Thứ Năm, Tháng 7 3, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỷ niệm 57 năm ngày thành lập tiểu đoàn 16 SMPK12,7mm, Sư đoàn 324, Quân khu 4 (28/6/1968 – 28/6/2025)

Bài viết tặng Đại ta, nhà báo, Anh hùng LLVTND Đặng Thọ Truật.

ĐNA -

Trước yêu cầu cấp bách của chiến trường miền Nam sau khi đế quốc Mỹ chuyển từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh” và ngừng ném bom phá hoại miền Bắc năm 1968, Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo thành lập Tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7mm, mang phiên hiệu Tiểu đoàn 70 Nghệ An. Ngày 28/6/1968, Tiểu đoàn chính thức ra đời tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, gồm 4 đại đội và tiểu đoàn bộ, với lực lượng 750 cán bộ, chiến sĩ và trang bị 36 khẩu súng máy 12,7mm, sẵn sàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Kỷ niệm 57 năm ngày thành lập tiểu đoàn 16 SMPK12,7mm, Sư đoàn 324, Quân khu 4 (28/6/1968 – 28/6/2025).

Ngay sau khi thành lập, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 70 Nghệ An đã tập trung tổ chức huấn luyện bộ đội theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, phù hợp với các hình thức chiến đấu và yêu cầu thực tiễn. Việc huấn luyện được triển khai tỉ mỉ, bài bản, kết hợp giữa tại chỗ và dã ngoại nhằm nâng cao sức cơ động cho lực lượng. Tiểu đoàn còn tổ chức các đợt hội thao để phát huy điểm mạnh, kịp thời khắc phục hạn chế, yếu kém. Sau 4 tháng rèn luyện nghiêm túc, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đã vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, làm chủ vũ khí trang bị, đặc biệt là sử dụng thành thạo súng máy cao xạ 12,7mm, đạt trình độ chiến thuật khá.

Ngày 10/2/1969, tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Tiểu đoàn 70 Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ xuất quân lên đường vào chiến trường miền Nam. Đến ngày 25/2/1969, tại xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Tiểu đoàn chính thức mang phiên hiệu Tiểu đoàn 16, trực thuộc Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên – Huế (nay là Sư đoàn 324, Quân khu 4). Trong chiến đấu, Tiểu đoàn còn được gọi với mật danh “Tiểu đoàn 54” – viết tắt là “K54”.

Suốt 7 năm trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 324, thuộc Quân khu Trị Thiên – Huế và sau này là Quân đoàn 2, Tiểu đoàn 16 đã kiên cường sát cánh cùng các đơn vị bạn chiến đấu với các lực lượng tinh nhuệ của địch như sư đoàn trực thăng vận, sư đoàn dù, sư đoàn 1 của Mỹ và ngụy. Tiểu đoàn đã lập nhiều chiến công vang dội trong các chiến dịch lớn: Tam Tanh, Cocava (Nam Lào, 1969); căn cứ Abia (1969); Dốc Mây, Cứ điểm 935, căn cứ Coóc Bai – Cô Punh (1970); Lam Sơn 719 (1971); giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972); Đường 12 Tây Nam Huế, chiến dịch K18 (1974); tiến tới giải phóng Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và góp phần vào thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.

Đại tá, nhà báo Đặng Thọ Truật, nguyên xạ thủ số 1 (Đại đội 3), với trận đánh nổi tiếng tại căn cứ Coóc Bai – Cô Punh (1970), cùng khẩu đội bắn rơi 29 máy bay địch, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” ngày 10/8/2015.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn 16 đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đơn vị đã tham gia tổng cộng 680 trận đánh, bắn rơi 190 máy bay các loại của Mỹ và ngụy, trong đó có 1 máy bay AC-130 và 10 máy bay phản lực; tiêu diệt 30 lính Mỹ, 373 lính ngụy. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, Tiểu đoàn còn đảm nhận vận chuyển 420 tấn lương thực, vũ khí, 660 lượt cáng thương binh và đào phá, mở mới 79km đường quân sự phục vụ chiến trường.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 20/12/1973, Tiểu đoàn 16 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Trước đó, ngày 20/12/1972, Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn được tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đặc biệt, Đại tá, nhà báo Đặng Thọ Truật, nguyên xạ thủ số 1 (Đại đội 3), với trận đánh nổi tiếng tại căn cứ Coóc Bai – Cô Punh (1970), cùng khẩu đội bắn rơi 29 máy bay địch, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” ngày 10/8/2015.

Tiểu đoàn 16 còn được Đảng, Nhà nước trao tặng Cờ “Đơn vị Anh dũng diệt Mỹ – ngụy”; được tặng thưởng 3 Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba, 5 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, 4 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì và 33 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba – là minh chứng cho những đóng góp to lớn và chiến công oanh liệt của đơn vị trong suốt chặng đường kháng chiến đầy gian khổ nhưng hết sức vẻ vang.

Sau ngày đất nước thống nhất, Tiểu đoàn 16 tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, tham gia nhiệm vụ quân quản và xây dựng chính quyền cách mạng tại vùng giải phóng. Trong đội hình Trung đoàn 78, Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Tiểu đoàn được phân công đảm nhiệm địa bàn huyện Ninh Phước, tỉnh Thuận Hải (nay là Ninh Thuận), phối hợp truy quét tàn binh, phản động, đồng thời hỗ trợ Nhân dân ổn định cuộc sống.

Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 16 đã không ngại gian khó, sâu sát cơ sở, “bám dân, bám làng”, cùng nhân dân phát rẫy, dựng nhà, khơi giếng, phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống mới. Các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai đến từng hộ dân, từng xóm làng. Cán bộ, chiến sĩ còn tổ chức sinh hoạt, vui chơi, học tập cho thanh thiếu niên, góp phần lan tỏa tinh thần cách mạng và xây dựng môi trường sống lành mạnh, tiến bộ.

Bằng chính hành động cụ thể, thiết thực, bộ đội Tiểu đoàn 16 đã chiếm trọn niềm tin yêu của Nhân dân, góp phần hình thành những nhân tố mới, con người mới, làm nòng cốt trong các phong trào địa phương, xây dựng tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang vững mạnh tại cơ sở.

Ngày 17/12/1977, trong đội hình Trung đoàn 78 pháo binh, Sư đoàn 324, Tiểu đoàn 16 hành quân sang nước bạn Lào, thực hiện nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp bảo vệ tỉnh Viêng Chăn trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực diễn biến phức tạp. Suốt 10 năm chiến đấu và công tác trên đất bạn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã lập nhiều chiến công xuất sắc, phối hợp cùng lực lượng vũ trang Lào đập tan âm mưu chống phá của các thế lực phản động, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh xã hội và giúp bạn xây dựng, phát triển đất nước.

Những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của Tiểu đoàn 16 trên đất nước Triệu Voi không chỉ thể hiện tinh thần quốc tế cao cả mà còn góp phần làm sáng ngời mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân Việt Nam – Lào.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang trên đất bạn Lào, ngày 10/11/1987, Tiểu đoàn 16 trở về nước, đóng quân tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, sau đó chuyển về đứng chân tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) không ngừng nỗ lực xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đoàn kết, kỷ luật, hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền, Tiểu đoàn vinh dự được Bộ Quốc phòng, Quân khu tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, ghi nhận những đóng góp bền bỉ và tinh thần trách nhiệm cao của tập thể đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hòa bình.

Phát huy truyền thống 57 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 16 hôm nay luôn khắc ghi công lao, giữ gìn và tiếp nối xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh. Với tinh thần đoàn kết, kỷ luật, trách nhiệm cao, toàn Tiểu đoàn không ngừng đẩy mạnh huấn luyện giỏi, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật nghiêm, thực hiện tốt phong trào thi đua quyết thắng, quyết tâm xây dựng Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Tiểu đoàn 16 tiếp tục giữ vững danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của Sư đoàn 324, Quân khu 4. Mãi mãi xứng đáng với 12 chữ vàng truyền thống: “Kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo, anh dũng, chiến thắng”, biểu tượng sáng ngời của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đại tá, Nhà báo, AHLLVT Đặng Thọ Truật : Cầm súng và Cầm bút

Thế Nguyễn