Chủ Nhật, Tháng 6 22, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Xung đột hải quan – Châu Âu dựa vào các đối tác thương mại mới ở Châu Á



ĐNA -

Ngày 24/4/2025, tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) đã đăng tải bài viết của Alexander Börsch, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Deloitte với tiêu đề “Xung đột hải quan – Châu Âu dựa vào các đối tác thương mại mới ở Châu Á”. Bài viết phân tích bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là giữa các nền kinh tế lớn, và chỉ ra xu hướng chuyển dịch hợp tác của châu Âu sang các đối tác tiềm năng tại châu Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro.

Hoạt động thương mại vốn thịnh vượng giữa Hoa Kỳ và châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy giảm nghiêm trọng trước những rạn nứt ngày càng rõ nét trong quan hệ kinh tế song phương. Theo phân tích của Alexander Börsch, nhà kinh tế trưởng của Deloitte, toàn cầu hóa có chọn lọc, tức chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đa dạng hóa đối tác thương mại có thể là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh nhiều bất ổn địa chính trị và thương mại leo thang.

Trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu lên tới khoảng 1,5 nghìn tỷ euro vào năm 2023. Tức là 4,2 tỷ euro mỗi ngày. Mối liên hệ này đã tăng cường từ mức vốn đã rất cao; xuất khẩu của Châu Âu sang Hoa Kỳ đã tăng 40 phần trăm trong bốn năm qua.

Trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và rào cản thuế quan ngày càng gia tăng từ phía Hoa Kỳ, việc bù đắp những tổn thất kinh tế tiềm tàng là một thách thức lớn đối với châu Âu, dù không phải là điều bất khả thi. Theo giới chuyên gia, dư địa chính sách tuy hạn hẹp nhưng không cho phép đứng yên. Việc mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi vốn chưa được nhiều doanh nghiệp châu Âu chú trọng, sẽ là hướng đi chiến lược để phân tán rủi ro và tái thiết lập sự cân bằng trong mạng lưới thương mại toàn cầu.

Đồng minh mới tại Châu Á
Về mặt chính trị, Liên minh Châu Âu đã chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác thương mại tại châu Á thông qua các hiệp định tự do thương mại mang tính chiến lược. Thỏa thuận với Hàn Quốc được ký kết từ năm 2011, tiếp đó là thỏa thuận với Nhật Bản vào năm 2019, hai nền kinh tế hàng đầu khu vực. Hiệu quả bước đầu của các thỏa thuận này đã được phản ánh rõ nét: trong vòng mười hai năm kể từ khi FTA với Hàn Quốc có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của châu Âu sang quốc gia này đã tăng gấp đôi, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn từ sự hội nhập sâu rộng hơn với châu Á.

Không chỉ dừng lại ở thương mại, mối quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ tư của châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã được mở rộng đáng kể trên phương diện đầu tư. Kể từ năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ EU vào Hàn Quốc đã tăng gấp đôi, đưa EU trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia này, vượt qua cả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào EU cũng ghi nhận mức tăng mạnh, lên tới 67% trong cùng giai đoạn. Những con số này phản ánh xu hướng gắn kết kinh tế sâu sắc hơn giữa EU và các đối tác chủ chốt ở châu Á, một động thái có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa đang tái định hình.

Bên cạnh hợp tác kinh tế, châu Âu và châu Á cũng đang tăng cường kết nối trong lĩnh vực an ninh, một yếu tố ngày càng được xem là gắn liền với ổn định thương mại và đầu tư dài hạn. Nổi bật là việc Vương quốc Anh ký kết thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản vào năm 2023, phản ánh xu hướng mở rộng phạm vi đối tác chiến lược của các quốc gia châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo các dự báo thương mại mới nhất của Deloitte, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của châu Âu vào năm 2035, trong khi Hàn Quốc giữ vị trí thứ ba cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này trong chiến lược thương mại dài hạn của châu Âu.

Chính những xu hướng này đã đưa các thị trường châu Á, đặc biệt là những đối tác đã thiết lập quan hệ vững chắc với châu Âu và có liên kết địa chính trị gần gũi trở thành điểm tựa tăng trưởng quan trọng nhất cho nền kinh tế châu Âu trong giai đoạn tới. Các dự báo của Deloitte được xây dựng trên cơ sở đánh giá tổng thể về tiến triển trong quan hệ địa chính trị và hợp tác kinh tế giữa châu Âu và châu Á những năm gần đây, kết hợp với các ước tính về tăng trưởng kinh tế dài hạn của các quốc gia trong khu vực.

Thị trường tăng trưởng thách thức hơn về mặt địa chính trị
Nhìn tổng thể, theo dự báo của Deloitte, cả bảy thị trường tăng trưởng hàng đầu dành cho các doanh nghiệp châu Âu trong những năm tới đều nằm tại châu Á hoặc khu vực châu Đại Dương lân cận, như Úc. Các nền kinh tế mới nổi như Philippines, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, việc mở rộng hợp tác với những thị trường này có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn so với Nhật Bản hay Hàn Quốc, do khoảng cách địa chính trị và thể chế lớn hơn giữa họ và châu Âu.

Xu hướng địa chính trị hiện nay đang ngày càng chi phối các dòng chảy thương mại toàn cầu, một thực tế thể hiện rõ qua các dữ liệu của Deloitte. Chỉ số Động lực Địa kinh tế (Geo-Economic Dynamics Index) cho thấy thương mại của châu Âu với những quốc gia mà khối này đang rút xa về mặt địa chính trị đang có xu hướng giảm. Một minh chứng rõ ràng là cường độ thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc đã suy giảm trở lại mức tương đương năm 2016. Trong khi đó, thương mại với Nga gần như đã sụp đổ hoàn toàn dưới tác động của cuộc chiến tranh ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt đi kèm.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng địa chính trị không phải là yếu tố duy nhất định hình quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Trên thực tế, không phải tất cả các nền kinh tế đều có thể được phân loại rõ ràng vào một khối địa chính trị cụ thể. Chính sự “mơ hồ chiến lược” của một số quốc gia đã cho phép họ duy trì quan hệ linh hoạt với nhiều đối tác. Điển hình, dù khoảng cách địa chính trị giữa châu Âu với các quốc gia như Ấn Độ, Brazil hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày càng thể hiện rõ, cường độ thương mại với những thị trường này vẫn tăng đáng kể trong những năm gần đây. Điều này cho thấy các yếu tố như nhu cầu thị trường, cơ hội tăng trưởng và chiến lược hội nhập kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng dòng chảy thương mại, bên cạnh các yếu tố địa chính trị.

Các hiệp định thương mại tự do mới quan trọng
Như vậy, dù tồn tại những khoảng cách địa chính trị, vẫn có không gian chính trị rộng mở để châu Âu duy trì và thúc đẩy thương mại với các quốc gia chưa được phân loại rõ ràng về mặt địa chính trị. Các hiệp định thương mại tự do mới sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược này. Liên minh châu Âu đã tích cực đàm phán với nhiều thị trường mới nổi tại châu Á từ nhiều năm nay, như Indonesia (từ 2016), Philippines (từ 2015) và Ấn Độ (từ 2007), cùng với thỏa thuận đã ký kết với Việt Nam vào năm 2020. Mục tiêu hoàn tất đàm phán với Ấn Độ vào cuối năm nay không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết duy trì và mở rộng thương mại tự do.

Tương lai thương mại của châu Âu vì thế trở nên vô cùng quan trọng đối với các thị trường châu Á, dù là thị trường phát triển hay mới nổi. Thậm chí, các mô hình hợp tác thể chế mới cũng đang được hình thành, như việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) vào tháng 12 năm ngoái – một liên minh bao gồm các quốc gia từ châu Á, châu Đại Dương và Nam Mỹ. Hình thức toàn cầu hóa có chọn lọc này có thể trở thành con đường tiến lên, giúp duy trì và mở rộng thương mại tự do trong các nhóm quốc gia có chung lợi ích và tầm nhìn hội nhập sâu rộng.

Hồ Ngọc Thắng/nguồn: ttps://amp.vtcnews.vn/vi-sao-ukraine-khong-nhan-6-000-thi-the-nga-trao-tra-ar947679.html