Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cán bộ mặt trận giữ vai trò quan trọng trong hòa giải cơ sở và truyền thông chuyển đổi số



ĐNA -

Thực hiện chương trình công tác, kế hoạch phối hợp giữa UBND và Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận Hải Châu năm 2023; ngày 25/4/2023, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Phòng Tư pháp – Phòng Văn hóa và Thông tin Quận Hải Châu đã tổ chức tập huấn chuyên đề cho 400 cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận, Trưởng/Phó Ban công tác Mặt trận ở Khu dân cư, Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân, … các phường trên địa bàn. Nội dung tập huấn có 3 chuyên đề: Công tác hòa giải cơ sở; Phòng chống tham nhũng và chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Bà Trần Thị Thúy Hà – Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận Hải Châu phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Quyết liệt phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực: Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ
Báo cáo với hội nghị, ông Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng – nhấn mạnh: Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, được phát hiện, điều tra làm rõ , khi công bố minh bạch đã được dư luận xã hội đặc  biệt quan tâm. Điển hình như chuyên án đấu tranh tham nhũng, nhận hối lộ liên quan đến nhiệm vụ đón, đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch trở nước an toàn (được gọi là đại án Chuyến bay giải cứu).

Trong vụ việc này , người dân kinh hoàng và kinh tởm trước thủ đoạn bằng mọi cách “ăn tiền, moi tiền” của người lao động, du học sinh Việt Nam, làm việc, học tập ở nước ngoài, do hoàn cảnh đại dịch Covid-19 phải tìm cách về nước. Các chuyến bay giải cứu nhân đạo, bảo hộ công dân trong hoàn cảnh ngặt nghèo, trở thành cơ hội, miếng ăn béo bở, cơ hội tham nhũng cho những kẻ cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm. Số lần nhận hối lộ của các đối tượng có liên quan khiến dư luận bàng hoàng.

Có người vài lần, vài chục lần, có người hàng trăm lần (Bị can Nguyễn Tiến Thân, nguyên Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, từ tháng 11-2020 đến tháng 4-2021, đã nhận hối lộ 8 lần số tiền 3,6 tỉ đồng; Bị can Phạm Trung Kiên, nguyên thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, từ tháng 9-2020 đến tháng 1-2022 đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số 42,6 tỉ đồng).

Trước hoàn cảnh của những người phải bỏ ra số tiền lớn để về lại quê nhà Việt Nam; trước bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều hoạt động, nhiều lĩnh vực phải tạm dừng, sản xuất đình trệ, đời sống nhân dân rất khó khăn khi phải giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt, … tệ tham nhũng từ các chuyến bay giải cứu nhân đạo, khiến người  dân, dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ gay gắt.

Ông Dương Đình Liễu cũng khẳng định quyết sách, chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội và Chính phủ là hoàn toàn không có vùng cấm. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có phát biểu dứt khoát, phải  “Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. …Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”.

Ông Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng trình bày 2 chuyên đề Công tác hòa giải cơ sở; Phòng chống tham nhũng.

Xây dựng cộng đồng nhân ái, hướng đến những giá trị chân thiện mỹ
Cũng tại hội nghị, chuyên đề “Công tác hòa giải cơ sở” được Báo cáo viên Dương Đình Liễu truyền đạt đến các đại biểu với nhiều tình huống, câu chuyện từ thực tế, sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (Luật số 35/2013/QH13) và 3 năm thực hiện Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án (Luật số: 58/2020/QH14).

“Nhà nước chủ trương khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác. Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ, và khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật này làm Hòa giải viên và tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nguyên tắc chung  là tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải. Đây là chủ trương và các nguyên tắc rất nhất quán, bảo đảm hòa giải, đối thoại phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, với đạo đức xã hội, cũng như phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư”, ông Liễu phân tích.

Được biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giữ vai trò nòng cốt của trong công tác hòa giải ở cơ sở. Cả nước, hiện có 100.000 Tổ Hòa giải với 600.000 hòa giải viên đang hoạt động. Đã có 900.000 vụ việc được đưa ra hòa giải với hơn 700.000 vụ việc hòa giải thành, hóa giải hay chấm dứt các xung đột trong cộng đồng, trong khu dân cư, không để xảy ra tình tiết phức tạp, dẫn đến xử lý hình sự. Ngân sách Nhà nước cũng đã chi 40 tỷ đồng cho công tác hòa giải.

Tại Đà Nẵng trong 5 năm qua, tổ chức Phụ nữ các cấp đã hòa giải thành 932/1.122 vụ việc; bên cạnh đó, các cấp Hội Cựu Chiến binh, Nông dân, Liên đoàn lao động, … cũng giải quyết thành công, thấu tình đạt lý, chỉ rõ ai đúng, ai sai, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp, cũng xác định nghĩa vụ trách nhiệm của các bên, cũng như của người có liên quan trong vụ việc, đạt được những thỏa thuận tốt đẹp, duy trì tình nghĩa trong quan hệ giữa các bên.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác hòa giải đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận, Trưởng/Phó Ban công tác Mặt trận ở Khu dân cư , ông Liễu nhấn mạnh đến “chỉ có tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc quy định của pháp luật, tìm hiểu tường tận sự việc, công tâm trong nhận định đúng/sai, có lòng nhân ái và một trái tim đôn hậu mới có thể hòa giải thành công, xoa dịu những căng thẳng, thuyết phục các bên liên quan hướng đến những điều chân thiện mỹ, mà gác lại những bất đồng, thậm chí là xung đột gay gắt. Cán bộ làm hòa giải phải có khả năng giao tiếp ứng xử khéo, biết kiềm chế cảm xúc (kể cả khi bị bên sai có lời ăn tiếng nói khiếm nhã, xúc phạm, đe dọa), biết chọn thời điểm, địa điểm, hoàn cảnh và môi trường để hòa giải, thì nhất định sẽ hòa giải thành công”.

Ông Liễu cũng chia sẻ thêm: Cũng có những vấn đề vượt khỏi tầm hòa giải, dẫn đến tình huống rất phức tạp, vụ việc lại kéo dài. Có trường hợp hộ dân trong diện thu hồi đất, mặc dầu, chính quyền đã vận dụng hết các chính sách hiện hành, bảo đảm nơi tái định cư, bảo đảm cuộc sống người dân trong diện thu hồi đất không bị xáo trộn, lại tốt hơn, so với trước. Song, hộ dân vẫn tiếp tục đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi vượt quá khung quy định (đền bù, hỗ trợ) mà pháp luật cho phép. Dù đã hòa giải, giải thích, thuyết phục nhiều lần, cũng bất thành, nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện, vô cùng phức tạp. Nhưng ngược lại, cũng có trường hợp cán bộ làm công tác (đền bù, hỗ trợ) vận dụng quá máy móc, cứng nhắc các nguyên tắc, quy định, khiến hộ dân trong diện thu hồi đất bức xúc. Vấn đề này sau đó được giải quyết khi cán bộ mặt trận ở khu dân cư chỉ ra phương pháp giải quyết thấu tình đạt lý: tạo điều kiện cho người dân hoàn thiện vài thủ tục, cấp đủ, đúng đất tái định cư cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Phương Thi – Chuyên viên tiếp nhận và giải đáp thông tin – Trung tâm Thông tin và giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng, trao đổi chuyên đề Chuyển đổi số.

Công dân số góp phần chuyển đổi số thành công
Chia sẻ cùng 400 đại biểu tham dự hội nghị (sáng và chiều 25/4/2023), chị Nguyễn Thị Phương Thi – Chuyên viên tiếp nhận và giải đáp thông tin – Trung tâm Thông tin và giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng, cho biết, đến nay, thành phố Đà Nẵng nằm trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Các mục tiêu tổng quát trong chuyển đổi số của thành phố đều hướng đến “Phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số. Phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới”.

Trong những thành tựu bước đầu về chuyển đổi số của thành phố, đã có nhiều sản phẩm , tiện ích, ứng dụng hướng đến phục vụ người dân, cộng đồng, nâng cao chất lượng sống.

Ứng dụng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang SmartCity (phiên bản mới), cung cấp các tiện ích, dịch vụ gồm giá đất, thông tin xe vi phạm giao thông, tìm kiếm các bãi đỗ xe và các tuyến đường cấm đỗ xe, tích hợp cả theo dõi lượng mưa theo thời gian thực… Người dân cũng có thể đăng ký nhận giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (trực tuyến); thông tin các tuyến xe buýt công cộng, tra cứu thông tin các cơ sở tiêm chủng… hay tra cứu và thanh toán tiền điện, tiền nước, phí vệ sinh môi trường…

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, ngoài tiện ích tra cứu thông tin cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (trên Danang SmartCity, phiên bản mới), cộng đồng còn có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi (cũng là ứng dụng mới). Ứng dụng này cung cấp thông tin về sản phẩm mà các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm chịu trách nhiệm đăng tải, nhằm bảo đảm uy tín thương hiệu trước người tiêu dùng.

Hai ứng dụng mới nữa là Cổng thông tin quy hoạch kiến trúc thành phố Đà Nẵng, cho phép tra cứu quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (với dữ liệu có hơn 1.600 đồ án quy hoạch chi tiết; 7 đồ án quy hoạch phân khu; 1 đồ án quy hoạch chung); giấy phép xây dựng có thể tra cứu ngay tại Cổng. Với nhu cầu tra cứu thông tin thửa đất, thông tin giá đất; hay tra cứu thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư, người dân và doanh nghiệp, tổ chức chỉ cần đăng nhập vào Cổng thông tin đất đai Đà Nẵng.

Đặc biệt, nền tảng Công dân số Đà Nẵng – MyPortal (mới) là nơi cung cấp mã định danh cá nhân (với mã QR thống nhất theo tiêu chuẩn mã định danh cá nhân của Bộ TT&TT). MyPortal này ứng dung công nghệ OCR để đọc rút trích thông tin CMND, CCCD (dữ liệu tích hợp đến nay bao gồm hơn 1 triệu người dân trên địa bàn thành phố). Nền tảng này cung cấp tính năng đăng nhập một lần (SSO) sau đó, các giao dịch của công dân (qua tài khoản công dân) được kế thừa, chia sẻ dữ liệu với tất cả ứng dụng nền tảng như Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một của điện tử, kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở… Hệ thống cung cấp 25 tiện ích, dịch vụ thông qua tích hợp với các hệ thống thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích như điện lực, cấp nước, trường học, bệnh viện…

Trong khi đó, Cổng dịch vụ dữ liệu  (https://congdulieu.vn/ hoặc https://opendata.danang.gov.vn), cho phép người dân, doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác các dữ liệu mở thông qua việc tra cứu trực tiếp trên Cổng hoặc thông qua các ứng dụng nhắn tin (SMS, Zalo). Cho phép tổ chức, doanh nghiệp khởi tạo, chia sẻ các dịch vụ dữ liệu thông qua Cổng để cung cấp dịch vụ, chia sẻ dữ liệu cho cá nhân, tổ chức khác. Doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp có thể khai thác, sử dụng dữ liệu mở để phân tích số liệu, tìm hiểu các dịch vụ liên quan, nghiên cứu thị trường để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cổng dịch vụ này cung cấp dữ liệu mở ở 15 lĩnh vực với  600 tập dữ liệu.

Ngoài ra, đến nay, phân hệ cung cấp dịch vụ trực tuyến ngoài thủ tục hành chính (thủ tục ngoài một cửa) trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố (mới), cũng bắt đầu triển khai các dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến. Bao gồm: tích hợp Cổng thanh toán trực tuyến; biên lai/hóa đơn điện tử; chữ ký số; tích hợp đại lý dịch vụ công trực tuyến của VNPOST; tra cứu tình hình xử lý hồ sơ (SMS, email, Zalo, Call Center 1022,…); đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp…, hoặc khai thác và sử đụng dữ liệu số thay thế thành phần hồ sơ  (ứng dụng mới nhất trên phân hệ).

Bài viết quan tâm: Vai trò của công tác dân vận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

T.Ngọc