Thứ sáu, Tháng chín 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Cần sự đồng bộ về cơ chế và mô hình giải pháp khả thi

ĐNA -

Tuy chưa phải là thông tin chính xác (về thời điểm bắt đầu áp dụng), nhưng câu chuyện “nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng” , những ngày qua, được người dân đặc biệt quan tâm.

Việc xử phạt là có thật, nhưng cột mốc “từ ngày 25/8/2022” phải được hiểu là thời điểm Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực; chứ không phải từ ngày 25/8/2022 (được xem) là thời điểm (chính thức) áp dụng (Nghị định 45/2022/NĐ-CP) để chế tài xử phạt.

Điều này được hiểu, rằng một số chế định (đã được) nêu rõ trong (bất kỳ) Luật nào đều có một lộ trình thực hiện khi hội đủ nhiều điều kiện, nhất là hành lang pháp lý làm nhiệm hướng dẫn, đưa Luật vào cuộc sống. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, không đồng nghĩa rằng, mọi chế định của Luật này, có có thời vận dụng, áp dụng từ ngày đầu tiên của năm nay.

Đề xuất của TS. Quách Thị Xuân – Điều phối viên, Liên minh không rác Việt Nam (qua tham luận: Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam – từ pháp luật tới thực tiễn).

Tuy nhiên, sớm hay muộn, việc thực hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt, sử dụng bao bì (phù hợp) để chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, vẫn phải được thực hiện.

Bởi “Phân loại rác tại nguồn là cách tốt nhất để thu hồi lượng rác được xem là tài nguyên, nghĩa là có thể tái sử dụng, thương mại hóa, thu về một khoản tiền, hoặc trở thành nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Phân loại rác tại nguồn cũng giảm thiểu đáng kể ô nhiễm cho môi trường tự nhiên.

Vấn đề là cơ chế, chính sách bảo đảm để thực hiện, bên cạnh đó, phải có những mô hình thiết thực, là giải pháp mà điều kiện Việt Nam có thể thực hiện, hiểu theo cách khác, là giải pháp công nghệ -mô hình vận dụng phù hợp với Việt Nam” – GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Khoa học – Công nghệ Đại học Đà Nẵng, Nhà Nghiên cứu hàng đầu về Cơ khí động lực (chuyên ngành Động cơ đốt trong), chia sẻ quan điểm.

Và để tiến tới “luật hóa”, mỗi hộ gia đình, cá nhân đều phải phân loại rác tại nguồn, biến một số loại rác thành tài nguyên, ngay từ bây giờ, nhiều công việc phải được “bày ra” và thực hiện trước một bước. Có chuyên gia còn gợi ý: phải có động thái “làm mồi”.

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Còn nhiều rào cản …

GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (cùng các cộng sự-nghiên cứu viên: Nguyễn Quốc Công, Nguyễn Danh Trường, Phạm Thị Bích Thủy) với tham luận “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đinh thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, dẫn chứng rằng, phải đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý và minh bạch trong các quy định chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa (trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt), theo nguyên lý “các bên cùng thắng” (win – win), với mức lợi nhuận “phải đủ hấp dẫn”cho đầu tư tư nhân, thì mới đạt được mục tiêu quản lý một cách hiệu quả.

“Phải dành một khoản ngân sách cho đầu tư “mồi”, khoản này hiện còn rất mờ nhạt, thậm chí vắng bóng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nhiều địa phương, nên chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tư nhân cùng đầu tư cùng tham gia.

GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ: Phải khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Ảnh: Trung Đức.

Chúng ta phải thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước chỉ làm những việc tư nhân không muốn làm do không có lợi nhuận, hoặc những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng. Kinh tế tư nhân được làm những việc mà pháp luật không cấm” – GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ phân tích.

Là người nhiều năm gắn bó với hoạt động bảo vệ môi trường, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ cũng đưa ra nhiều chia sẻ đáng suy nghĩ: Phải khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Từng bước hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển. Đặc điểm đô thị Việt Nam là nhiều ngõ, hẻm nên các phương tiện cơ giới lớn, hiện đại không thể tiếp cận đến từng điểm thu gom. Vai trò của các phương tiện thu gom nhỏ lẻ của đơn vị tư nhân là rất quan trọng.

Một vấn đề được đặt ra từ góc nhìn của Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cũng như Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng có điểm gặp gỡ rất chung, được xem là một trong những cản ngại đối với sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đó là, cho đến nay chưa có sự chuẩn hóa về khái niệm: Thế nào là chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) đã được phân loại (rác tài nguyên) để tránh mâu thuẫn giữa hộ dân và đơn vị thu gom khi tiến hành thu gom và thu các khoản phí dịch vụ tương ứng (GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ).

TS.Đặng Quang Vinh – Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, phân tích thêm:

Theo điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể cho từng nội dung: Từng loại rác (nêu trên) cần phân loại ra sao? ; Quy trình, công tác thu gom cho mỗi loại rác như thế nào? ; Quy định kỹ thuật của cơ sở vật chất (màu bao nilon; màu thùng chứa rác; phương tiện; thiết bị cân khối lượng rác…) và hẳn nhiên là định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý cho từng loại, cũng chưa có.

TS.Đặng Quang Vinh: Quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt vừa thiếu, vừa chồng chéo. Ảnh: Trung Đức

Một bất cập khác, năm 2019, “Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn” theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2019. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường bắt đầu tiếp nhận quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó, có chất thải rắn xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế, chính sách quản lý chất thải rắn xây dựng vẫn … chưa có.

TS.Đặng Quang Vinh cũng đồng tình với Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam: Cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa đồng bộ. Có cả những chồng chéo trong quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thành phố Đà Nẵng nhiều lần đưa ra dự án kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn, nhưng quy định, rồi cơ chế chưa rõ ràng, nên phải nói thẳng là thất bại.

Ngay cả việc phân loại rác tại nguồn, cách đây đến …18 năm, năm 2004, phường Nam Dương (quận Hải Châu) là địa phương đầu tiên của Đà Nẵng, thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn trong khu dân cư. Người dân tham gia rất tốt, nhưng rồi dự án cũng đành chấp nhận phải dừng lại sớm. Lý do, đầu ra của rác tài nguyên sau khi phân loại, gần như bế tắc.

“Rác thải nhựa thì nhiều cơ chế, chính sách để kiểm soát, thu hồi tích cực, tái chế đã được ban hành. Nhưng đến nay, phải nhìn thẳng vào thực tế, vẫn chưa có các giải pháp hiệu quả trong kiểm soát, hạn chế, thu gom, tái chế và tái sử dụng” – TS Vinh chia sẻ.

Theo TS. Quách Thị Xuân, hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam chúng ta, chủ yếu là chôn lấp …

Khi ngân sách mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường

Thiếu nguồn vốn để đầu tư cho các hạng mục, chương trình, dự án bảo vệ môi trường là một hiện thực khách quan.

Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đưa ra dẫn chứng: Nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho bảo vệ môi trường, mới chỉ đáp ứng được … 50% nhu cầu đầu tư. Đó là chưa kể đến những bất cập trong phân bổ nguồn vốn này giữa trung ương và địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Hội đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (danh mục phân loại xanh) (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 154).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tập trung, bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 156).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời hướng dẫn phân loại dự án thuộc danh mục phân loại xanh để tổng hợp trong danh mục đầu tư công khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm làm căn cứ để Chính phủ, chính quyền địa phương lựa chọn khi phát hành trái phiếu xanh (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 157).

Rõ ràng huy động nguồn lực còn tiềm năng lớn trong nhân dân, qua Trái phiếu xanh, là một đề xuất đáng được quan tâm, trong bối cảnh ngân sách còn phải gánh rất khoản chi, mà khoản chi nào thì cũng đều có độ cấp thiết, cần thiết tương đồng.

GS.TSKH Bùi Văn Ga báo cáo đề xuất mô hình điện – rác cục bộ (giải pháp xử lý triệt để rác sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn).-Ảnh: Trung Đức.

Bên cạnh điều kiện tiên quyết là kinh phí (ngân sách, huy động nguồn lực xã hội, hợp tác công – tư, kêu gọi dự án đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài); các giải pháp về công nghệ, được các chuyên gia nhìn nhận có tính khả thi rất cao, cần được xem xét ở góc độ mô hình sát với yêu cầu của thực tiễn, phải sớm có đánh giá để chuyển giao công nghệ.

Tại hội thảo “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, diễn ra ngày 23/7 mới đây tại Đà Nẵng; GS.TSKH Bùi Văn Ga và đồng tác giả đề tài nghiên cứu: GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nguyên thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (2016-2021), hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ (Đại học Đà Nẵng) đã đề xuất mô hình điện – rác cục bộ (giải pháp xử lý triệt để rác sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn).

“Xử lý chất thải trong sinh hoạt và sản xuất là vấn đề cấp bách ở nước ta hiện nay, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nơi có hơn 70% dân số đang sinh sống và hạ tầng xử lý chất thải còn rất thô sơ, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Để xử lý căn bản vấn đề này chúng ta cần nghiên cứu làm chủ công nghệ phù hợp để áp dụng trong những điều kiện khác nhau về qui mô phát sinh và thành phần chất thải. Mô-đun sản xuất điện năng hòa lưới công suất nhỏ, linh hoạt, chạy bằng biogas và syngas sản xuất từ chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn là giải pháp phù hợp” – GS.TSKH Bùi Văn Ga phân tích.

Theo GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ, phiên hội thảo đã thu hoạch được nhiều giải pháp thiết thực về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đúc kết trong hoạt động thực tế tại thành phố Đà Nẵng. Ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, giới quản lý, đã đưa ra những tham vấn, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp, rất có ý nghĩa, để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sẽ tổng hợp nghiên cứu và đề xuất những nội dung này với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian sớm nhất.

Đồng hành “Vì một Việt Nam Xanh”, trước thực trạng còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như nguồn lực cần thiết, vẫn chưa đáp ứng được thực tế, nhiều bất cập; Tạp chí Đông Nam Á sẽ tiếp tục giới thiệu các mô hình “công nghệ Việt Nam góp phần xử lý chất thải”./.
Trung Đức