(Đà Nẵng). Sáng ngày 25/11/2023, tại Trung tâm Hành chính, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 2/11/2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và thay mặt Chính phủ trao chứng nhận Quy hoạch cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Về phía thành phố có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Chương trình còn có sự tham gia của gần 700 đại biểu gồm: Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan; Đại diện lãnh đạo các cơ quan ngoại giao tại thành phố Đà Nẵng; Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn; Các cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; các cơ quan ban ngành; Đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp; Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề.
“Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố.thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2019, thể hiện khát vọng của Nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống, trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thành phố sẽ đóng vai trò của một trong các đô thị trung tâm của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên;….Đây sẽ là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của cả nước”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, nhấn mạnh.
Thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn|
“Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng và phê duyệt thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; phù hợp với định hướng, chủ trương tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, vận dụng đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại thời điểm này càng có ý nghĩa quan trọng để thành phố xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp, xác định các chỉ tiêu, giải pháp trọng tâm để triển khai hiệu quả trong thời gian đến trên cơ sở khai thác tối đa mọi nguồn lực nội tại của địa phương, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn để thành phố hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.
Đà Nẵng là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước
Theo Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước.
“Quy hoạch lần này mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế – xã hội với các trụ cột.
Trong đó, Kinh tế tri thức có 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên mới, tạo thêm động lực để Đà Nẵng bứt phá; và thứ hai là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Chính quyền thành phố cần ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư, nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, phân tích.
Những ngành công nghiệp chủ đạo trong phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao của Đà Nẵng sắp đến bao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano v.v.. trở thành.
Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm.
Quy hoạch cho biết, Đà Nẵng sẽ hình thành mới các khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các khu công nghiệp hiện hữu. Đồng thời, trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu, sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch bổ sung Khu công nghiệp Hòa Vang, nhằm bố trí di dời những dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Liên Chiểu.
Tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế địa phương
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định, Đà Nẵng sẽ tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài.
Trong đó, ngành nông nghiệp được cơ cấu lại, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp sẽ thực hiện theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp; hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Cơ cấu kinh tế đến năm 2023: Nông, lâm nghiệp – thủy sản chiếm khoảng 1-2%; Công nghiệp – xây dựng khoảng 29-30%; Dịch vụ khoảng 61-62%.
Với nội lực và lợi thế vị trí địa lý, Đà Nẵng có cơ hội phát triển mạnh các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; Quy hoạch xác định đến năm 2030, phải đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ là Trung tâm tài chính quốc tế (có) quy mô (cấp) khu vực, cùng các khu: Phi thuế quan; thương mại tự do. Đà Nẵng phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, được định hướng là 1 trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng. Cùng với dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển y tế, giáo dục – đào tạo theo hướng chất lượng cao. Đây cũng là những hướng tập trung phát triển của Đà Nẵng trong tương lai.
Đà Nẵng cũng là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, … Trong đó, theo lãnh đạo Chính phủ, “Du lịch phải gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, giá trị giá tăng”. Phát triển mạnh hơn nữa du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ. Phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, kết hợp với ứng dụng công nghệ và gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống. Định hướng chất lượng sản phẩm và dịch vụ đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm, dịch vụ cao cấp và siêu sang.
Đến năm 2030, thành phố có các mục tiêu tăng trưởng cụ thể: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng 2,5-3%; Công nghiệp – xây dựng tăng 10-10,5% (trong đó, công nghiệp tăng 11,5-12%); Dịch vụ tăng 9,5-10%. GRDP bình quân đầu người (theo thời giá hiện tại) đạt khoảng 8.000-8.500 USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố (phấn đấu) đạt 9,5 đến 10%/năm và nỗ lực đạt 12%/năm như định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.
Đô thị hiện đại có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Nẵng được đầu tư xây dựng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. .
Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, lần đầu tiên đã xác định rõ các phân khu chức năng theo đặc thù địa lý, sinh thái và loại hình kinh tế: Phân khu ven sông Hàn và bờ Đông (diện tích khoảng 6.644 ha); Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng (khoảng 1.530 ha); Cảng biển Liên Chiểu (khoảng 1.285 ha); Phân khu Công nghệ cao (khoảng 5.585 ha); Phân khu Trung tâm lõi xanh: diện tích khoảng 4.775 ha; và Phân khu Đổi mới sáng tạo: diện tích khoảng 3.903 ha.
Khu đô thị mới của Đà Nẵng sẽ phát triển về phía Tây, Tây Bắc thành phố. Đến năm 2030, khu vực đô thị hóa được xác định tại 9 xã của huyện Hòa Vang bao gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 90%.
Riêng khu công nghệ cao, các khu chức năng sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2025. Thực hiện điều chỉnh, mở rộng khu công nghệ cao Đà Nẵng khi được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo các điều kiện theo quy định, trở thành khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.
Các phân khu khác của Đà Nẵng còn có: Sân bay (1.327 ha); Đô thị sườn đồi (2.729 ha); Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2.986 ha); 2 Phân khu sinh thái phía Tây (57.692 ha) và phía Đông (bao gồm cả huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà), có diện tích 4.232 ha. Và phân khu dự trữ phát triển (5.858 ha).
Theo quy hoạch phương án phát triển các khu chức năng Đà Nẵng sẽ chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Trên địa bàn huyện Hòa Vang – Đà Nẵng sẽ hình thành mới các khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các khu công nghiệp hiện hữu. Đồng thời, sẽ nghiên cứu quy hoạch bổ sung Khu công nghiệp Hòa Vang để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu.
Đà Nẵng không thể nghĩ và làm theo lối cũ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, để đạt được những mục tiêu tham vọng này “Đà Nẵng không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách làm bình thường, mà mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Đà Nẵng phải chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để thành phố không chỉ đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm”.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền và các ngành thành phố phải khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Thực hiện rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Và công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch.
Đặc biệt tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Trong đó, tập trung vào những ngành như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán dẫn, nhân lực số, dịch vụ logistics, cảng biển.
Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Trong khuôn khổ Lễ công bố, UBND thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, gồm 6 dự án có vốn đầu tư trong nước (trong đó, có 1 dự án tăng vốn đầu tư) và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép. Tổng vốn đầu tư các dự án này hơn 9,3 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dung, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, PGS.TS Lê Quang Sơn – thay mặt lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và đại diện Đại học Bang Portland, Hoa Kỳ, đã chính thức trao Ý định thư đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao./.
Thế Cương – Trần Ngọc