ sư Phùng Đăng Huấn từng huấn luyện một số vận động viên xuất sắc như Nguyễn Chí Hải Bình (2 huy chương vàng giải Pencak silat Hà Nội), Nguyễn Thái Việt Anh (2 huy chương vàng liên tiếp tại các kỳ Hội diễn võ cổ truyền Hà Nội), Nguyễn Hữu Lộc (1 huy chương vàng giải Pencak silat Hội khỏe phù đổng)…

Thành công hiện tại tạo đà hướng đến tương lai
Chị Mai Thị Thúy Hiền, một người dân sống tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cho biết, “Trong một thời gian khá dài, tôi vẫn luôn phân vân chưa biết đăng ký cho con trai mình tập luyện môn gì. Sau đó, hai mẹ con quyết định tìm hiểu về câu lạc bộ thuật tại trường mầm non Sao Mai thuộc Trung tâm Đào tạo võ thuật Năng khiếu Việt. Qua quá trình trao đổi với những người phụ trách và tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất nơi đây, tôi yên tâm đăng ký cho con vào câu lạc bộ, trở thành môn sinh Võ phái Phùng Gia. Điều đặc biệt là con trai tôi trước đó không hề ưa thích học võ, nhưng qua một thời gian ngắn, đến nay cháu đã hoàn toàn hòa nhập và tập luyện rất hăng say. Tôi rất vui vì nhờ võ thuật mà cháu được tăng cườn sức khỏe thể chất, tinh thần và thoát ly điện thoại, ti vi.”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á, vận động viên Phùng Hoàng Anh- người từng giành 1 huy chương vàng đối kháng Pencak- silat hạng 54 kg tại Giải thi đấu các môn thể thao hè thành phố Hà Nội năm 2023 cho biết: “Với em, Pencak- silat là phương tiện để thỏa niềm đam mê, còn võ thuật cổ truyền chính là chất xúc tác để tạo nên điều đó. Nếu phải lựa chọn một trong hai môn võ, em sẽ chọn võ cổ truyền của dân tộc ta. Đây không chỉ bởi niềm tự hào dân tộc mà võ cổ truyền, cụ thể là Võ phái Phùng Gia giúp em hoàn thiện kỹ năng, hướng tới sự hài hòa về thể chất lẫn tinh thần.”

Theo Võ sư Phùng Đăng Huấn, về cơ bản thì kỹ thuật của Pencak- silat khá giống với võ cổ truyền Việt Nam. Vì vậy, khi các võ sinh đã luyện tập võ cổ truyền có căn bản nếu chuyển sang Pencak- silat không gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các võ sư, huấn luyện viên của Võ phái Phùng Gia và Trung tâm Đào tạo võ thuật Năng khiếu Việt còn sáng tạo, kết hợp một số đòn thế võ thuật cổ truyền với Pencak-silat để nâng cao hiệu quả thi đấu.
Về những dự định trong thời gian tới, Võ sư Phùng Đăng Huấn cho biết sẽ tiếp tục cùng các cộng sự nỗ lực không ngừng xây dựng, phát triển võ phái và trung tâm ngày càng lớn mạnh. Hướng tới mục tiêu chương trình giảng dạy là môn võ cổ truyền Việt Nam được xây dựng và đào tạo phù hợp với sự phát triển thể chất của từng học viên. Tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi: Võ thuật rèn luyện con người phát triển Thân- Tâm- Trí, cho con người có sức mạnh, vượt qua ngưỡng giới hạn của bản thân. Tinh thần và khí phách của người luyện võ luôn trường tồn, đó là tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, chiến đấu vì hòa bình. Võ đạo là kim chỉ nam hướng con người tới những giá trị hoàn thiện nhân cách, sống kỷ luật, đạo đức và nhân ái.

Võ sư Huấn luôn trăn trở với sự phát triển của võ thuật hiện tại. Võ thuật cổ truyền Việt Nam là tinh hoa văn hóa, là niềm tự hào gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc, sự khẳng định chân lý giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Qua sự luyện tập và giao lưu võ thuật cổ truyền, góp phần quảng bá những hình ảnh đẹp nhất đất nước con người Việt Nam với bạn bè trên thế giới. Nhưng về mặt quảng bá của nhiều môn phái, võ phái vẫn còn hạn chế. Do đó, không ít người dân cùng nhiều thanh, thiếu niên chưa biết đến và thực sự hiểu về võ cổ truyền. Niềm mong mỏi của Võ sư Phùng Đăng Huấn là những người đang truyền bá võ thuật sẽ cùng nhau đoàn kết, xây dựng võ thuật cổ truyền ngày càng lớn mạnh hơn nữa trong thời gian tới, xứng tầm là một trong những nét đặc sắc, tiêu biểu của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Sơn