Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Xứ Huế góp phần xây dựng nên nhân cách, lòng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua câu chuyện của cử nhân Hoàng Thông



ĐNA -

Đối với Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh xứ Nghệ là quê cha đất tổ, nơi Người sinh ra và lớn lên, trong mạch máu của Người là khí phách của trai Hoan Châu, giọng của Người man mát câu ví dặm quê nhà. Còn xứ Huế vinh dự là nơi Người và gia đình sinh sống, dẫu chỉ trong 10 năm ngắn ngủi, nhưng xứ Huế là nơi cùng xứ Nghệ góp phần cho sự hình thành, bồi đắp nên nhân cách, lòng yêu nước của nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh.

Phù điêu biểu tượng Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế ở Huế.

Tại kinh đô Huế, một trong những người thầy hết lòng yêu thương, dạy bảo anh thanh niên Nguyễn Tất Thành thuở thiếu thời là cụ Hoàng Thông, một chí sĩ yêu nước làm Quản giáo Trường Quốc học Huế. Chính cuộc đời, sự nghiệp của cụ Hoàng Thông là tấm gương phản chiếu để Nguyễn Tất Thành thấy rằng, sự vận động thay đổi về tư tưởng, hành động của một bộ phận sĩ phu Việt Nam yêu nước nói chung và tại kinh đô Huế nói riêng giữa thời cuộc; đặc biệt những hoạt động của Hoàng Thông – người thầy ngày ngày chỉ bảo kề bên đã góp phần để Nguyễn Tất Thành trưởng thành hơn từ nhận thức và hành động, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, quyết tâm trên con đường giải phóng dân tộc.

Hoàng Thông là người làng Xuân Tùy, tổng Hạ Lang, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), xuất thân trong một dòng dõi khoa bảng, một vùng quê giàu truyền thống học tập, thi cử. Cụ vốn là học sinh trường Đốc học Thừa Thiên, đỗ cử nhân khoa thi Đinh Hợi (năm 1887); sinh thời khi còn là học sinh Trường Đốc học chứng kiến sự kiện biến cố kinh đô Huế tháng 7/1885, vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra thành Tân Sở, cụ Hoàng Thông đã quyết đi theo phò giúp, nhưng không theo kịp nên đành quay về quê. Sau khi thi đỗ cử nhân, cụ dạy học cho đến năm 1896, vua Thành Thái chủ trương mở Trường Quốc Học, vua đã cho vời cụ ra làm Quản giáo (Hiệu phó), hàm Quan Lộc tự thiếu khanh kiêm giảng dạy Hán văn, trong những năm tháng dạy học ở Trường Quốc học, cụ đã trực tiếp dạy học cho chàng thanh niên xứ Nghệ, con ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành. Thời bấy giờ, cụ Hoàng Thông tham gia Duy Tân Hội do nhà yêu nước Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành lập ra với “mục đích là cốt sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác” (2) trong đó sôi nổi nhất là phong trào Đông Du, đưa thanh niên sang Nhật Bản học tập, dựa vào người Nhật để giành độc lập dân tộc. Đồng thời cụ còn ủng hộ nhiệt thành phong trào đòi cải cách duy tân của cụ Phan Châu Trinh khởi xướng và lãnh đạo với mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, cụ Hoàng Thông còn tham gia lãnh đạo phong trào chống thuế ở Thừa Thiên năm 1908,… Để hội có tài chính hoạt động và hưởng ứng phong trào thực nghiệm, mở mang thương nghiệp, cụ Hoàng Thông cùng với ông Thân Trọng Cảnh mở hiệu buôn Đồng Vinh tại Bao Vinh. Năm 1907, cụ Hoàng Thông viết cuốn sách “Tự trị thượng sách” để tuyên truyền tư tưởng dân chủ, giáo dục thanh niên.

Năm 1907, cậu học trò xứ Nghệ Nguyễn Tất Thành nhập học Trường Quốc Học và được chính thầy Quản giáo Thông đứng lớp dạy Hán văn, trong thời gian tiếp xúc cụ thấy ở nhận thấy ở thanh niên này có một ý chí, một tấm lòng yêu nước, thương dân, quyết tâm không chịu cảnh nô lệ, khuất phục cường quyền và là một học trò thông minh, sáng dạ, học một biết mười nên cụ đem lòng yêu mến mà tận tình dạy bảo đồng thời hướng Nguyễn Tất Thành vào con đường hoạt động, giao nhiệm vụ làm liên lạc bí mật cho tổ chức. Giữa Nguyễn Tất Thành và cụ Hoàng Thông có mối quan hệ tình cảm đặc biết “Anh được thầy Hoàng Thông dạy chữ Hán rất thương. Thầy giao cho anh lên viết bài học trên bảng đen và đọc trước cho học trò đọc theo. Nhiều hôm thầy bận việc đến trễ, thầy giao cho anh Thành coi lớp. Sau giờ học, anh hay lại nhà thầy ở trong trường, xin thầy đọc những Tân Thơ, Tân Sách do thầy biên soạn hay thầy đã sao chép được” (1). Khi Nguyễn Tất Thành “nổi nóng” đánh nhau với bọn học trò con nhà giàu vì bị chúng “pha tiếng” Nghệ, cụ Hoàng Thông đã gọi anh Thành vào khuyên bảo, uốn nắn tính nóng nảy của Người.

Một góc trường Quốc học Huế.

Năm 1908, khi phong trào chống thuế của nhân dân các tỉnh Trung Kỳ nổ ra mạnh mẽ, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, ra đến Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa làm cho chế độ thực dân, phong kiến lung lay. Tại Thừa Thiên, sát cánh cùng nông dân các huyện là thầy và trò Trường Quốc Học trong đó có Hoàng Thông và Nguyễn Tất Thành. Người học trò Nguyễn Tất Thành dưới sự khích lệ của thầy và đồng môn đã đứng ra thông ngôn cho đồng bào, kích lệ nhân dân kiên trì đấu tranh. Để trả thù, thực dân Pháp và quan lại tay sai thẳng tay đàn áp, cụ Hoàng Thông bị bắt giữ tại Trường Quốc học và khám nhà, tịch thu tất cả tân sách, cụ bị tra khảo, đánh đập dã man cố ép nhận tội.

Trong bản tấu của Phủ Phụ chính ngày 29/4 năm Duy Tân thứ 2 (28/5/1908) ghi rõ: “Trước kia thương truy nã tên Hoàng Thông, trợ giáo trường Pháp Việt (tức Trường Quốc học), tuy xét là không có bằng chứng, nhưng sự thật viên ấy có dự vào nhiều khoản, vả y là trợ giáo, lại dám thu tiền, lại chủ thương cuộc, chẳng qua là mượn danh hội buôn, thu liễm tiền tài, để chi dụng việc khác, nếu không vậy, thì viên ấy thu bạc trữ tại chỗ nào, giao cho người nào, người nào nạp tiền, chi dung việc gì, đáng lẽ nhất nhất xét rõ, há nên để y cung khai che giấu. Lại nên gạn tra viên ấy lâu nay có cùng người nào thư từ qua lại, hoặc mượn danh hiệp thương, lừa phỉnh lấy tiền, hoặc thông giao với Phan Châu Trinh (đã vâng xử án phát lưu) và Võ Phương Trứ (đương là Hành tẩu Bộ Binh, nay hiện nã giám), liễm tiền làm ngụy hay không? Vậy Hoàng Thông nên giao phủ Thừa Thiên chiếu theo quốc tục, dùng hết phương pháp nghiêm tra, cốt được cung khai rõ ràng, kết nghị,…” (4) . Tuy bị tra tấn tàn bạo nhưng cụ vẫn không chịu khai nhận, thực dân Pháp và tay sai vin vào câu nói trong cuốn “Tự trị thượng sách”: “Nước dù bất hạnh mà mất không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi, cùng mất nước, mất quyền diệt chủng” (1) hòng khép tội có ý phản nghịch. Để tự thoát khỏi cảnh lao tù cụ đã lấy lý do lúc say rượu mà viết nên câu ấy, lúc tỉnh dậy thì không nhớ nữa, tuy biết là lời ngụy biện nhưng chúng không có cớ gì để xử chém nên gán cho cụ tội danh “tạo ra yêu thư, yêu ngôn” xử đánh 100 gậy, lưu đày 3 năm.

“Kết nghị Hoàng Thông (xã Xuân Tùy, huyện Quảng Điền) là khoa giáp xuất thân, quan đến hàm (Quan Lộc tự Thiếu khanh) không biết tự kiểm xét, hành động hình ra thành tích, tức như góp bạc hợp buôn, cùng dân tranh lợi, và tạo ra yêu ngôn, nói càn hung phế, (chẳng hạn như trong quyển mệnh danh là tự trị thượng sách, có nói: Nước dù bất hạnh mà mất không phải mất nước của một họ riêng mà thôi, cùng mất nước, mất quyền diệt chủng,…) khai nhận rõ ràng, tội còn từ chối được sao? Nhưng thấy khoản hợp buôn, xét ra không có thác cớ thu chi về việc khác, thuộc về tội nhẹ, vậy Hoàng Thông xin chiếu theo khoản nặng tạo yêu ngôn, nhưng yêu ngôn ấy chưa đem truyền dụng, xin chiếu luật tạo yêu thư, yêu ngôn … duy cứ viên ấy khai là sau khi uống rượu thảo ra, đến khi tỉnh rượu xóa bỏ, thì tưởng rằng không phải cố ý làm ra để truyền dụng, tình thật đáng xét”… “Vậy Hoàng Thông nghị nên chiếu luật ấy lượng giảm một bậc, xử trượng 100, đồ 3 năm, sau sẽ xét nghị.” (Bản tấu của Phủ Phụ chính ngày 28/8 năm vua Duy Tân thứ 2, tức ngày 02/10/1908) (4)

Ở Hoàng Thông, có thể thấy một sự chuyển biến rõ rệt trong quan điểm và hành động yêu nước, từ thể hiện lòng trung thành với chế độ quân chủ chuyên chế mà trực tiếp là vua Nguyễn sang đấu tranh vì quyền lợi dân tộc, đòi lập chế độ quân chủ lập hiến, từ đấu tranh vũ trang bạo động sang ôn hòa, vận động theo tinh thần của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.

Là một nhà nho, cụ Hoàng Thông đã chạy theo để mong muốn phò tá với vua Hàm Nghi như nhiều trí thức nho học, hành động đó là lẽ đương nhiên khi đối với nền giáo dục, đạo đức đương thời là “trung quân, ái quốc” – trung thành với vua là yêu nước, ủng hộ đường lối kháng chiến của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, dứt khoát đứng về phe chủ chiến, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi thế nhưng vận mệnh không được như mong muốn, không theo kịp xa giá, cụ đành quay về. Ngay cả sau khi thi đỗ cử nhân dưới triều Đồng Khánh, cụ vẫn không ra làm quan mà ở làng dạy học là để thể hiện sự bất hợp tác với thực dân và vua quan bù nhìn đồng thời còn để suy ngẫm thời cuộc.

Trong thời gian này, luồn gió mới trong tư tưởng từ Trung Quốc của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, từ sự tự cường của Nhật Bản, Xiêm La, từ các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây đòi tự do, dân chủ, cùng với sự vận động, hô hào của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, của các sĩ phu Hán học tiến bộ khác đã tác động đến tư tưởng của tầng lớp trí thức, quan lại Việt Nam trong đó có cụ Hoàng Thông. Những thất bại của các cuộc khởi nghĩa Cần Vương cho thấy rằng giờ đây không thể cứu nước bằng những cuộc khởi nghĩa “trung quân” khi mà hình ảnh của thiên tử đã mờ nhạt, không thể làm ngọn cờ thu phục nhân tâm cùng với sự yếu kém, lạc hậu về chiến thuật, vũ khí của các đội quân Cần Vương trước sức mạnh của khoa học, kỹ thuật nhân loại dẫn đến thất bại của các cuộc khởi nghĩa là điều tất yếu “Từ lúc đời có súng đạn phát minh ra, bao nhiêu khí giới gọi là gươm giáo đao thương đã hóa ra đồ bỏ. Cái thứ để chặt cây làm mác kia, đời xưa người ta vác đi đánh Tần đuổi Sở được, chứ đời nay có dùng nó làm nên trò vè gì! Phải biết vũ khí của người Pháp tinh nhuệ hơn của người mình muôn lần ngàn lần” (5) . Và đến khi vua Thành Thái – một vị vua trẻ nhưng giàu lòng yêu nước, khát khao giành lấy độc từ tay Pháp bằng con đường tự đổi mới, vua đi xe đạp, lái ô tô, cắt tóc ngắn, mặc âu phục để người khác noi theo đổi mới.

Chính vì thế, chỉ khi vua Thành Thái chủ trương mở Trường Quốc học để dạy theo lối mới thì cụ Hoàng Thông như thuyền gặp nước liền hưởng ứng ra làm Giám thị, đó là điều kiện thuận lợi để hoạt động và gặp gỡ các nhà nho yêu nước tiến bộ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và để gieo mầm duy tân cho thế hệ học trò thức tỉnh đi theo cái mới, rũ bỏ Hán học sáo rỗng vô hồn. Tuy chủ trương của Phan Bội Châu hay Phan Châu Trinh đều bế tắc, cải lương khi không xác định và phân biệt được giữa hai yếu tố dân tộc và dân chủ thế nhưng với thời điểm đầu thế kỷ XX đó đã là một tư tưởng, chủ trương tiến bộ vượt bậc, biết chuyển trọng tâm đúng theo guồng quay thời đại cho dù phương pháp có khác nhau. Quan trọng hơn cho thấy sự năng động, đổi mới của tầng lớp trí thức cựu học vốn nặng nề tư tưởng Nho giáo lạc hậu.

Sự dứt khoát với quan niệm trung thành với vua là yêu nước đó là việc cụ viết nhiều sách tân văn, tân thơ nhất là cuốn “Tự trị thượng sách” chỉ trích thẳng thắn sự lỗi thời của chế độ phong kiến và nhược hèn của vua quan nhà Nguyễn là nguyên nhân để mất nước. “Nước dù bất hạnh mà mất không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi, cùng mất nước, mất quyền diệt chủng” (1) .Giờ đây với Hoàng Thông, nước không phải là của riêng một vị vua, của dòng họ Nguyễn mà nước là của toàn dân, nước nhà mất quyền tự chủ thì toàn dân tộc Việt Nam rơi vào cảnh nô lệ, lầm than, đi đến con đường “diệt chủng”. Cái họa diệt chủng hiện hữu ngay tại ngôi trường cụ đang quản lý và dạy học, thực dân Pháp đã cố tình tẩy não những thế hệ học sinh người Việt với chương trình văn hóa Pháp, dạy tiếng Pháp, lịch sử Pháp “dạy người Nam biết nói tiếng Tây” để nhào nặn ra một thế hệ “cổ máy da vàng” cho nền thống trị Pháp khi mà họ quên đi nguồn gốc dân tộc mà nhận rằng người Gôloa là tổ tiên. Dũng cảm viết ra những câu từ ấy, chứng tỏ cụ Hoàng Thông dứt khoát đứng về phía Nhân dân và bỏ đi quan niệm xưa nay “vua là gốc của nước”, “không có đạo vua thì không có thế gian”.

Chính Phan Bội Châu viết “Theo công pháp vạn quốc đã định, được gọi là một nước thì phải có Nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Trong ba cái ấy thì Nhân dân là quan trọng nhất. Không có nhân dân thì đất đai không còn, nhân dân mất thì nước mất” (6) – đó là sự đồng điệu về tư tưởng giữa cụ Hoàng Thông và cụ Phan Bội Châu: Nhân dân mới là chủ nhân thật sự của đất nước.

Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – 112 Mai Thúc Loan, Huế

Việc mở hiệu buôn Đồng Vinh không chỉ là để giải quyết vấn đề tài chính cho hoạt động của tổ chức bấy giờ mà đó là sự thay đổi tư tưởng “trọng nông ức thương”, khinh rẻ thương nghiệp và thương gia của xã hội nho học luôn quan niệm buôn bán là gian xảo, bất lương, người thương nhân là giai tầng cuối của xã hội “sĩ, nông, công, thương”. Hiệu buôn Đồng Vinh và việc hợp buôn của quan lại, trí thức ngay tại kinh đô là một điều mới mẻ, trên hết đó là biểu hiện cụ thể của tư tưởng mới: muốn giành độc lập dân tộc không phải hô hào, nói suông những từ hoa mỹ, sách vở sáo rỗng mà phải bằng hành động thực tế, gây dựng tiềm lực vật chất, để độc lập thì trước hết nước phải mạnh, nước mạnh thì phải dựa vào dân giàu và chỉ có con đường mở mang công thương nghiệp theo đường lối tiến bộ của phái duy tân đề ra.

Tuy dấu ấn trong dòng chảy lịch sử của cụ cử Hoàng Thông không rõ nét, chỉ được thể hiện qua vài ba mẩu chuyện nhỏ, tư liệu cóp nhặt nhưng những chuyển biến tích cực về tư tưởng, hành động của ông là biểu hiện tiêu biểu cho tầng lớp trí thức cũ đổi mình trước thời thế. Tại Khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ, Thành phố Huế, chính quyền đã đặt tên cho con đường mang tên Hoàng Thông – đó là minh chứng những công lao, đóng góp của cụ trong tiến trình lịch sử dân tộc – một người ươm mầm yêu nước, thương dân cho Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Hoài Nhân

Tài liệu tham khảo:
(1) Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế, phần Nguyễn Đắc Xuân.
(2) Chương Thâu, Phan Bội Châu nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn, Nxb Nghệ An.
(3) Hội KHLS Văn hóa Huế – đặc điểm lịch sử và vấn để bảo tồn, phát triển, Nxb Thuận Hóa, 2016, trang 133.
(4) Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân, Nxb Văn học, H, 2008, trang138, 139.
(5) Phan Bội Châu toàn tập, Tập 4, tr 285-286.
(6) Việt Nam quốc sử khảo, in trong tập Phan Bội Châu – Toàn tập, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 2000, trang 68.