Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Vũ khí có thể vô hiệu hóa tên lửa chống hạm



ĐNA -

Theo các chuyên gia quân sự, một trong những loại vũ khí có thể vô hiệu hóa tên lửa chống hạm là hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần.

Pháo 6 nòng AK-630. Ảnh: Wikipedia

Hệ thống vũ khí tầm gần (Close-in weapon system-CIWS) là vũ khí phòng thủ thường được trang bị trên tàu hải quân. Ngoài tên lửa chống hạm, CIWS có thể phát hiện và tiêu diệt các mối đe dọa khác như máy bay cánh cố định, máy bay cánh quay, các mục tiêu ven biển và thủy lôi đã lọt qua được các hệ thống phòng thủ bên ngoài. Gần như tất cả các lớp tàu chiến hiện đại cỡ lớn đều được trang bị một số hệ thống CIWS.

Trong một số trường hợp, hệ thống CIWS cũng được sử dụng trên đất liền để bảo vệ các căn cứ quân sự trước những cuộc tấn công bằng rocket, đạn pháo và đạn cối.

Có hai loại hệ thống CIWS: hệ thống CIWS dựa trên tên lửa và hệ thống CIWS dựa trên pháo.

Hệ thống CIWS dựa trên tên lửa thường sử dụng tia hồng ngoại, radar thụ động ESM hoặc dẫn đường đầu cuối bằng radar bán chủ động để dẫn hướng tên lửa nhắm đến mục tiêu tên lửa chống hạm, máy bay hoặc các mối đe dọa khác.

Các hệ thống CIWS dựa trên tên lửa thông dụng đang được trang bị cho hải quân các nước có: RIM-116 Rolling, Airframe Missile, Sea Oryx, HQ-10/FL-300N, Patsir, Tor..

Hệ thống CIWS dựa trên pháo thường là sự kết hợp của radar, máy tính và pháo nòng xoay bắn nhanh đa nòng được đặt trên một tháp pháo xoay, có khả năng nhắm bắn tự động. Các hệ thống CIWS dựa trên pháo đang hoạt động có: AK-630, Denel 35mm Dual Purpose Gun, Goalkeeper, Kashtan, Phalanx, Rheinmetall Oerlikon Millennim…

Một trong những nhược điểm của hệ thống CIWS dựa trên pháo là tầm bắn hiệu quả ngắn-chỉ khoảng 5.000m, thậm chí ngắn hơn. Trong khi, ở khoảng cách bị tiêu diệt khoảng 500m, một tên lửa chống hạm đang bay tới vẫn có thể gây thiệt hại cho các bộ cảm biến hoặc thiết bị liên lạc của tàu và gây thương vong cho thủy thủ đoàn gần đó.

Hai là, xác suất tiêu diệt thấp. Ngay cả khi tên lửa chống hạm đã trúng đạn và bị hư hại, nó vẫn có thể không bị tiêu diệt hoàn toàn hoặc thay đổi hướng đi. Trong trường hợp bị đánh trúng trực tiếp, phần còn lại của tên lửa hoặc những mảnh vỡ của nó văng ra ở cự ly quá gần cũng sẽ tạo ra một cơn mưa kim loại găm vào bề mặt thân tàu cũng như các cấu trúc khác. Với vận tốc cực lớn, những mảnh vỡ này có thể xuyên thủng lớp vỏ tàu, sát thương thủy thủ đoàn ở bên trong hay tệ hơn là phá hủy các thiết bị điện tử.

Một số hệ thống CIWS của Nga

Pháo 6 nòng AK-630M

Pháo do Phòng thiết kế Tulamashzavod sản xuất. Để phá hủy các tên lửa đang bay ở cự ly ngoài 5km, pháo AO-18 của hệ thống có thể bắn 5.000 phát/phút với vận tốc đầu nòng 900 m/s, sử dụng băng tiếp đạn tự động và chỉ cần một người bắn. Pháo có 2.000 viên đạn dự trữ trong một thùng chứa và 1.000 viên trong thùng chứa khác (đạn cháy nổ phá mảnh hoặc đạn vạch đường phá mảnh). Radar điều khiển hỏa lực là radar bám MR-123 Turel. Tầm hiệu quả là trên 4.000 m đối với các tên lửa chống hạm bay sát mặt biển và 5.000 m đối với các mục tiêu mặt nước nhỏ.

Hiện nay, các hệ thống AK-630M của Nga đã được xuất khẩu cho hải quân các nước như Ấn Độ, Trung Quốc… để lắp trên các tàu lớp Delhi, Khukri, Kora, Godavari, Tarantul và Brahmaputra; trên các tàu khu trục Project 956E và tàu hộ vệ mang tên lửa Tarantul-I.

Hệ thống CADS-N-1 Kashtan

Hệ thống CIWS kết hợp pháo/tên lửa CADS-N-1 Kashtan cũng do Phòng thiết kế Tulamashzavod nghiên cứu phát triển, xuất hiện lần đầu năm 1988.

Hệ thống Kashtan mang lại khả năng tự vệ cho các tàu mặt nước trước tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar, máy bay cánh quay hoặc cánh cố định, các mục tiêu nhỏ ven bờ và trên biển. Thiết kế modul (gồm các modul chỉ huy và modul chiến đấu) làm cho Kashtan có thể thích hợp với nhiều kiểu tàu mặt nước khác nhau từ tàu tên lửa với lượng choán nước chỉ trên 500 tấn đến các tàu sân bay.

Trong đó, modul chỉ huy vận hành tự động trong phát hiện các mối đe dọa, phân phối dữ liệu mối đe dọa, phân chia mục tiêu cho các modul chiến đấu và thực hiện các chức năng nhận biết “địch-ta”.

Modul chiến đấu bám tự động mục tiêu bằng radar và camera truyền hình, tính toán tham số bắn và tác chiến với mục tiêu bằng tên lửa hoặc pháo. Modul chiến đấu gồm bệ lắp pháo/tên lửa kết hợp, hệ thống radar và thiết bị điều khiển quang học có tầm hiệu quả 4,4 hải lí; hệ thống máy tính và hệ thống nguồn điện. Hệ thống điều khiển đa kênh tích hợp tạo khả năng bám nhiều mục tiêu đồng thời bằng các chế độ radar và truyền hình-quang học.

Phần bệ pháo lắp hai khối pháo tự động 30mm 6 nòng, vận hành bằng khí nén, làm mát bằng nước với một hệ thống tiếp đạn đơn giản và một hệ thống làm mát kiểu bay hơi tự động với dung tích chứa 1.000 viên đạn. Tên lửa SAM-57E6 có 32 quả cất giữ trong các ống phóng kiêm công-ten-nơ được bố trí dưới boong tàu.

PV (tổng hợp)