Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Xuất khẩu dầu của Nga tăng lên mức cao nhất bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây

ĐNA -

Ngày 16/5/2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 4/2023 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi xung đột giữa nước này với Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, với doanh thu tăng 1,7 tỷ USD bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, IEA cho biết xuất khẩu của Nga đã tăng 50.000 thùng/ngày lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng trước.

Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, vùng Siberia thuộc Nga. Ảnh: AFP

Tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp nhận định rằng nước Nga đã không thực hiện đầy đủ lời đe dọa cắt giảm mạnh sản lượng, khi sản lượng dầu thô của Nga được ước tính giữ “ổn định” trong tháng Tư ở mức 9,6 triệu thùng/ngày. Thậm chí, Nga có thể đang tăng sản lượng để bù đắp cho phần doanh thu bị mất.

Doanh thu xuất khẩu dầu của nước Nga đã tăng 1,7 tỷ USD lên 15 tỷ USD trong tháng Tư. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu thuế của Nga từ lĩnh vực dầu khí cũng đã giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của IEA.

Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Australia cùng Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ và dầu thô của Nga, trong nỗ lực cắt giảm nguồn tài trợ của nước này cho xung đột tại Ukraine. EU cũng đã áp đặt riêng các lệnh cấm vận đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu dầu mỏ chủ lực của nước Nga.

Đáp lại, Nga đã đe dọa cắt đứt nguồn cung cho các quốc gia và công ty tuân thủ chính sách áp trần giá do G7 khởi xướng. Nước này cũng đã tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) bao gồm Saudi Arabia cũng đồng ý cắt giảm sản lượng.

IEA nhận định Nga dường như gặp ít vấn đề trong việc tìm kiếm khách hàng sẵn sàng mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của mình. Cơ quan này cho biết Trung Quốc và Ấn Độ chiếm gần 80% thị trường xuất khẩu dầu thô của Nga.

Nga và Kazakhstan lập tuyến đường ống dẫn khí đốt sang Trung Quốc

Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: Bloomberg.

Ngày 16/5/2023, Bộ Năng lượng Kazakhstan cho biết nước này và Nga đã lên kế hoạch cho một đường ống dẫn khí đốt trong tương lai, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển khí đốt giữa hai nước và sang Trung Quốc.

Đường ống mới sẽ giúp Nga đẩy mạnh việc bán năng lượng và hàng hóa sang châu Á, trong khi giúp Kazakhstan đảm bảo nguồn cung cho các khu vực miền Trung, miền Bắc và miền Đông của nước này.

Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan, ông Almasadam Satkaliyev nêu rõ hai bên đang thảo luận việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua miền Bắc Kazakhstan đến Trung Quốc, các điều kiện xây dựng, với tuyến đường ống đã được xác định sơ bộ. Tuy nhiên, ông Satkaliyev không cho biết thêm chi tiết. Nga đang thảo luận hình thành một liên minh khí đốt với Kazakhstan và Uzbekistan để hỗ trợ việc vận chuyển giữa 3 nước và tới các khách hàng năng lượng khác, trong đó có Trung Quốc.

Xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu, vốn từng là thị trường chính cho dầu khí của Nga, đã bị đình trệ từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang vào năm ngoái. Để bù đắp cho những thiệt hại ở thị trường châu Âu, Moskva đang tăng cường các quan hệ chính trị và thương mại với châu Á – khu vực đã trở thành khách hàng chính cho dầu mỏ của Nga.

Với mong muốn tăng lượng khí đốt bán cho Trung Quốc, Moskva đã thảo luận với Bắc Kinh về việc xây dựng đường ống thứ hai mang tên Sức mạnh Siberia 2, với công suất 50 tỷ m3/năm, gần bằng công suất 55 tỷ m3/năm của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chạy sang Đức mới bị hư hại gần đây. Các cuộc thảo luận hiện chưa đem lại kết quả.

Năm 2022, Tập đoàn năng lượng Gazprom cũng đã nhất trí cung cấp cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc 10 tỷ m3 khí/năm từ đảo Sakhalin, vùng Viễn Đông Nga. Nga hiện cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua tuyến đường duy nhất là đường ống Sức mạnh Siberia, dự kiến đạt công suất tối đa 38 tỷ m3/năm vào năm 2025.

Chy Lê/nguồn AFP, Bloomberg