Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Với thế mạnh về di sản văn hóa, huyện Phong Điền sẵn sàng trở thành một Trung tâm đô thị phía Bắc Thừa Thiên Huế



ĐNA -

Phong Điền là huyện phía cực bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích khá lớn với hơn 94.500 ha, có đủ các loại địa hình núi đồi, trung du, đồng bằng, đầm phá, ven biển. Từ xa xưa trong lịch sử, Phong Điền đã nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của những vị anh hùng, danh nhân lịch sử như Trần Văn Kỷ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Lộ Trạch, … Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Phong Điền là vùng đất cách mạng, nổi tiếng với các địa danh Dốc Ba Trục, Nhà Đại Chúng, Trạm phẩu thuật Tiền Phương, mà đặc biệt là Chiến khu Hòa Mỹ- căn cứ kháng chiến của tỉnh Thừa Thiên do đích thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lựa chọn và sáng lập.

Chiến khu Hòa Mỹ- căn cứ kháng chiến của tỉnh Thừa Thiên

Vùng đất Phong Điền được tích hợp vào lãnh thổ Đại Việt từ đầu thế kỷ XIV, ngay sau đó, rất nhiều lớp người Việt từ Thanh Hóa, Nghệ An đã kéo vào đây khai hoang mở đất, lập làng, xây dựng quê hương mới. Bởi vậy, trên địa bàn huyện Phong Điền có không ít ngôi làng cổ có bề dày lịch sử hàng trăm năm, trong đó có những làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng gốm Phước Tích, làng mộc Mỹ Xuyên, làng rèn Hiền Lương…Cũng do có vị trí chiến lược trên tuyến đường Thiên Lý Bắc- Nam nên Phong Điền cũng là nơi hội tụ, chuyển tải các giá trị văn hóa của người Việt trên con đường Nam tiến, giữ vai trò quan trọng trong quá trình mở đất, mở nước của dân tộc ta trong nhiều thế kỷ. Ngay trong thời kỳ hiện đại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phong Điền không chỉ có căn cứ địa Hòa Mỹ nổi tiếng mà còn có một đoạn đầu mối của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (đoạn cuối đường 71), nơi kết nối, chuyển tiếp sức mạnh dân tộc vào miền Nam…

Nhà thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Với vị trí quan trọng và bề dày văn hóa, lịch sử như vậy, Phong Điền cũng là vùng đất có trữ lượng di sản phong phú, đa dạng bậc nhất của Thừa Thiên Huế. Tính đến tháng 7 năm 2024, Phong Điền là địa phương có số lượng di tích đã được xếp hạng đứng thứ 2 toàn tỉnh (chỉ sau thành phố Huế) với 23 di tích/cụm di tích.

Phong Điền có 7 Di tích cấp quốc gia, là: Làng Cổ Phước Tích, lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Tri Phương, lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Lộ Trạch, lăng mộ Trần Văn Kỷ, lăng mộ Đặng Huy Trứ, chùa Giác Lương, Đoạn cuối đường 71. Điều đáng lưu ý là Làng cổ Phước Tích là 1 trong 4 ngôi làng cổ của Việt Nam được xếp hạng di tích cấp quốc gia nhưng vượt trội bởi sự độc đáo và tính thuần nhất điển hình của một làng quê vùng Trung bộ Việt Nam và hiện nay đang xúc tiến các thủ tục để nâng cấp thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Còn Đoạn cuối đường 71 cũng đã trở thành một phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt- Đường Hồ Chí Minh.

Chùa cổ Giác Lương

Phong Điền có 16 di tích cấp tỉnh là: Lăng mộ Lê Văn Miến; địa điểm chiến thắng Đồn Đất Đỏ; địa điểm Nhà Đại chúng; địa điểm đình Lưu Phước; địa điểm chiến thắng Thanh Hương; nhà thờ họ Lê Văn; địa điểm in bạc tài chính cụ Hồ năm 1946; mộ phần Đặng Văn Hòa; đình Hiền Sỹ; địa điểm dốc Ba Trục; địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Anh; địa điểm Trạm phẫu thuật Tiền phương; nhà thờ Trần Đình Bá; địa điểm Cồn Bệ; miếu Linh Quang; đình Thế Chí Đông).

Ngoài ra, Phong Điền còn có 11 địa điểm, công trình khác đã được UBND tỉnh đưa vào Danh mục Kiểm kê các công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2019.

Đình Hiền Sỹ

Cùng với những di sản văn hóa vật thể đa dạng, Phong Điền cũng là địa phương đang bảo tồn gìn giữ những di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú được lưu truyền qua nhiều thế hệ, như các lễ hội truyền thống (lễ hội Đu Tiên tại làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa và làng Gia Miêu, xã Phong Hiền; lễ hội Hương xưa Làng cổ tại làng Phước Tích, xã Phong Hòa; lễ hội cầu Ngư tại các xã ven biển…); Các ngành nghề truyền thống nổi tiếng (rèn Hiền Lương; đệm bàng Phò Trạch; gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, nghề Kim hoàn, nghề mây tre đan…); Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: múa Náp, múa hát sắc bùa…; Ẩm thực địa phương của Phong Điền cũng đa dạng, phong phú với các loại thực phẩm và nguồn nguyên liệu từ các vùng đồi núi, đầm phá nước lợ, hải sản biển…góp phần làm nên sự phong phú đặc biệt của ẩm thực Huế.

Nhà lưu niệm Lão thành cách mạng Hoàng Anh

Với trữ lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng về loại hình như vậy, hiện nay và trong giai đoạn sắp tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành, cả hệ thống chính trị của huyện Phong Điền đã và đang nỗ lực để phát huy tích cực những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn liền với địa phương để tạo động lực, tiền đề quan trọng trong việc xây dựng thành công Phong Điền trở thành đô thị loại IV và thành lập thị xã; đưa phong Điền trở thành một trong những đô thị trọng tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Di tích Nhà đại chúng

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Phong Điền cần có sự quan tâm, đầu tư có trọng điểm cho lĩnh vực văn hóa, di sản, một trong những thế mạnh của địa phương. Trước hết, huyện cần tập trung chỉ đạo việc đẩy mạnh lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đối với các công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa có giá trị tiêu biểu trên địa bàn và nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khoa học để nâng cấp cấp xếp hạng cao hơn đối với các di tích đã được xếp hạng trước đó, như: Làng cổ Phước Tích, địa điểm Trạm phẫu thuật Tiền phương.. đồng thời có phương án khai thác, phát huy tốt các di sản này. Song song với đó, huyện cần nghiên cứu và phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao lập hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Phong Điền để đề nghị Bộ Văn hóa và Thể thao đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng cổ Phước Tích.

Liên quan đến công tác đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn, đến nay, Phong Điền đã tiến hành xây dựng hai Đề án (lần 1 vào năm 2012 và lần 2 vào năm 2023) để đặt tên cho 31 tuyến đường tại thị trấn Phong Điền. Để nâng tầm, tạo điểm nhấn của đô thị loại IV và thị xã Phong Điền trong tương lai gần, huyện Phong Điền cần tiếp tục đầu tư hạ tầng đô thị; nâng cấp các tuyến đường không chỉ ở thị trấn Phong Điền hiện tại mà cần quan tâm ở các xã sẽ lên phường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Đề án đặt tên đường phố và công trình công cộng trong những lần tiếp theo, qua đó, thể hiện quy mô phát triển của đô thị theo định hướng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu chính đáng của người dân./.

TS. Phan Thanh Hải