Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đúng hạn nợ lãi và gốc cho nhà đầu tư

ĐNA -

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu yêu cầu thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ lãi, gốc trái phiếu. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư; ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính doanh nghiệp để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư và trên thị trường.

Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, Bộ Tài chính yêu cầu phải chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; không gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động; thị trường xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về các doanh nghiệp phát hành mà không xuất phát từ chính doanh nghiệp. Bộ Công an đã xử lý các trường hợp vi phạm trong việc thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để nhà đầu tư có thông tin chính thống về hoạt động của doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho rằng cần xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp và công bố kết quả cho các nhà đầu tư để hiểu tình hình của doanh nghiệp.

Trước đó, tại cuộc họp với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ nay đến cuối năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn hơn 53 nghìn tỷ đồng; trong đó, bất động sản chiếm 39%, doanh nghiệp sản xuất khác 19%… Sang năm 2023 số lượng trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn là 284 nghìn tỷ đồng, năm 2024 đáo hạn 363 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc một số doanh nghiệp có sai phạm và bị xử lý, cùng với các tin đồn đã dẫn đến tâm lý các nhà đầu tư rút tiền dẫn đến thanh khoản khó khăn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp, “chia sẻ” rất hiệu quả gánh nặng cho kênh tín dụng ngân hàng và hiện vẫn khá tiềm năng.

Các quỹ trái phiếu ứng xử như thế nào trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động?

Sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn.

Sau những vụ việc liên quan đến sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, nhiều trái chủ lo lắng khó thu được tiền làm dấy lên làn sóng rút ròng từ các quỹ trái phiếu. Điều này khiến các hoạt động tái cân bằng danh mục và tận dụng các cơ hội từ thị trường của một số quỹ đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo một thống kê mới đây của Công ty Techcom Capital, chỉ từ tháng 9/2022 đến thời điểm ngày 14/11/2022, các quỹ trái phiếu Việt Nam bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng, với tỷ lệ rút ròng lên tới 34,6%, tương ứng giảm từ 28.623 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.717 tỷ đồng.

Trong danh sách 10 quỹ trái phiếu bị rút ròng nhiều nhất, thì quỹ trái phiếu SSIAM đứng ở vị trí đầu tiên, với tỷ lệ rút ròng lên đến 67,7%, từ 1.457 tỷ đồng xuống chỉ còn 471 tỷ đồng. Đứng thứ hai là quỹ MB Capital bị rút ròng 60,8% tương ứng giảm từ 2.491 tỷ đồng xuống còn 977 tỷ đồng.

Dragon Capital Việt Nam có hai quỹ đầu tư trái phiếu là DCIP và DCBF, thì cả hai đều bị rút ròng mạnh trong đợt này. Trong đó, quỹ DCIP của Dragon Capital bị rút ròng 46,6% từ 1.022 tỷ đồng xuống còn 546 tỷ đồng; DCBF bị rút 23,8% tương ứng giảm từ 817 tỷ đồng xuống còn 623 tỷ đồng.

TCBF của Techcom Capital cũng bị rút ròng lên đến 31,8%, từ 19.983 tỷ đồng xuống còn 13.623 tỷ đồng. Một số quỹ khác cũng bị rút ròng mạnh trong khoảng thời gian qua gồm quỹ ABBF của An Bình Capital bị rút 23,1%; VFF của VinaCapital bị rút 8,5% từ 1.192 tỷ đồng còn 1.090 tỷ đồng…

Trong một báo cáo gửi nhà đầu tư mới đây, Dragon Capital cho biết: Trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, các quỹ mở trái phiếu trên thị trường trong đó bao gồm các quỹ của Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) đều đang gặp tình trạng rút ròng từ các nhà đầu tư.

Để đảm bảo việc vận hành quỹ bình thường theo thông lệ, các quỹ trái phiếu cần phải có lượng tiền mặt đủ để đáp ứng việc mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư, hoặc phải bán các tài sản trong danh mục đầu tư như trái phiếu và công cụ tiền tệ ra thị trường để đảm bảo thanh khoản cho quỹ.

Phân tích rõ hơn về sự biến động của thị trường trái phiếu, các chuyên gia của Dragon Capital cho rằng, hiện nay thị trường trái phiếu đang đối mặt với nhiều biến động, lý do chính đến từ việc phát hành ồ ạt trong giai đoạn 2020 – 2021, khiến cho lượng trái phiếu đáo hạn sắp tới rất lớn. Đồng thời, lãi suất thế giới và trong nước gia tăng, khiến dòng vốn có xu hướng rút ròng trên diện rộng để tìm các kênh đầu tư cho lợi nhuận hấp dẫn hơn.

Để đảm bảo thanh khoản và mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư ở quy mô lớn bất thường, các quỹ trái phiếu cần chuẩn bị đủ tiền mặt hoặc phải bán trái phiếu ra thị trường kể cả với giá chiết khấu nhằm huy động tiền nhanh nhất có thể. Điều này tác động ngược đến giá trị tài sản theo thị trường của các quỹ trái phiếu đang nắm giữ, bao gồm trong đó là nhiều trái phiếu doanh nghiệp có tình hình hoạt động kinh doanh tốt và có dòng tiền thu nhập ổn định. Hệ quả là giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ của các quỹ trái phiếu trực tiếp bị ảnh hưởng và sụt giảm.

“Việc phân tích lựa chọn trái phiếu cho danh mục đầu tư của các quỹ đều trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt của DCVFM. Các tổ chức phát hành đều là doanh nghiệp niêm yết, có năng lực cũng như khả năng quản trị tài chính tốt. Hồ sơ trái phiếu được xem xét kỹ lưỡng và kiểm soát chặt chẽ trước khi đầu tư”, Dragon Capital Việt Nam cho biết.

Trước đó, phía VinaCapital cũng cho biết, nguyên tắc đầu tư của công ty rất rõ ràng, mang lại lợi nhuận tích cực, quản trị rủi ro chặt chẽ, đáp ứng mục tiêu tài chính dài hạn cho nhà đầu tư.

Theo VinaCapital, các khâu thẩm định đầu tư trái phiếu tại VinaCapital được tuân thủ theo quy trình chuẩn hóa và hệ thống xếp hạng tín nhiệm riêng cho các trái phiếu cũng như các doanh nghiệp mà công ty đầu tư. Từ đó, VinaCapital có thể sàng lọc ra những doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng cao, có dòng tiền tương lai tốt và chọn lọc những trái phiếu an toàn, có lợi suất cao, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

VinaCapital tuân thủ quy trình xây dựng danh mục để đảm bảo đa dạng hóa các khoản đầu tư và áp dụng quy trình kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt để đảm bảo các quỹ luôn tuân thủ khung pháp lý do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề ra với quỹ mở trái phiếu.

Các quỹ đầu tư cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những biến động trên thị trường và cập nhật thông tin liên tục cho nhà đầu tư chủ động với kế hoạch tài chính của mình. Đây là thời điểm nhà đầu tư có thể xem xét lại khoản đầu tư để có quyết định phù hợp.

Đáng chú ý, để hỗ trợ nhà đầu tư, Dragon Capital mới thông báo sẽ tạm thời không áp dụng phí bán chứng chỉ quỹ trong trường hợp quý nhà đầu tư cần rút tiền như một cách cùng chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư. Thời gian áp dụng miễn phí bán của quỹ DCIP và DCBF có hiệu lực từ ngày giao dịch 02/12/2022 đến 28/02/2023.
Tuan Vu