Ngày 29/10/2024, hãng truyền thông Reuters đưa tin, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới được công bố ngày 22/10, bệnh lao đã thay thế COVID-19 trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh truyền nhiễm vào năm 2023, đồng thời nêu bật những thách thức trong nỗ lực toàn cầu nhằm xóa bỏ căn bệnh này.
Theo cơ quan của Liên Hợp Quốc, năm ngoái có khoảng 8,2 triệu người mới được chẩn đoán mắc bệnh, nghĩa là họ có thể tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp – con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995 – tăng so với mức 7,5 triệu được báo cáo vào năm 2022.
Theo báo cáo, dữ liệu cho thấy việc xóa sổ bệnh lao vẫn là một mục tiêu xa vời vì cuộc chiến chống lại căn bệnh này đang phải đối mặt với những thách thức dai dẳng như tình trạng thiếu kinh phí đáng kể.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, phát biểu với các phóng viên rằng: “Thực tế là bệnh lao vẫn gây tử vong và bệnh tật cho rất nhiều người là một sự vô lý, trong khi chúng ta có các công cụ để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh này”.
Trong khi số ca tử vong liên quan đến căn bệnh này giảm xuống còn 1,25 triệu của năm 2023 từ mức 1,32 triệu của năm 2022, tổng số người mắc bệnh lại tăng nhẹ lên mức ước tính là 10,8 triệu vào năm 2023.
Cơ quan này cho biết các mốc quan trọng và mục tiêu toàn cầu nhằm giảm gánh nặng bệnh tật đang đi chệch hướng và cần phải có tiến bộ đáng kể để đạt được các mục tiêu khác được đặt ra vào năm 2027.
Các nước có thu nhập thấp và trung bình, chịu 98% gánh nặng của căn bệnh này, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính đáng kể.
Năm 2023, khoảng cách giữa số ca mắc bệnh lao mới ước tính và số ca được báo cáo đã thu hẹp xuống còn khoảng 2,7 triệu, giảm so với mức khoảng 4 triệu ca trong đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và 2021. WHO cho biết, dạng bệnh kháng đa thuốc này vẫn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Đinh Hoàng Anh