Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Vườn Huế và thú chơi kiểng ở Huế

ĐNA -

Sinh thời, nhà Việt Nam học nổi tiếng, giáo sư Trần Quốc Vượng có một nhận xét rất độc đáo về Huế trong tương quan với các đô thị lớn của đất nước ở ba miền: “Nếu Hà Nội là  một đô thị hướng nội, Sài Gòn là một cảng thị thì Huế lại là một thành phố vườn, thành phố thơ”.

Chậu Hoàng mai Huế ngày Tết

Đúng là thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho xứ Huế thật nhiều: Núi biếc trập trùng, rừng xanh ngút ngàn, đầm phá mênh mang, những bãi biển tuyệt đẹp, và cả một dòng sông huyền thoại gắn liền với thi ca, nhạc họa… Ngay từ thuở ban đầu, khi chọn Huế để định đô, chúa Nguyễn đã biết vận dụng những ưu thế của vùng đất để kiến tạo nên một đô thị Huế đầy bản sắc- một thành phố gắn liền và chan hòa trong thiên nhiên, một thành phố vườn đậm chất thơ.

Lớp lớp những thế hệ kế tục đã xây dựng Huế ngày càng thêm đẹp, nhất là khi vùng đất này trở thành kinh đô của cả nước Việt Nam thống nhất trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.

Thịnh thời, Huế là một thành phố-kinh đô xanh màu thiên nhiên với hàng chục khu vườn Ngự, hàng trăm phủ đệ, nhà vườn, chùa chiền, đàn miếu và những khu lăng tẩm mênh mông ở phía thượng nguồn sông Hương. Bản thân dòng sông cũng là một dải lụa xanh nối kết giữa miền kinh thành ở phía đông và miền lăng tẩm ở phía tây, tạo nên một sự cân bằng tuyệt vời giữa hai cõi âm-dương, điều chỉ riêng có ở đô thị Huế.

Bonsai hay chậu kiểng Huế thường hội tụ đủ các yếu tố: CỔ-KỲ-NHÃ_Ý.

Vườn Ngự, tức vườn hoàng gia, được xây dựng cả bên trong và bên ngoài hoàng cung, là nơi tập hợp hoa thơm cỏ lạ trong cả nước và in dấu ấn của những bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất về nghệ thuật đắp giả sơn, tạo mặt nước, tạo cây kiểng và xây dựng các kiến trúc nghệ thuật. Ít ai biết rằng, tại kinh đô Huế từng có hơn 30 khu vườn ngự với những phong cách riêng rất đặc sắc. Riêng trong Hoàng thành và Tử cấm thành đã có đến 5 khu vườn Ngự: vườn Thiệu Phương, Ngự Viên, vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh với tổng diện tích gần 90.000m2, tức chiếm đến ¼ diện tích Hoàng cung. Bên ngoài hoàng thành nhưng vẫn nằm trong kinh thành lại có hồ Tịnh Tâm, vườn Thư Quang, vườn Thường Mậu, cung Khánh Ninh, cung Bảo Định, vườn Thường Thanh… rất nổi tiếng bởi những công trình kiến trúc đặc sắc và đầy chất nghệ thuật. Ra hẳn bên ngoài kinh thành là những khu vườn hoàng gia đóng vai trò như những ly cung, nằm ở vùng Đông Trì hay Kim Long, và nằm ngay cả trên hòn đảo nổi trên sông Hương vốn được chọn làm “Hữu bạch hổ” cho kinh thành, làm nên tên riêng cho đảo- vườn Dữ Dã hay quen gọi là Dã Viên.

Hoa kiểng điểm tô cho những khu vườn Huế thêm đẹp và giàu sức sống.

Nhưng độc đáo nhất vẫn là những khu lăng tẩm, được thiết kế theo kiểu kiến trúc vườn đầy vẻ lãng mạn với diện tích mặt nước rất lớn. Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức… đều là những khu vườn sinh thái rộng từ hàng chục đến hàng trăm héc ta. Chính kiểu kiến trúc vườn đã tạo cho những công trình vốn dành cho thế giới bên kia lại tràn ngập sinh khí, khiến “nơi tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức”, khiến biết bao du khách phải ngẩn ngơ khi viếng thăm.

       Hoàng mai là loài hoa tượng trưng cho mùa xuân được đặc biệt yêu chuộng.

Phong phú, đa dạng hơn là những phủ đệ-nhà vườn, chùa- vườn, đàn-vườn, miếu –vườn cùng nhà vườn dân gian có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố và vùng phụ cận. Mỗi công trình dù quy mô lớn hay nhỏ đều vận dụng kiểu kiến trúc vườn, tạo nên những không gian riêng mềm mại mà cá tính. Có lẽ, đó là điểm nổi bật nhất của phong cách Huế (hay tính cách Huế) thể hiện trong kiến trúc.

Gắn với vườn là nghệ thuật chơi cây kiểng và các loài hoa quý. Huế nổi tiếng là thành phố vườn dĩ nhiên cũng nổi tiếng bởi nghệ thuật chơi kiểng với những phong cách riêng.

Một chậu linh sam kiểu Huế.

Thú chơi cây kiểng ở Huế có từ rất sớm. Mấy trăm năm trước, nhiều giáo sỹ, nhà buôn phương Tây khi đến Huế đã hết sức ngạc nhiên bởi tại thành phố yêu kiều này nhà nhà đều có vườn cây và ít nhiều chậu cảnh trang trí. Đến khi trở thành kinh đô của cả nước, đất Huế là nơi tụ họp của các nghệ nhân tài hoa nhất trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dựng vườn, tạo kiểng. Nghệ nhân tạo kiểng ở Huế biết chắt lọc tinh hoa từ các phong cách chơi và tạo kiểng của nhiều trường phái khác nhau để tạo nên một phong cách riêng của đất Thần kinh: tinh tế, quý phái mà tự nhiên.

Nghệ thuật chơi cây kiểng vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó truyền bá ra nhiều nước. Người Hoa gọi lối chơi kiểng trong chậu là Bồn cảnh, bồn thực hay bồn tài, người Nhật gọi là bonsai. Người Huế chỉ gọi đơn giản là kiểng (vốn gọi trại từ chữ cảnh).

Phàm là chơi cây kiểng, ai cũng biết 3 tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một cây kiểng đạt đến mức nghệ thuật là: Cổ – Kỳ – Nhã. Cổ là đánh giá tuổi cây, trông càng già lão càng quý. Kỳ là đánh giá dáng vẻ của cây, càng kỳ lạ càng hiếm quý. Còn Nhã là đánh giá thần thái, phong cách của cây, càng trang nhã, quý phái càng quý. Cây kiểng mà đạt được cả 3 tiêu chí trên thì sẽ vô cùng quý giá, được người ta xem như đồ trân bảo. Nhưng ở Huế, ngoài 3 tiêu chí trên vẫn còn một tiêu chí khác rất quan trọng, đó là “Ý”. Ý ở đây là ý tưởng, ý thơ toát lên từ cây kiểng. Một chậu kiểng đạt đến đỉnh nghệ thuật phải hội tụ đủ cả 4 yếu tố: Cổ -Kỳ -Nhã -Ý. Có lẽ chỉ có tại Huế, xứ sở mà mỗi người dân bẩm sinh đã là một nhà thơ thì mới có thêm tiêu chí này.

Cảnh vườn Thiệu Phương được phục hồi và trên tranh gương (vẽ năm 1845)

Cũng chính vì vậy, cây kiểng có xuất xứ Huế trở nên rất nổi tiếng và luôn có giá rất cao trên thị trường từ xưa đến nay.

Như một bản năng, nghệ nhân Huế tạo kiểng bao giờ cũng thuận theo thế tự nhiên của cây để xây dựng cá tính cho cây chứ không cố công gò ép, đi ngược lại quy luật tự nhiên. Có lẽ đó là do triết lý đạo Phật đã thuần nhuần trong họ, khiến mọi suy nghĩ sáng tạo dẫu có độc đáo bao nhiêu thì vẫn tôn trọng chữ Thuận, tức thuận theo quy luật tự nhiên của đất trời. Cũng vì vậy mà cây kiểng Huế dù có toát lên vẻ cổ nhưng không suy, kỳ nhưng không nghịch, và bao giờ cũng mang thần thái cao quý, trang nhã, giàu ý thơ.

Hồ Tịnh Tâm, một khu vườn hoàng gia tiêu biểu của triều Nguyễn trên tranh mộc bản.

Huế lại là điểm trung độ của đất nước cả về địa dư và khí hậu, rất nhiều loài thảo mộc hoa cỏ tiêu biểu của cả hai miền Nam, Bắc đều sinh trưởng được ở Huế. Cũng vì thế các loài kiểng của Huế rất đa dạng, cây kiểng từ Huế cũng được trao đổi, luân chuyển đến khắp mọi nơi.

Nghệ thuật làm vườn và tạo kiểng là nghệ thuật mô phỏng và thu nhỏ thiên nhiên, nhưng phải là những gì tinh túy nhất của tự nhiên để tác phẩm tạo nên phải cao hơn tự nhiên.

Trong quá khứ Huế đã từng là một trung tâm hàng đầu của đất nước về nghệ thuật vườn và cây kiểng. Tuy nhiên suốt một thời gian dài do các biến động lịch sử, những khu vườn Ngự trong và ngoài hoàng cung, những phủ đệ, nhà vườn của vương hầu quý tộc đã biến mất hoặc mai một, tàn tạ đi nhiều, nghệ nhân và người chơi kiểng cũng ít đi.

Vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương trong hoàng cung Huế hiện nay.

Từ năm 2012 đến nay, gắn liền với các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nỗ lực tổ chức các cuộc triển lãm cây kiểng, phong lan của 3 miền ngay trong địa bàn Hoàng cung, gắn liền với việc chỉnh trang cảnh quan vườn Cơ Hạ để tạo không gian trưng bày. Suốt trong kỳ các kỳ Festival lần thứ từ đó đến nay, Trung tâm đã phối hợp với nghệ nhân 3 miền Bắc- Trung – Nam để tổ chức nhiều cuộc triển lãm cây kiểng với quy mô lớn.

Từ năm 2018, khu vườn thượng uyển Thiệu Phương đã phục hồi xong và trở thành không gian lí tưởng để tổ chức trưng bày phong lan, hoa kiểng 3 miền. Khu vườn này lại kết nối trực tiếp với vườn Cơ Hạ ở phía đông, nơi thường trưng bày các tác phẩm cây kiểng đặc sắc hội tụ từ nhiều vùng miền của Tổ quốc. Với những nỗ lực đó, Huế đã và đang dần dần lấy lại được vị thế của mình trong lĩnh vực nghệ thuật vườn và cây kiểng./.

Bài: T.S Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh: Phan Thanh Hải, Bảo Minh

Bạn đọc quan tâm thể thao: Thừa Thiên Huế, tổ chức Festival Huế 2024 đúng dịp nghỉ lễ và triển khai giải đua xe địa hình chinh phục thử thách – Victory Challenge Sailun Cup 2024 & Lễ hội cắm trại xe 3 miền do Tạp chí Đông Nam Á – ASEAN và Công ty CP Tập đoàn Kỷ Nguyên tổ chức (21/6 – 23/6/2024) tại công viên hồ Thủy Tiên, thành phố Huế.