(Đà Nẵng). Ngày 16/11/2024, Đại học Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển. Với sứ mệnh đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trình đô đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sau 30 năm xây dụng và phát triển, kế thừa, phát huy truyền thống gần 50 năm của các trường đại học thành viên, Đại học Đà Nẵng đã dần hoàn thiện mô hình, cơ chế tổ chức và hoạt động của một Đại học vùng, hai cấp, phát huy lợi thế sử dụng chung nguồn lực, tạo nên sức mạnh chung của cả hệ thống.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (ảnh trái) và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, tặng lẵng hoa, chúc mừng 30 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc
Đào tạo hàng chục vạn cán bộ, chuyên gia đa lĩnh vực, nhiều ngành then chốt, trọng điểm
Đại học Đà Nẵng là Đại học vùng trọng điểm quốc gia, được thành lập theo Nghị định số 32/CP ngày 4/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (lúc bấy giờ) gồm: Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng và Trường Công nhân Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi.
Trong đó, 3 trường được thành lập sớm nhất là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (ngày 27/10/1976) và Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng (ngày 3/11/1976); và Trường Công nhân Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi (cũng trong năm 1976, với tiền thân là Trường Kỹ thuật Đà Nẵng thành lập năm từ năm 1962).
Trong những năm đầu thành lập, Đại học Đà Nẵng gồm các trường thành viên: Trường Đại học Đại cương (trường này sau đó giải tán vào năm 1998 theo chủ trương ủa Chính phủ); Trường Đại học Kỹ thuật ; Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Trường Đại học Sư phạm và Trường Cao đẳng Công nghệ (tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi). Vào năm 2004, Trường Đại học Kỹ thuật đổi tên thành Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, đổi tên thành Trường Đại học Kinh tế.
Lần lượt sau đó, Đại học Đà Nẵng thành lập mới các Trường: năm 2002, có thêm Trường Đại học Ngoại ngữ (trên cơ sở tách và tổ chức lại 5 khoa ngoại ngữ của Trường Đại học Sư phạm); năm 2003: Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin; 2007: Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và Khoa Y Dược; năm 2014: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh ; Khoa Giáo dục thể chất; năm 2017: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Viện Công nghệ quốc tế (DNIIT); Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông. Năm 2020: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt –Hàn {thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông} và 2 đơn vị thành viên Đại học Đà Nẵng là Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông). Cũng trong năm 2020, Đại học Đà nẵng có thêm Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Với đặc điểm trên, ngoài cột mốc 30 năm thành lập Đại học Đà Nẵng (19954-2024), một số Khoa, Trường (tổ chức thành viên, trực thuộc) cũng có thời gian thành lập, xây dựng và phát triển đáng ghi nhớ: 30 năm thành lập Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (1994-2024) và 17 năm thành lập Khoa Tiếng Trung (2007-2024) trường Đại học Ngoại ngữ ; 45 năm thành lập Ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng. Riêng Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, sang năm 2025, sẽ chính thức kỷ niệm 50 năm thành lập. Đây cũng là học hiệu có bề dày truyền thống cao nhất trong số các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng.
Với sứ mệnh đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trình đô đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sau 30 năm xây dụng và phát triển, kế thừa, phát huy truyền thống gần 50 năm của các trường đại học thành viên, Đại học Đà Nẵng đã dần hoàn thiện mô hình, cơ chế tổ chức và hoạt động của một Đại học vùng, hai cấp, phát huy lợi thế sử dụng chung nguồn lực, tạo nên sức mạnh chung của cả hệ thống.
Đại học Đà Nang đã đào tạo và cung ứng hàng chục vạn cán bộ, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều ngành then chốt, trọng điểm; đóng góp quan trọng cho sự phát triến của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cũng như cả nước. Nhiều cựu sinh viên, học viên của các Trường, Viện thuộc Đại học Đà Nẵng đã thành đạt, đảm nhận nhũng vị trí chủ chốt trong các cơ quan trung ướng và địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và trường học; nhiều người đã trở thành chuyên gia, nhà quản lý giỏi, nhà khoa học, ….”Khi đi suốt chiều dài của đất nước đều bắt gặp cựu sinh viên ĐHĐN có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, trên các công trình/dự án trọng điểm Quốc gia, bằng tài năng và lòng nhiệt huyết của mình đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ.
Về quy mô đào tạo, đến nay toàn Đại học Đà Nẵng có khoảng 55.000 sinh viên chính quy; tham gia đào tạo quốc tế (với quy mô) từ 600 đến 800 lưu học sinh; có gần 2.600 cán bộ, giảng viên, nhà khoa học. Trong đó; tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sỹ trở lên đạt gần 47% (bình quân chung của cả nước là 31%), riêng Trường Đại học Bách khoa đạt trên 70%. Toàn Đại học Đà Nẵng có 136 ngành đào tạo đại học, 48 ngành đào tạo thạc sỹ và 32 ngành đào tạo tiến sỹ, trong đó có 28 chương trình tiên tiến, chất lượng cao, 8 chương trình đào tạo giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đại học Đà Nẵng cũng có Trường thành viên đi tiên phong trong đổi mới theo cơ chế tự chủ đại học, trở thành Trường Đại học đầu tiên ở khu vực Miền Trung-Tây Nguyên, mạnh dạn thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, đó là Trường Đại học Kinh tế (theo Quyết định 2533/QĐ-TTg, ngày 28/12/2016, của Thủ tướng Chính phủ). Các trường đại học thành viên đều đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia. Trong đó, trường Đại học Sư phạm là trường đại học đầu tiên của cả nước, đạt chuẩn quốc gia từ tháng 4/2016; Trường Đại học Bách khoa, từ năm 2017 đã có tên trong Top 4 đại học đầu tiên của cả nước, tiên phong kiểm định, và đạt tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức HCERES giai đoạn 2017-2023 sau đó, tiếp tục kiểm định, đạt chuẩn (chu kỳ 2) giai đoạn 2024-2029.
Về kiểm định các chương trình đào tạo (theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến ngày 31/7/2024, Trường Đại học Bách khoa –Đại học Đà Nẵng thuộc Top 3/63 cơ sở giáo dục đại học có số lượng chương trình đào tạo đã kiểm định, đạt các tiêu chuẩn quốc tế (bao gồm AUN-QA Đông Nam Á, CTI và ASIIN Châu Âu) nhiều nhất (với 38/69 chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học), chiếm tỷ lệ 6,99% trong tổng số 544 chương trình đào tạo đã kiểm định. Đại học Đà Nẵng nằm trong Top 3 Đại học Việt Nam có nhiều chương trình đào tạo kiểm định, đạt chuẩn quốc tế với 53 chương trình.
Các trường thành viên Đại học Đà Nẵng cũng tiên phong mở mới nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu người học và xã hội. Trong 2 năm gần đây, đã kịp thời mở các ngành tiềm năng (Vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính…). Các Trường cũng sớm triển khai đào tạo tín chỉ (từ năm 2006) và áp dụng nhiều phương pháp dạy – học theo xu thế tiên tiến của các đại học toàn cầu.
Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế là truyền thống và thế mạnh của Đại học Đà Nẵng. Hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng với trên 250 trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức uy tín trong và ngoài nước, trong đó có nhiều trường đại học nằm trong top 100 của thế giới. Đại học Đà Nẵng hiện là thành viên tích cực, đóng góp có hiệu quả trong các tổ chức giáo dục, khoa học quốc tế như: Mạng lưới các trường Đại học Châu Âu và Đông Nam Á (Asean – European Academic University Network); Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); Liên minh các trường Đại học châu Âu (ULYSSEUS). Thông qua hợp tác quốc tế, Đại học Đà Nẵng đã tham gia và chủ trì nhiều dự án quốc tế, đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn; qua đó, góp phần tăng cường hội nhập giáo dục đại học Việt Nam với khu vực và thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã bổ sung nguồn lực để Đại học Đà Nẵng xây dựng các thư viện điện tử, đầu tư mua bản quyền khai thác cơ sở dữ liệu khoa học. Hiện nay giảng viên, sinh viên đều có thể truy cập cơ sở dữ liệu Elsevier, có cơ sở dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới để phục vụ cho nghiên cứu, học tập.
Đại học Đà Nẵng đã và đang triển khai chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu hiện thực khát vọng phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học quốc gia theo chủ trương, định hướng đã đề cập trong Nghị quyết số 26-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
“Đại học quốc gia là mục tiêu mà Đại học Đà Nẵng hướng tới nhưng đi cùng với quá trình này là sự cạnh tranh. Cạnh tranh cả về quỹ đầu tư, cạnh tranh công nghệ và cả thu hút, giữ chân sinh viên giỏi ở lại học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo của mình. Đại học Đà Nẵng phải có sự gắn kết với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhưng cũng đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là một trong những địa phương đã có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần phải xác định 3 từ khóa: cạnh tranh – gắn kết và nguồn lực. Gắn kết với cả giáo dục phổ thông để có sự định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực cho khối STEM vốn rất quan trọng cho sự phát triển của vùng. Gắn kết với cả các cơ sở giáo dục đại học trong vùng để cùng liên kết phát triển”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh nhấn mạnh trong phát biểu tại hội thào “Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh vùng bắc Trung bộ và Duyên hải trung bộ” (diễn ra chiều hôm qua, 15/11/2024,– một trong các sự kiện điểm nhấn, do Đại học Đà Nẵng chủ trì, trong dịp kỷ niệm 30 năm xây dựng – phát triển Đại học Đà Nẵng).
Đại học Đà Nẵng nói riêng, giáo dục Đại học nói chung đang gánh trên vai trách nhiệm trước dân tộc
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các đại học cần có vai trò lớn hơn nữa trong thời kỳ mới, lịch sử đang đặt giáo dục đại học vào vị trí cần phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn. Cũng như một người trí thức của thời đại, một đại học cần gánh trên vai trách nhiệm trước dân tộc, trước xã hội… Đại học – nơi tập trung những bậc trí thức lớn, “cần và càng” cần tự nhiệm gánh vác sứ mệnh ấy.
Đảng và Nhà nước có kỳ vọng rất lớn trong phát triển Đại học Đà Nẵng, với mong muốn đây là một trong những trung tâm đào tạo đại học lớn của cả nước, có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ mũi nhọn khác.
Nhờ có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo, trong 30 năm qua Đại học Đà Nẵng đã có có gần 20 bằng độc quyền sáng chế; công bố quốc tế hơn 500 bài báo trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus); trên 2.500 đề tài các cấp đã được thực hiện và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống một cách hiệu quả. Bình quân mỗi năm, doanh thu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đạt hơn 30 tỷ đồng. Mức độ quốc tế hóa của Đại học Đà Nẵng đang dần được đẩy mạnh thông qua các chỉ số hội nhập mà điểm nhấn là việc chủ động và tích cực tham gia vào các dự án hợp tác, đặc biệt là những dự án quốc tế.
Phát triển trở thành một trong những cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm của cả nước Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, giáo dục đại học cũng đứng trước những yêu cầu mới của sự phát triển. Đứng trước bối cảnh ấy, Đại học Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức lớn.
Đại học Đà Nẵng cần nắm bắt thời cơ, phát huy lợi thế và khắc phục những điểm yếu để phát triển nhanh hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, dẫu chúng ta là đại học vùng nhưng đừng quên trong tên của chúng ta có 2 từ “Đà Nẵng”. Bên cạnh tận dụng lợi thế quốc gia, lợi thế của vùng, cần tận dụng lợi thế, gắn bó với cơ hội, tiềm năng của thành phố Đà Nẵng.
Cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược phát triển trên cơ sở nắm bắt xu thế phát triển của các đại học tiên tiến trên thế giới, có lộ trình phát triển trở thành một trong những cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm của cả nước và khu vực miền Trung – Tây Nguyên trên cơ sở bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cán bộ hiện có, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để có lực lược nhân lực khoa học mạnh, có khả năng dẫn dắt chuyên môn cho trong cộng đồng khoa học. Coi đây là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Tạo điều kiện tốt nhất để người tài và các giảng viên trẻ học tập, nghiên cứu và cống hiến.
Gia tăng sự quyết tâm và tập trung chỉ đạo để thúc đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc. Cần suy nghĩ rằng, nếu chậm một ngày, sự phát triển đại học chậm nhiều ngày. Một khu đô thị đại học hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực sẽ giúp chúng ta có không gian hoạt động, có chỗ để đổi mới giáo dục đào tạo.
Xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, hướng đến tầm khu vực và thế giới
“Trong bối cảnh kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế, để xứng tầm là một Đại học vùng trọng điểm quốc gia, đóng vai trò trọng yếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Miền Trung- Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung, Đại học Đà Nẵng sẽ nỗ lực lớn, tập trung hoàn thiện hệ thống quản trị đại học 2 cấp tiên tiến, thực hiện tự chủ, huy động nguồn lực toàn Đại học Đà Nẵng, thực hiện mục tiêu trọng yếu trong chiến lược phát triển, đưa Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia.
Thực hiện quy hoạch, sắp xếp, phát triển thêm các đơn vị thành viên mới: Trường Đại học Quốc tế (trên cơ sở Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh); Trường Đại học Y Dược (trên cơ sở Trường Y Dược); sắp xếp bộ máy, nhân sự tinh gọn, hiệu quả, không ngừng nâng cao năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy-nghiên cứu và quản lý các cấp, thu hút ngày càng nhiều các nhà khoa học, chuyên gia uy tín và sinh viên quốc tế.
Chủ động mở các ngành đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế; phát triển các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, liên kết với các trường Đại học uy tín trên thế giới, công nhận tín chỉ lẫn nhau và đồng cấp bằng, tạo điều kiện cho sinh viên du học bán thời gian, hội nhập môi trường đa văn hóa.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; xây dựng các nhóm nghiên cứu, giao lưu học thuật trong và ngoài nước nhằm tăng cường công bố quốc tế; phát triển nghiên cứu ứng dụng, sẵn sàng tham gia xử lý những vấn đề kỹ thuật, công nghệ đặt ra trong sản xuất và đời sống; chủ động tham gia các hoạt động, đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố thông minh”, “trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…
Thực hiện tốt các định hướng gắn kết để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế. Tăng cường gắn kết với các trường THPT về giáo dục STEM và ngoại ngữ để nâng cao chất lượng đầu vào; Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng; Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ thêm nguồn lực. Đặc biệt chủ động nắm bắt nhu cầu về nguồn nhân lực phụ vụ cho việc xây dựng chiến lược đào tạo. Huy động mọi nguồn lực để triển khai thành công dự án khu đô thị Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển lâu dài”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh./.
Xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước. Ảnh: T.Ngọc.
Trần Ngọc