Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Xung đột và thời tiết cực đoan đe dọa ngành vận tải biển toàn cầu

ĐNA -

Chi phí cao hơn cũng làm dấy lên lo ngại về lạm phát, đặc biệt là ở khu vực đồng euro và việc thay đổi lộ trình để né các xung đột quân sự hay thời tiết cực đoan có thể thành “bình thường mới” của vận tải biển toàn cầu.

Một con tàu băng qua Vịnh Suez hướng về Biển Đỏ trước khi đi vào kênh đào Suez. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 5/1/2024, Goldman Sachs đã nâng dự báo lạm phát cốt lõi eurozone do chi phí vận chuyển tăng vọt. Công ty tài chính này cho rằng việc thay đổi lộ trình vận tải hàng hóa tránh Biển Đỏ kéo dài có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực đến lạm phát. Tuy nhiên cú sốc lạm phát này dự kiến không tệ như hỗn loạn do đại dịch giai đoạn 2020 – 2022 nhờ nguồn cung tàu tăng và không có tình trạng tắc nghẽn cảng.

Những xung đột gần đây ở Biển Đỏ đã khiến các nhà vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu lo lắng. Tuần này, Maersk – Logistics Company – Maersk – Shipping Solutions và các hãng vận tải biển lớn khác quyết định thay đổi lại lộ trình cho các tàu để tránh các vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái ở Biển Đỏ.

“Trong khi tiếp tục hy vọng vào một giải pháp bền vững trong tương lai gần và làm tất cả có thể, chúng tôi khuyến khích khách hàng chuẩn bị cho những tình huống phức tạp trong khu vực và có thể có sự gián đoạn đáng kể với mạng lưới vận tải toàn cầu”, Maersk – Logistics Company – Maersk – Shipping Solutions nêu.

Vào 19/12/2023, Mỹ đã phát động một chiến dịch đa quốc gia nhằm cố gắng bảo vệ thương mại ở Biển Đỏ. Nhưng nhiều công ty vận tải biển và chủ hàng vẫn đang chuyển hướng tàu thuyền quanh châu Phi do các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra

Trong khi các tàu chở dầu và nguồn cung nhiên liệu cho châu Âu tiếp tục đi qua Biển Đỏ đến kênh đào Suez, hầu hết tàu container đều thay đổi tuyến đường. Họ vòng qua cực nam của châu Phi để tránh các cuộc tấn công tàu của lực lượng Houthi (Yemen) trên Biển Đỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ với Hamas.

Jay Foreman, CEO công ty đồ chơi Basic Fun tại Florida (Mỹ) nói các đợt hỗn loạn dường như đã trở thành điều bình thường mới. “Trước khi trở lại bình thường, một sự kiện khác lại xảy ra khiến mọi thứ lại hỗn loạn”, ông bình luận.

Chi phí nhiên liệu của chủ tàu đã tăng lên đến 2 triệu USD mỗi chuyến đi qua kênh đào Suez. Giá cước từ châu Á đến châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với trung bình năm 2023, lên đến 3.500 USD cho mỗi container 40 feet.

Các nhà bán lẻ như Walmart, IKEA, Amazon, Lidl cũng như các nhà sản xuất thực phẩm như Nestle sẽ mất thêm thời gian và tiền vận chuyển. Chi phí cao hơn có thể dẫn đến việc tăng giá bán. “Quý đầu năm sẽ hơi điên rồ với sổ sách kế toán của mọi người”, Alan Baer, CEO công ty logistics OL USA nhận định.

Peter Sand, Trưởng phân tích công ty dữ liệu vận tải Xeneta, cho biết các rủi ro địa chính trị cần lưu ý năm nay gồm khả năng mở rộng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đến Vịnh Ả Rập. Nếu mối quan hệ Trung Quốc – Đài Loan kém hơn thì cũng có thể ảnh hưởng đến các tuyến thương mại quan trọng. Trong khi đó, xung đột Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán ngũ cốc.

Ngoài ra, các biến cố thời tiết nghiêm trọng ngày càng ảnh hưởng tức thì hơn so với căng thẳng chính trị. Số lượng chuyển tàu qua kênh đào Panama, một lựa chọn thay thế cho kênh đào Suez, giảm 33% do mực nước thấp hơn, theo thông tin từ nhà cung cấp phần mềm chuỗi cung ứng project44. Những hạn chế này đã đẩy giá vận chuyển các mặt hàng rời và khô như lúa, đậu nành, quặng sắt, than, và phân bón lên cao vào cuối năm 2023.

Cũng cuối năm ngoái, Brazil chịu cú sốc kép khi đợt hạn hán lịch sử ở khu vực Amazon và mưa lớn ở phía bắc đất nước đã góp phần làm tăng hàng chờ tàu tại cảng Paranagua, chỉ vài tháng trước mùa vận chuyển đậu nành đỉnh điểm.

John Kartsonas, Đối tác quản lý tại Breakwave Advisors, Cố vấn giao dịch hàng hóa cho Breakwave Dry Bulk Shipping, cho biết: “Bạn luôn có thể nói đó là sự kiện cá biệt, nhưng nếu các sự kiện cá biệt lại cứ xảy ra một lần mỗi tháng thì chúng không còn là đột xuất nữa”.

Hoàng Hạnh