Ngày 28/5/2025, Đài Truyền hình NTV có trụ sở tại Cologne (Đức) đã đăng tải bài viết của nữ nhà báo Frauke Niemeyer với tiêu đề “Zelenskyy gặp Merz – Một sự cố kỹ thuật nói lên nhiều điều hơn cả nghìn lời”. Bài viết thu hút sự chú ý khi phản ánh một khoảnh khắc bất ngờ trong cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Chủ tịch Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Friedrich Merz, một trục trặc tưởng chừng nhỏ trong buổi họp báo nhưng lại chứa đựng nhiều tầng nghĩa về mối quan hệ chính trị, thái độ ngoại giao và bối cảnh địa chính trị hiện nay.

“Còn tên lửa Taurus thì sao?“, đó là câu hỏi của phóng viên người Ukraine dành cho Thủ tướng Đức. Câu trả lời của ông vẫn mơ hồ trong tuyên bố báo chí cùng với Zelensky, nhưng ở những nơi khác, Merz đã tạo ra một giọng điệu chưa từng thấy trước đây giữa Berlin và Kyiv.
Khi Điện Kremlin tỏ ra giận dữ, điều đó có nghĩa là ai đó vừa làm đúng điều gì đó. Thỏa thuận giữa Friedrich Merz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy về việc hợp tác sản xuất vũ khí tầm xa tại Đức và Ukraine còn chưa tròn hai giờ đồng hồ thì Moscow đã lên tiếng chỉ trích, gọi đây là hành động “khiêu khích” và “vô trách nhiệm”. Dù vấp phải phản ứng gay gắt từ Nga, Thủ tướng Đức và Tổng thống Ukraine có thể coi đó là dấu kiểm đầu tiên cho dự án hợp tác quân sự đầy tham vọng của họ.
Việc những người lính Ukraine nơi tiền tuyến có phải tiếp tục gánh chịu thiệt thòi hay không vẫn là câu hỏi khó có lời đáp lúc này. Về mặt quân sự, việc hạn chế công bố thông tin chi tiết liên quan đến hỗ trợ vũ khí là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chính cách tiếp cận kín kẽ này lại khiến dư luận khó có cơ sở để đánh giá một cách toàn diện về chính sách của Đức đối với Ukraine.
Merz vẫn mơ hồ
Thủ tướng Friedrich Merz gọi đây là “bước đầu tiên” hướng tới hợp tác sản xuất vũ khí tầm xa giữa Đức và Ukraine. Tuy nhiên, bất kỳ ai ngay lập tức nghĩ đến tên lửa hành trình Taurus khi nghe đến cụm từ “vũ khí tầm xa” có lẽ đã đi chệch hướng.
Một phóng viên Ukraine không ngần ngại đặt câu hỏi trực diện: “Còn tên lửa Taurus thì sao? Khi còn ở phe đối lập, ông từng thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển giao loại vũ khí này. Chúng tôi, giới báo chí Ukraine tại Berlin thực sự nghĩ rằng đó chỉ còn là vấn đề thời gian.”
Tuy nhiên, câu trả lời của Merz tiếp tục giữ ở mức mơ hồ. Ông khẳng định Đức muốn sở hữu năng lực vũ khí tầm xa, nhưng không đi vào chi tiết: “Chúng tôi sẽ không công khai thảo luận cụ thể, nhưng chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác.”
Ngay sau cuộc họp báo tại Phủ Thủ tướng, Bộ Quốc phòng Liên bang Đức đã công bố thêm thông tin về dự án hợp tác vũ khí với Ukraine. “Một số lượng lớn vũ khí tầm xa có thể được sản xuất ngay trong năm nay,” Bộ cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng “các hệ thống đầu tiên có thể được triển khai cho lực lượng vũ trang Ukraine chỉ trong vài tuần tới.” Một số trong đó, theo xác nhận, đã được đưa vào sử dụng thực tế trên chiến trường.
Tuy nhiên, tất cả những tuyên bố này dường như không liên quan đến tên lửa hành trình Taurus, loại vũ khí mà Ukraine đã nhiều lần kêu gọi được cung cấp. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh RTL Direkt, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết ông tin tưởng rằng Đức sẽ chuyển giao Taurus: “Chúng tôi đang làm việc theo hướng đó.” Nhưng phát biểu này nghe giống như một tiến trình đàm phán đang diễn ra, hơn là một cam kết chính thức đã được ký kết.
Với chính trị gia Roderich Kiesewetter, đây là một thực tế gây thất vọng. “Taurus hiện đã sẵn sàng và hoàn toàn có thể trở thành một công cụ chính trị,” chuyên gia quốc phòng của CDU nhận định. Theo ông, nếu binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa này, họ sẽ có thêm đòn bẩy đối phó với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Nếu Putin tiếp tục các cuộc oanh tạc, chúng ta sẽ cung cấp Taurus”, đó có thể là một thông điệp răn đe rõ ràng. Nhưng hiện tại, kịch bản ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Bất ngờ: Taurus hay Neptun?
Trên thực tế, thỏa thuận hợp tác vũ khí được đề cập trong cuộc gặp giữa Đức và Ukraine nhiều khả năng không liên quan đến tên lửa hành trình Taurus, mà có thể ám chỉ đến hệ thống Neptun, loại vũ khí do chính Ukraine phát triển và đã được triển khai trên chiến trường.
Hiện tại, phiên bản Neptun đang được sử dụng có thể bay tới 1.000 km trước khi khóa mục tiêu, và Ukraine được cho là đang nghiên cứu một biến thể mới với tầm bắn xa hơn đáng kể. Mặc dù vượt trội về tầm bắn so với Taurus của Đức, Neptun vẫn chưa đạt được sức công phá tương đương khi đánh trúng mục tiêu.
Tuy nhiên, vai trò thực tế của Neptun là không thể phủ nhận. Ba năm trước, loại tên lửa này được cho là đã góp phần đánh chìm soái hạm “Moskva” của Nga tại Biển Đen, một bước ngoặt mang tính biểu tượng trong cuộc chiến. Ukraine rõ ràng có năng lực kỹ thuật để phát triển các loại tên lửa hành trình hiện đại, thậm chí tiên tiến hơn nữa. Vấn đề còn lại chủ yếu nằm ở nguồn lực tài chính – đặc biệt là cho sản xuất hàng loạt.
Nếu được Đức hậu thuẫn, Ukraine có thể vận hành phiên bản cải tiến của tên lửa Neptune một cách có mục tiêu và với quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây để tấn công vào cơ sở hạ tầng chiến lược của Nga. Trong bối cảnh Nga vẫn liên tục tiến hành các đợt tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa hành trình và bom lượn, Ukraine hiện có một số lựa chọn để đối phó. Một là đánh chặn từng quả tên lửa riêng lẻ bằng hệ thống phòng không, một phương án đắt đỏ và thiếu tính bền vững. Phương án khác và hiệu quả hơn là nhắm vào các kho vũ khí và sân bay nơi chiến đấu cơ Nga mang theo vũ khí tầm xa xuất phát.
Nếu Berlin thực sự muốn tham gia sâu vào quá trình phát triển và sản xuất Neptune, việc dỡ bỏ giới hạn về tầm bắn, vốn là chủ đề tranh cãi trong suốt thời gian qua sẽ trở thành bước đi hợp lý. Cho đến nay, vẫn còn nhiều dấu hỏi xoay quanh lý do tại sao Thủ tướng Đức lại tuyên bố, một cách đầy quyết đoán, rằng sẽ không có bất kỳ giới hạn tầm bắn nào đối với các loại vũ khí Ukraine sử dụng nhằm vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Đức vẫn chưa chuyển giao bất kỳ hệ thống vũ khí tầm xa nào.
Nhưng rõ ràng, điều đó đang thay đổi. Và không chỉ điều đó còn nhiều yếu tố khác cũng đang dịch chuyển.
Đôi khi, một sự cố kỹ thuật lại đáng giá hơn cả nghìn lời nói. Khi Tổng thống Zelenskyy bắt đầu bài phát biểu ngắn sau tuyên bố của Thủ tướng Merz, không chỉ các nhà báo lúng túng đi tìm kênh dịch đúng trên thiết bị của mình, ngay cả Merz cũng không thể nghe rõ qua tai nghe. Thay vì ngắt lời, ông khẽ đặt tay lên cánh tay Zelenskyy và nói nhỏ: “Cho chúng tôi một giây, thiết bị dịch không hoạt động.”
Zelenskyy vui vẻ đáp lại: “Ồ, ông không có bản dịch à? Vẫn chưa sao? Vậy giờ phải làm sao đây?” Ông tiếp tục trò chuyện thoải mái với khán giả, trong khi Merz vẫn kiên nhẫn giữ tay trên cánh tay vị khách. “Công nghệ Đức,” Thủ tướng Merz bình luận một cách khô khan trước khi bắt tay Zelenskyy, rồi cùng bật cười vui vẻ.
Sự thân thiết và đồng cảm giữa Zelenskyy và Friedrich Merz được thể hiện rõ ràng trong cuộc gặp lần này, điều mà trong suốt ba năm qua, người Ukraine chưa từng thấy được từ cựu Thủ tướng Olaf Scholz. Đây là một dấu hiệu quan trọng, theo nhận định của chính người đàn ông Ukraine, mà khó có thể đánh giá đúng mức ý nghĩa của nó. Và rất có thể, chính sự gắn kết này sẽ góp phần giúp những người lính nơi tuyến đầu sớm ghi nhận một bước tiến thiết thực từ kết quả của ngày hôm nay.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.n-tv.de/politik/Eine-Technikpanne-sagt-mehr-als-1000-Worte-article25800266.html