Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Xây dựng hình mẫu đại học tiên tiến trên nền tảng đổi mới quản trị và chuyển đổi số

ĐNA -

Phó Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã nhấn mạnh như trên trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, 20 tháng 11, diễn ra sáng nay 18/11/2022.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, trao tặng lẵng hoa chúc mừng đến Đại học Đà Nẵng. Ảnh trong bài: T.N & Trần Thanh Nhã.

Người thầy ngày nay phải biết đánh thức tiềm năng trong mỗi người học 
Phó Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định: Trải qua 40 năm, ngày 20 tháng 11 luôn là sự kiện đặc biệt, một ngày hội lớn không chỉ của ngành giáo dục, của thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên mà còn là ngày hội của trái tim, của truyền thống hiếu học, của tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.

Trong suốt chiều dài lịch sử văn hiến của dân tộc Việt Nam, dù xã hội có phát triển và đổi thay, “tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, được hun đúc từ bao thế hệ và tạo thành mạch chảy không ngừng nghỉ, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Nghề thầy giáo luôn được xã hội trọng vọng, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Người cũng đã dạy chúng ta “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thấm nhuần lời dạy của Bác, trong quá trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Bởi vì, trong thời đại ngày nay, hơn bất kỳ tài nguyên nào khác, tri thức và nhân tài mới chính là nguồn vốn quý giá nhất, làm nên sức mạnh, giá trị cho mỗi con người, cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Càng tự hào về nghề nghiệp bao nhiêu chúng ta lại càng suy ngẫm về trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp trồng người, đối với xã hội, nhất là sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết quý báu qua bao thế hệ lãnh đạo của Đại học Đà Nẵng, tập thể chúng ta đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể , cùng chung tay xây dựng khối đoàn kết thống nhất “vì đại cục, bỏ nhỏ lấy lớn”, vì mái nhà chung Đại học Đà Nẵng. Đây là kết quả lớn nhất, quan trọng nhất mà chúng ta đã đạt được trong suốt thời gian qua” – Phó Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Người thầy ngày nay không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải biết đánh thức tiềm năng trong mỗi người học, khơi dậy và phát huy nội lực, truyền cảm hứng giúp người học phát triển tư duy, tiếp thu tri thức một cách chủ động. Chính các thầy giáo, cô giáo với sứ mệnh vẻ vang của mình đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thầy và trò cùng vượt qua đại dịch
Năm học 2021-2022 là năm học thứ hai liên tiếp, đại dịch Covid-19 gây nên những tác động nặng nề, kéo dài, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội , đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy, đào tạo học tập và nghiên cứu của Thầy và trò các trường thành viên Đại học Đà Nẵng.

Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của đội ngũ cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên trong toàn Đại học Đà Nẵng; bằng sự sáng tạo, trong cái “khó ló cái khôn”, tinh thần nỗ lực rất cao, từ cơ quan hiệu bộ đến các cơ sở giáo dục thành viên, tất cả đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả hết sức to lớn trên nhiều mặt công tác.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên tiếp tục được phát triển, nhất là giảng viên có trình độ cao: Hiện nay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của Đại học Đà Nẵng đạt 42% (bình quân chung của cả nước là 25%), trong đó Trường Đại học Bách khoa có tỷ lệ cao nhất (đạt gần 70%). Công tác đảm bảo chất lượng luôn được quan tâm. Các trường Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ đã hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo chu kỳ 2; toàn Đại học Đà Nẵng có thêm 11 chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài. Đến nay, Đại học Đà Nẵng có 41 chương trình đào tạo đã kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước cho PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (ảnh trên); trao tặng danh hiệu thi đua cao quý: Chiến sỹ thi đua toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ cho PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (ảnh tiếp theo).

Chất lượng đào tạo được nâng cao, tiếp tục khẳng định Đại học Đà Nẵng là “địa chỉ tin cậy” là sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh. Kết quả mùa tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, Đại học Đà Nẵng đã tuyển đủ chỉ tiêu với chất lượng đầu vào khá cao, một số trường, ngành có điểm chuẩn đầu vào thuộc top đầu cả nước.

Lĩnh vực nghiên cứu khoa học toàn Đại học Đà Nẵng cũng gặt hái những kết quả quan trọng, tỷ lệ công bố quốc tế tiếp tục tăng; thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ nhất là các đề tài hợp tác với địa phương doanh nghiệp. Qua đó, tiếp tục khẳng định rõ nét vai trò của Đại học Đà Nẵng trong góp ý, xây dựng và phản biện chính sách; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và cả nước.

Đặc biệt, Đại học Đà Nẵng, các trường thành viên đã phối hợp với các Bộ/ngành trung ương, tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế có quy mô lớn, góp phần nâng cao vị thế của học hiệu. Trong đó, đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19, việc đi lại trên toàn cầu bị giới hạn, lĩnh vực hợp tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng vẫn đạt được những thành công quan trọng. Điển hình, và là một điểm sáng trong năm 2022, là Đại học Đà Nẵng cùng với 2 Đại học quốc gia đã tham gia dự án “Hợp tác đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam-PHER”, do tổ chức USAID tài trợ với số tiền gần 15 triệu USD. Trong đó, Đại học Đà Nẵng sẽ cử gần 60 cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia tập huấn về quản trị đại học tại Đại học Indiana (Hoa Kỳ).

Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 tập thể (Văn phòng Đại học Đà Nẵng; Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Bách khoa; Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Ngoại ngữ; Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật; Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế; Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa; và 4 cá nhân, gồm: TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn và PGS.TS. Đào Hữu Hòa (Trường Đại học Kinh tế), TS. Trần Hoàng Vũ (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật).

Bối cảnh mới, thử thách mới, đòi hỏi phải có quyết sách táo bạo, đột phá
Theo Phó Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Những gì Đại học Đà Nẵng đã thu hoạch được là rất đáng tự hào, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận là phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Lãnh đạo các cấp trong toàn Đại học Đà Nẵng cần phát huy truyền thống đầy tự hào của một học hiệu, tận dụng lợi thế của mô hình đại học vùng, cùng nhau chung sức, đồng lòng, cố gắng nhiều hơn nữa, năng động, sáng tạo nhiều hơn nữa để biến nguy thành cơ, để Đại học Đà Nẵng tiếp tục phát triển, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của xã hội.

Các trường đại học thành viên cần chú trọng công tác phát triển đội ngũ, nhất là đội ngũ có trình độ cao, các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn. Đây được xem có ý nghĩa then chốt, là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Phải tiếp tục đổi mới quản trị đại học theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, lấy người học làm trung tâm, trên cơ sở chuyển đổi số, để trường đại học thực sự trở thành hình mẫu tiên tiến về công tác quản lý.

Cần nhạy bén trong việc mở các ngành nghề đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội; tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học trên  tinh thần khởi nghiệp; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là người bạn đồng hành đồng thời là đích đến trong việc đào tạo của nhà trường. Triết lý đào tạo của ngày hôm nay là sinh viên học tập không chỉ để ra trường tìm việc cho bản thân mà học với tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo để ra trường không những tìm việc làm cho mình mà trở thành ông chủ tạo việc làm cho người khác.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên gắn liền với đổi mới sáng tạo. Cần có cơ chế, chính sách hợp lý, vượt trội để khuyến khích công bố quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, nhất là khuyến khích giảng viên, nhà khoa học tham gia “hiến kế”, xây dựng và phản biện các đề án, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Trường đại học phải thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và phản biện chính sách góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và cả nước.

Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh trao đổi giảng viên, sinh viên và hợp tác nghiên cứu, trong đó trọng tâm là triển khai thành công dự án đổi mới giáo dục đại học (PHER) cùng với 2 Đại học quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bày tỏ tình cảm, tấm lòng tri ân xin dành gửi đến các Thầy Cô giáo, nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, thay mặt sinh viên Đại học Đà Nẵng, bạn Huỳnh Khương Nguyên sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ tặng hoa Phó Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Trên tinh thần nhất quán “xem Người học là trung tâm”, các chính sách của nhà trường phải hướng đến người học để tạo ra một môi trường học tập sinh hoạt an toàn, lành mạnh. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong mối “lương duyên” Nhà trường – Doanh nghiệp, cùng đồng hành triển khai đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn sản xuất, gắn kết chặt chẽ với mạng lưới cựu sinh viên để tranh thủ nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hỗ trợ sinh viên.

Một nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược đối với sự phát triển lâu dài, đúng với tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị mới đây, là tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc, gắn liền với việc xây dựng đề án thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng.

Có chính sách tài chính vượt trội, hợp lý để thu hút và giữ chân người tài; tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tạo dựng môi trường làm việc “hạnh phúc” gắn với “Thành phố đáng sống, trường học hạnh phúc” mà mỗi người đều thấy hài lòng để ra sức phấn đấu và phát triển trên cơ sở  năng lực và sở trường của mình, góp phần phát triển nhà trường và Đại học Đà Nẵng./.

T.Ngọc