Lần đầu tiên, với quy mô lớn, chiều ngày 18/8/2023, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh, thành miền Trung. Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã cùng dự.
“Từ 15/8/2023, Việt Nam chúng ta sẽ cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thay vì chỉ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ như trước. Thời hạn tạm trú của e-visa cũng nâng từ 30 ngày lên 90 ngày. Ngoài ra, thời hạn tạm trú cũng được tăng từ 15 ngày lên 45 ngày với công dân 13 quốc gia Việt Nam đơn phương miễn thị thực. Đây là một thuận lợi lớn để các tỉnh, thành miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long liên kết, tổ chức các hành trình trải nghiệm, khám phá cho du khách quốc tế.
Rõ ràng, giờ đây, du khách không còn giới hạn về thời gian. Thuận lợi thứ hai là ngay ở khu vực trung Trung bộ, ở hai thành phố điểm đến về du lịch, chúng ta có đến 2 Cảng hàng không quốc tế (Đà Nẵng và Phú Bài-Huế). Khách có thể đến Đồng bằng sông Cửu Long, từ bất cứ sân bay nào”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ và cho rằng sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, đã diễn ra đúng thời điểm, tranh thủ cơ hội tốt mà ngành du lịch rất mong đợi
Du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Tổ quốc vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây còn là “vùng cực Nam – Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của Quốc gia.
“Đồng bằng sông Cửu Long có cảnh quan sinh thái rất đặc trưng của vùng đồng bằng và biển đảo, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có hệ sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, …. Những đặc trưng riêng của ngành du lịch cả vùng, những năm qua đã từng bước được đầu tư phát triển, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm đáng quý.
Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, M.I.C.E, văn hóa – lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp…là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có những bước phát triển và phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid – 19. Năm 2022 du lịch cả vùng thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch của vùng đạt hơn 32.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Đồng bằng sông Cửu Long đón gần 27 triệu lượt khách, tăng 133,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch hơn 28.000 tỉ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành cũng như các vùng miền trong cả nước.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn có những hạn chế. Do đó, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long rất chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là đối với thị trường du lịch tại miền Trung để liên kết phát triển du lịch”, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, địa phương đang là Cụm trưởng xúc tiến du lịch phía đông của Đồng bằng sông Cửu Long, phân tích.
Chia sẻ kinh nghiệm “làm du lịch” của 2 thị trường khách du lịch lớn của cả nước
Không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin và tiềm năng du lịch của 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, đến với các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại các tỉnh, thành phố miền Trung; hội nghị còn là dịp để “hiến kế” phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long; trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, trong liên kết – hợp tác phát triển du lịch, với 3 chủ đề luôn được quan tâm: Sản phẩm và sản phẩm mới, sản phẩm khác biệt ; Công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người và sức hấp dẫn của du lịch địa phương ; Xúc tiến thị trường – trao đổi khách.
“Qua Hội nghị, tôi kỳ vọng cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch miền Trung và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long sẽ cùng nhau đưa ra những ý tưởng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ môi trường, chủ trương chính sách của mỗi vùng miền, từ đó hình thành các sản phẩm du lịch mới đa dạng, đặc sắc hơn nữa, cũng như cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch, trao đổi khách giữa 2 khu vực.
Thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ luôn ủng hộ và cũng tin tưởng lãnh đạo các địa phương có mặt tại sự kiện hôm nay sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch kết nối, kinh doanh, hợp tác phát triển kinh tế, du lịch.
Đà Nẵng, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là 2 thị trường khách du du lịch lớn của cả nước. Với những đặc trưng vùng miền riêng biệt của 2 khu vực đã hình thành nên những sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế.
Sau những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 để lại, việc khôi phục hoạt động du lịch đang là mục tiêu trọng tâm của các tỉnh, thành trên cả nước. Hơn lúc nào hết, việc liên kết xúc tiến du lịch giữa các địa phương cần được quan tâm và triển kahi một cách hiệu quả, thiết thực”, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ Đà Nẵng, cũng “thành tâm” lưu ý thêm du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long cần có những “đổi mới, đột phá” từ cơ sở lưu trú, đến tận dụng hết những lợi thế để có sản phẩm mà du khách luôn mong đợi được tiếp cận. Đó là những siêu thị cây trái đặc sản được cam kết về chất lượng, du khách có thể an tâm mua về làm quà. Đưa các yếu tố văn hóa, nghệ thuật đặc trưng vào các hoạt động du lịch, tạo tính khác biệt cao.
Đại diện ngành du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long cũng “cởi mở” chia sẻ “cách làm du lịch” mà 13 địa phương đang hướng đến. Trước hết, tính liên kết là một yếu tố quan trọng đã mang lại thành công cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, nay càng lúc , càng được mở rộng hơn. Hợp tác các tỉnh, thành miền Trung là một ví dụ. Không chỉ trao đổi khách giữa 2 vùng miền – 2 đặc trưng khác biệt, đều có tính thu hút cao, Đồng bằng Sông Cửu Long cũng hướng đến khai thác khách quốc tế.
Về lưu trú, nhiều địa phương cũng đã sẵn sàng quỹ đất đẹp, đang xúc tiến kêu gọi dự án đầu tư. Loại hình sự kiện điểm nhấn, được đầu tư tổ chức, sắp đến sẽ đầu tư thêm, có sự kiện mới, tạo sản phẩm mới, không chỉ cho một địa phương, mà lan tỏa tính hấp dẫn cả vùng.
Đại diện ngành văn hóa – thể thao – du lịch, cũng như doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long cho hay, sản phẩm du lịch mới được các địa phương quan tâm (Trà Vinh, Đồng Tháp) là loại hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Du khách sẽ không chỉ tham quan để ngắm cảnh, mà còn sinh hoạt, làm việc cùng nhà nông, nhà vườn. Đây cũng là nét mới bổ sung cho phát triển dịch vụ ở nông thôn mới vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Hiện nay có 2 hãng hàng không cung cấp chặng bay từ Cần Thơ đi Đà Nẵng mỗi ngày là Vietnam Airlines và Vietjet, làm cho Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gần hơn với các tỉnh, thành miền Trung. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch cả vùng chúng tôi, kết nối mạnh mẽ với thị trường du lịch với các tỉnh, thành miền Trung.
Doanh nghiệp du lịch, lữ hành Đồng bằng sông Cửu Long luôn mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tại các tỉnh, thành miền Trung. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho du khách từ miền Trung nói riêng, cả nước nói chung, trong hành trình về vùng đất phương Nam.
Từ hôm nay, các tỉnh, thành miền Trung và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long chúng ta xích lại gần nhau hơn, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch, thường xuyên trao đổi, chia sẽ thông tin tình hình phát triển du lịch giữa các địa phương; liên kết, hợp tác trong quảng bá, xúc tiến du lịch; kết nối tổ chức các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch liên vùng; đặc biệt có chính sách ưu đãi, kích cầu du lịch giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành miền Trung, cùng nhau thu hút khách du lịch.
T.Ngọc