Thứ Tư, Tháng 7 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không phải là quyền tự do tuyệt đối.



ĐNA -

Tự do báo chí, tự do ngôn luận là nền tảng cốt lõi của một xã hội dân chủ và văn minh. Luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi tổ chức, cá nhân trên báo chí và trên mạng xã hội nhưng cũng khẳng định, đó không phải là quyền tự do tuyệt đối. Việc thực hiện quyền này luôn phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, nhằm bảo đảm không xâm hại đến lợi ích chung của xã hội, của nhà nước và quyền lợi chính đáng của người dân. Khi ranh giới giữa “tự do” và “vô trách nhiệm” bị xóa nhòa, hậu quả để lại không chỉ là sự lệch lạc về thông tin, mà còn có thể là sự xói mòn niềm tin và trật tự xã hội.

Ở Việt Nam những năm qua, tự do báo chí, tự do ngôn luận được Nhà nước bảo đảm, thể hiện rõ trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng và, trong khi hưởng thụ các quyền tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền tự do của người khác, cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung.” Thực tiễn toàn cầu cũng cho thấy, không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore…, pháp luật đều có quy định chặt chẽ nhằm xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, gây phương hại đến lợi ích chung. Nói cách khác, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể tách rời khỏi bối cảnh chính trị, điều kiện xã hội, cũng như các chuẩn mực đạo đức và pháp lý đặc thù trong từng giai đoạn lịch sử.

Tại Việt Nam, những năm qua, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận luôn được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm, thể hiện rõ cả trong hệ thống pháp luật lẫn thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, lợi dụng chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí“, “nhân quyền“, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Chúng triệt để khai thác các nền tảng truyền thông, mạng xã hội để bóp méo sự thật, kích động dư luận, gây mất ổn định xã hội, từng bước chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tạp chí điện tử Đông Nam Á (Asean News) đã có bài viết “Cõi Nhớ” một ấn phẩm có âm mưu diễn biến hòa bình, phản ánh tác giả Hồ Đăng Định lợi dụng chính sách hòa hợp dân tộc, bóp méo lịch sử nhằm thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình

Cụ thể, về mặt thủ đoạn, các đối tượng chống phá thường xuyên lợi dụng chiêu bài “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” để xuyên tạc bản chất khái niệm, từ đó lôi kéo, kích động một bộ phận người làm báo đi chệch hướng, phục tùng mưu đồ chính trị của chúng. Chúng viện dẫn các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng cố tình bỏ qua các điều khoản ràng buộc, những giới hạn pháp lý cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Thông qua việc phát tán nội dung sai lệch trên Internet, mạng xã hội, chúng cố tình làm cho dư luận hiểu lầm rằng tự do báo chí là một quyền tuyệt đối, không chịu bất kỳ sự giới hạn nào.

Thậm chí, một số tổ chức quốc tế mang định kiến chính trị như “Phóng viên không biên giới” (RSF) còn đưa ra các đánh giá thiên lệch, thiếu khách quan, không có cơ sở pháp lý khi tự ý xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “ít có tự do báo chí”. Trên thực tế, nhiều cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật đã bị xử lý nghiêm minh. Các đối tượng như Phạm Dũng, Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh, Bích Thủy TV, Phan Mai Lợi, Lê Dũng Vova, Phan Bùi Bảo Thi… đã bị truy tố theo quy định pháp luật. Ngoài ra, những người như Lê Phương Dung (Hà Nội), Lê Hải (Đà Nẵng), Phương Ngô (TP.HCM)… cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính do có hành vi sai trái liên quan đến phát ngôn và truyền bá thông tin sai lệch.

Gần đây, Hồ Đăng Định, một sĩ quan chế độ cũ hiện đang định cư tại Mỹ đã về Việt Nam móc nối với Trần Đức Anh Sơn (đối tượng tại Đà Nẵng, từng bị khai trừ khỏi Đảng) để phối hợp với Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Văn hóa Cửu Đức và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản ấn phẩm có tên “Cõi Nhớ”. Dù chưa được cấp giấy phép phát hành theo quy định pháp luật, nhưng vào ngày 10/12/2022, Hồ Đăng Định vẫn tổ chức buổi ra mắt sách, ký tặng và bán công khai ấn phẩm này tại thành phố Huế. Hành vi này không chỉ vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành, mà còn đặt ra dấu hỏi về mục đích thực sự đằng sau việc phát hành cuốn sách nói trên.

Khi chưa được cấp giấy phép phát hành nhưng ngày 10/12/2022, Hồ Đăng Định đã ra mắt ký tặng và bán ấn phẩm này tại thành phố Huế là vi phạm pháp luật.

Ngày 13/12/2022, Tạp chí điện tử Đông Nam Á (Asean News) đã có bài viết “Cõi Nhớ” một ấn phẩm có âm mưu diễn biến hòa bình, trong đó phản ánh rõ việc tác giả Hồ Đăng Định đã lợi dụng chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc để bóp méo lịch sử, cổ súy tư tưởng sai lệch nhằm phục vụ mưu đồ “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Bức xúc trước sự việc phát hành trái phép ấn phẩm “Cõi Nhớ”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Họ bất chấp tất cả, cố đổi trắng thay đen, thực chất là tấn công vào chế độ. Ta phải đấu tranh vạch mặt sự lật sử này!”.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, ấn phẩm “Cõi Nhớ” có dấu hiệu nhạy cảm về chính trị, tư tưởng. Hiện các cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ phát hành và yêu cầu tổ chức thẩm định nội dung để làm cơ sở xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để xuyên tạc chính sách của Việt Nam, cố tình bỏ qua thực tế rằng: đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Quyền này không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật, mà còn được triển khai cụ thể, thiết thực trong đời sống chính trị – xã hội. Nhà nước Việt Nam trong nhiều năm qua luôn nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện đầy đủ các quyền công dân, bao gồm cả quyền tự do báo chí.

Cụ thể, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Tương tự, Điều 11 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cũng nêu rõ: công dân có quyền “phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân.”

Thế nhưng, không có quốc gia nào trên thế giới lại cho phép các cá nhân lợi dụng danh nghĩa “tự do báo chí” hay “nhân quyền” để xuyên tạc, chống phá chế độ, đe dọa đến chủ quyền và an ninh quốc gia. Tại Việt Nam, năm 2021, có 43 đối tượng bị xử lý do lợi dụng danh nghĩa làm báo để vi phạm pháp luật. Những người này không bị bắt vì hành nghề báo chí, mà vì đã sử dụng truyền thông để tung tin giả, tin xấu độc, kích động tư tưởng thù địch, xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Việc xử lý họ không những đúng pháp luật, mà còn là cách bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin đúng đắn, khách quan của đại đa số công dân.

Chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng và phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thông qua nhiều kênh tham vấn công khai như lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, chính sách trên báo chí, truyền hình và cổng thông tin điện tử.

Ngày 11/8/2022, Tạp chí điện tử Đông Nam Á (ASEAN News) đã đăng tải bài viết “Kiểm soát tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng“, trong đó nhấn mạnh: trên không gian mạng hiện nay, bên cạnh các đối tượng hình sự lợi dụng để lừa đảo, còn xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm phản động đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân, đe dọa trực tiếp đến nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Kiểm soát tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Do đó, việc kiểm soát tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết. Đây là công việc đã được Đảng ta tiến hành ngay từ những ngày đầu thành lập và tiếp tục kiên định thực hiện suốt hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, giữ vững Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân luôn được Hiến pháp và pháp luật bảo đảm. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền đó phải trong khuôn khổ pháp luật, không ai được phép lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Nói cách khác, quyền tự do ở Việt Nam là tự do có trách nhiệm, tự do trong giới hạn luật pháp, chứ không phải là thứ tự do tuyệt đối, vô giới hạn như cách các thế lực thù địch cố tình ngụy biện.

Việt Nam không cấm tự do báo chí, tự do ngôn luận; ngược lại, luôn tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, thông qua nhiều hình thức công khai, minh bạch. Điều Việt Nam kiên quyết đấu tranh và xử lý là hành vi lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cản trở sự phát triển của đất nước.

Những luận điệu rêu rao rằng Việt Nam “không có tự do báo chí”, “kiểm soát, bóp nghẹt tự do Internet”… thực chất là sự xuyên tạc trắng trợn, thể hiện rõ âm mưu chính trị thâm độc của các thế lực phản động nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Những hành vi đó cần phải được vạch trần và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 5/1/2021, Phạm Chí Dũng, Chủ tịch hội nhà báo độc lập (tự phong) bị Tòa án thành phố Hồ Chí Minh phạt 15 năm tù vì vi phạm điều 117 Bộ luật hình sự.

Trong lịch sử, khẩu hiệu “tự do báo chí, tự do ngôn luận” từng được giai cấp tư sản nêu ra như một chiêu bài nhằm tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến và giới tăng lữ thống trị. Tuy nhiên, khi đã giành được chính quyền và thiết lập bộ máy cai trị của mình, chính giai cấp tư sản lại quay lưng với khẩu hiệu ấy. Tự do báo chí, tự do ngôn luận bị bóp méo, phản bội, thậm chí bị vứt bỏ khi nó không còn phục vụ cho lợi ích giai cấp cầm quyền.

Chủ tịch V.I. Lenin từng chỉ rõ bản chất của tự do báo chí trong xã hội tư sản: “Trong xã hội tư sản, tự do báo chí tức là tự do cho bọn giàu có dùng mỗi ngày hàng triệu bản báo chí để lừa bịp, làm đồi trụy và phỉnh phờ một cách có hệ thống và không ngừng đối với những quần chúng nhân dân bị bóc lột, bị áp bức, những người nghèo khổ.” Như vậy, dưới chế độ tư bản, tự do báo chí thực chất là tự do cho tầng lớp tư sản thao túng dư luận, mua chuộc cơ quan báo chí, nhà báo, chi “tài chính đen” để hình thành các lực lượng “chém mướn, đâm thuê” về mặt thông tin, phục vụ lợi ích nhóm và các thế lực chi phối phía sau.

Không dừng lại ở đó, giai cấp tư sản còn ban hành hàng loạt luật lệ cùng các thủ đoạn tinh vi nhằm kiểm soát, định hướng hoặc bóp nghẹt những tiếng nói trái chiều, phơi bày bản chất thật của cái gọi là “tự do báo chí” trong xã hội tư bản.

Thực tế ngày nay cho thấy, những biểu hiện đó không chỉ còn trong quá khứ mà vẫn rơi rớt, tồn tại trong một bộ phận báo chí chịu ảnh hưởng của tư duy thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, núp bóng tự do ngôn luận để phục vụ các mục đích không trong sáng. Đáng lo ngại hơn, một số hiện tượng này thậm chí len lỏi cả vào trong môi trường báo chí cách mạng, làm tổn hại hình ảnh và sứ mệnh của nền báo chí chân chính, nền báo chí vì dân, vì nước.

Ngày 14/12/2021, Bị cáo Phạm Đoan Trang bị Tòa án thành phố Hà Nội xử phạt 9 năm tù giam do vi phạm Khoản 1, Điều 88, Bộ luật hình sự.

Nền báo chí do giai cấp vô sản xây dựng và phát triển trong suốt quá trình cách mạng luôn mang đậm tính cách mạng, trung thực và tiến bộ. Khác với báo chí tư sản phục vụ lợi ích của thiểu số, báo chí cách mạng ra đời để phục vụ lợi ích của giai cấp Công nhân, Nhân dân lao động và sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.” Từ bản chất giai cấp đó, báo chí cách mạng không chỉ có tính quần chúng mà còn phải mang tính Đảng rõ ràng, nhất quán. Tính Đảng thể hiện không đơn thuần ở vai trò tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng mà sâu sắc hơn, chính là ở việc bảo vệ sự trong sáng của hệ tư tưởng, bảo vệ Đảng, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, đồng thời cổ vũ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tích cực trong xã hội.

Báo chí cách mạng do Đảng, đội tiên phong của giai cấp vô sản lãnh đạo luôn giữ vai trò tiên phong trong việc hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Báo chí trở thành diễn đàn trung thực, khách quan và nhân văn của Đảng và quần chúng đi theo Đảng; là tiếng nói bênh vực người lao động, cổ vũ tiến bộ, thúc đẩy công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Tổng hòa giữa tính Đảng và các chức năng giáo dục, định hướng giá trị, tuyên truyền, cổ động, tổ chức, báo chí cách mạng không chỉ phản ánh thực tiễn mà còn dẫn dắt tư tưởng, hành động, góp phần hình thành phẩm chất, nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa – những con người luôn sẵn sàng phấn đấu vì những mục tiêu cao cả: độc lập dân tộc, hạnh phúc Nhân dân, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Thủ tướng chúc mừng các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh TTXVN

Vì vậy, hoạt động báo chí ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều thử thách và áp lực. Hơn lúc nào hết, người làm báo cần nâng cao ý thức về tính Đảng của báo chí cách mạng, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh của người cầm bút, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhân dân. Trong bối cảnh đó, tính Đảng đòi hỏi báo chí phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi tư tưởng, luận điệu thù địch, những quan điểm đi ngược lại lợi ích của giai cấp vô sản và Nhân dân lao động; đồng thời không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Qua đó, tư tưởng, lý luận, đường lối và chủ trương của Đảng được truyền tải qua báo chí trở thành sức mạnh vật chất tích cực, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh người đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại từng khẳng định: “Tự do tư tưởng – Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của con người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tức là phục tùng chân lý.”

Như vậy, cả về lý luận, thực tiễn và pháp lý đều khẳng định rằng, tự do báo chí không phải là quyền tự do tuyệt đối mà là sự thực hành chân lý trong khuôn khổ pháp luật. Tự do báo chí phải luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, nghĩa là quyền được bày tỏ, truyền tải thông tin phải tuân thủ những quy định nhằm bảo vệ lợi ích chung của đất nước, của xã hội và của mỗi công dân. Việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí chính là tôn trọng sự thật, bảo vệ lẽ phải và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo.

Đồng thời, tự do báo chí phải được điều tiết hợp lý nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tự do để xuyên tạc, kích động, phá hoại, gây tổn hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân. Đây chính là cơ sở pháp lý và thực tiễn để xây dựng một nền báo chí cách mạng trung thực, nhân văn và hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Thế Nguyễn