Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chuyển đổi số tại địa bàn trung tâm Đà Nẵng: “Tóc bạc – Đầu xanh” cùng đồng hành

ĐNA -
(Đà Nẵng). Những thành quả chuyển đổi số trên địa bàn quận Hải Châu, trân trọng đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ Bí thư chi bộ khu dân cư; cán bộ Ban Điều hành Tổ Dân phố, Mặt trận cơ sở, các Bí thư Chi bộ; Chi hội trưởng và thành viên các Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh. Sát cánh cùng những mái đầu đã điểm sương, “muối nhiều hơn tiêu” hay đã bạc trắng, là  lực lượng đoàn viên, sinh viên, tình nguyện viên tham gia truyền thông, vận động, cũng như hướng dẫn nhân dân thực hành chuyển đổi số.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai đề án 06 tham gia tập huấn. Ảnh: Mai Quang Hiển –Phòng VHTT Quận Hải Châu.
Buổi đầu thực hiện chuyển đổi số, Quận Hải Châu đã thành lập 521 Tổ công nghệ số cộng đồng (ở 13 phường) với 2.869 thành viên (theo Quyết định số 2870/QĐ-UBND của UBND thành phố). Năm 2023 đến nay, UBND 13 phường đã sáp nhập Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai đề án 06 (theo chỉ đạo của UBND thành phố tại công văn số 6436/UBND-KT ngày 21/11/2023). Toàn Quận hiện có 517 Tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06 với tổng cộng hơn 3.600 thành viên.
“Lãnh đạo UBND quận, cá nhân tôi, xin ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp to lớn của các lực lượng, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06 trong công cuộc chuyển đổi số của Quận.
Trong các tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06, các bác Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ khu dân cư đến các bạn đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Suốt thời gian qua, các lực lượng này đã nhiệt tình, trách nhiệm đồng hành cùng chính quyền trong toàn bộ các hoạt động chuyển đổi số của địa phương.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 đã tích cực thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến với nhân dân; trực tiếp truyền thông, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần trực tiếp vào các kết quả tích cực mà Quận cũng như toàn thành phố đạt được những năm qua.
Phó Chủ tịch UBND Quận, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số quận Hải Châu, bà Phan Thị Thắng Lợi trao đổi với lực lượng Công an phường Hòa Thuận Tây (về hỗ trợ công dân sử dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử) tại Ngày hội chuyển đổi của Phương năm 2024. Ảnh: Mai Quang Hiển –Phòng VHTT Quận Hải Châu.
Thời gian tới, Quận vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên; đồng thời sẽ theo dõi và chỉ đạo UBND 13 phường, các phòng ngành liên quan triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 đã được HĐND thành phố thông qua”, Phó Chủ tịch UBND Quận, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số quận Hải Châu, bà Phan Thị Thắng Lợi, chia sẻ.
“Công tác Chuyển dối số trên địa bàn Phường chúng tôi có đi đến thành công hay không , thì cũng nhờ vào sự hỗ trợ các lực lượng nòng cốt này. Bản thân là người trực tiếp chỉ đạo, đồng hành cùng các hoạt động chuyển đổi số qua nhiều năm nay, với chính tôi, lực lượng nòng cốt tại khu dân cư, tổ dân phố là các cô chú mặc dù lớn tuổi nhưng vì nhiệm vụ địa phương giao, cũng đã cố gắng nỗ lực rất nhiều để hoàn thành chức trách”, ông Võ Duy Lâm – Chủ tịch UBND phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nhấn mạnh.
Nếu có dịp đến UBND Phường Thanh Bình, điều nhiều người rất ngạc nhiên, đó là có những cô những chú đã cao tuổi, vẫn kiên trì nghe cán bộ công nghệ thông tin hay chuyển đổi số của Phường hỗ trợ hướng dẫn, tập thao tác trên điện thoại thông minh. Nếu vẫn chưa thành thạo, hoặc đã làm qua, nhưng vẫn thấy khó ghi nhớ, thì lấy sổ tay viết ra từng bước. Rồi cố gắng làm cho đến khi “nhuần nhuyễn thao tác”
Công dân đến giao dịch hành chính được hướng dẫn đăng ký tài khoản điện tử và nộp hồ sơ trực tuyến. Trong ảnh từ trái sang: ông Võ Duy Lâm – Chủ tịch UBND Phường; chị Phạm Thị Ngọ, công chức văn phòng – thống kê phường Thanh Bình đang hỗ trợ công dân thao tác. Ảnh: T.Ngọc.
Đó là những cô chú trong Ban cán sự các Tổ Dân phố, Chi bộ, Hội Phụ nữ rất tâm huyết với nhiệm vụ hướng dẫn người dân, hội viên thực hành chuyển đổi số. Được biết, các cô chú cũng đã mày mò tự thực hiện tại nhà, cho đến khi không làm được, mới trực tiếp lên Ủy ban Phường để được hỗ trợ. Cần nói thêm rằng, cán bộ chủ chốt của Ban Điều hành tại khu dân cư (Tổ trưởng, Chi hội trưởng các chi hội đoàn thể), phần lớn là người lớn tuổi, các cô , chú lại còn đảm nhận nhiều công việc khác, nay thêm công việc hướng dẫn người dân chuyển đổi số, quả là một áp lực lớn.
Một hình ảnh đẹp là đồng hành cùng các cô chú trong Ban cán sự các Tổ Dân phố, Chi bộ, Hội Phụ nữ đã hết mình sát cánh cùng trách nhiệm chuyển đổi số tại địa phương; đó là tâm huyết sức trẻ của lực lượng đoàn viên, sinh viên, tình nguyện viên. Luân phiên vào các ngày trong tuần, Đội thanh niên tình nguyện phân công ít nhất 3 đoàn viên “trực chiến” tại bộ phận 1 cửa, sẵn sàng hỗ trợ hướng dẫn bà con nhân dân cách thao tác nộp hồ sơ trực tuyến qua dịch vụ công. Sức già sức trẻ, cộng hưởng chung bầu nhiệt huyết trách nhiệm, không để ai “tụt lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số toàn xã hội.
“Tôi cho rằng, cuộc đồng hành giữa hai thế hệ trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số có ý nghĩa rất đặc biệt.
Tại phường Phước Ninh chúng tôi, các Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06 tại khu dân cư, đa phần là những người đã lớn tuổi, việc tiếp xúc các thiết bị số, ứng dụng công nghệ mới rất hạn chế.
Nhưng khi nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của lực lượng đoàn viên, sinh viên, tình nguyện viên, công tác truyền thông và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, tiện ích về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, định danh điện tử, thì trọng trách hướng dẫn người dân của các cô chú luôn bắt nhịp đúng lúc. Dù chưa phải như mong đợi, khâu tuyên truyền vận động người dân áp dụng công nghệ số vào cuộc sống, cũng đã có kết quả ban đầu, đó là nền tảng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn.
Với lực lượng đoàn viên, sinh viên, tình nguyện viên, nhờ ưu thế là lực lượng trẻ, có khả năng tiếp cận nhanh các tiện ích mới, thông qua thiết bị công nghệ, môi trường mạng, các bạn cũng đã tham mưu đề xuất các giải pháp, giúp thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh các bạn, có các chú, các bác, các cô lặn lội, đi từng nhà “khép kín” yêu cầu lan tỏa chuyển dổi số ngay tại khu dân cư, hình thành ngày càng nhiều công dân số ở cơ sở. Đây là hai lực lượng nồng cốt trong trong thực thi chuyển đổi số tại địa phương, đóng góp của mỗi lực lượng có ý nghĩa đối với thành, bại trong “làm chuyển đổi  số”, ông Nguyễn Văn Thạnh – Phó Chủ tịch UBND phường Phước Ninh, quận Hải Châu, nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Thạnh – Phó Chủ tịch UBND phường Phước Ninh, quận Hải Châu (bên trái) trao đổi với ông Nguyễn Đại Thuận, Tổ trưởng tổ dân phố – Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng và Đề án 06 số 14 về các ứng dụng thông minh cần phổ biến đến nhân dân. Ảnh: Nguyễn Công Thành – VP.UBND Phường chia sẻ.
“Có một thực tế, đó là đa số các thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng đều đã lớn tuổi. Việc tiếp thu, tuyên truyền và hướng dẫn công tác chuyển đổi số đến với người dân còn nhiều hạn chế. Dù các cô chú đều rất nhiệt tình.
Mô hình đưa lực lượng đoàn viên thanh niên và nhân lực doanh nghiệp công nghệ số giúp đỡ, hướng dẫn người dân tham gia môi trường số, tiếp cận công nghệ số, như một bù đắp, bổ sung.
Tại các buổi sinh hoạt tổ dân phố, hay qua các nhóm Zalo, thành viên các Tổ Công nghệ số cộng đồng phối kết hợp phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm được những kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản. Đơn cử như cài đặt định danh điện tử, thanh toán trực tuyến, cách sử dụng chữ ký số cá nhân, khai thác tiện ích của app Hoa Thuan Tay smart…”, ông Võ Lê Anh – Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, chia sẻ.
Phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, hiện có 53 Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 (tương ứng với 53 tổ dân phố), có 385 thành viên, mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có từ 6 đến 9 thành viên. Bên cạnh các cô, các chú, đoàn viên thanh niên và nhân lực doanh nghiệp công nghệ số trở thành “biên chế nòng cốt” trong công tác hỗ trợ người dân tham gia vào chuyển đổi số. Mỗi Tổ Công nghệ số cộng đồng, với sự công hưởng trách nhiệm của hai lực lượng, đã hoàn thành “vai trò hạt nhân” trong triển khai truyền thông chuyển đổi số. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số, nhờ đó, đến với người dân nhanh hơn, đầy đủ hơn.
Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, ông Võ Lê Anh (bên phải ảnh) thăm hỏi, tìm hiểu khó khăn trong triển khai chuyển đổi số với Tổ Công nghệ số cộng và Đề án 06 số 21 của Phường. Người ngồi thứ ba bên trái (từ dưới lên) là ông Nguyễn Ngọc Để – Tổ trưởng tổ dân phố, kiêm Tổ trưởng, cùng hai thành viên. Ảnh: T.Ngọc.
“Đúng là trong nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn chuyển đổi số giúp nhân dân, bản thân tôi và các thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng, do đều đã lớn tuổi nên còn nhiều hạn chế, để hiểu và làm được, có lúc phải nhờ con cháu của mình hỗ trợ thêm, nhưng nắm vững rồi, thì mình lại đi vận động, bày vẽ cách làm cho bà con.
Tôi thường xuyên phối hợp với Tổ dân phố vận động người dân trong khu dân cư tích cực tham gia sử dụng các ứng dụng công nghệ thuộc các nội dung của chuyển đối số như app HOA THUAN TAY SMART, phần mềm VNEID, VNPT smart; vận động người dân đi mua sắm thì thanh toán bằng chuyển khoản, và vận động 3 hộ buôn bán tại khu dân cư tạo mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt. Niềm vui của tôi cùng anh chị em trong toàn tổ là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc khu dân cư 11, cũng là tuyến đường đầu tiên thực hiện mô hình “Tuyến phố không tiền mặt” tại phường nhà”, cô Trần Thị Thuần – Trưởng ban công tác mặt trận 11, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu tự hào cho biết.
UBND Quận Hải Châu tổ chức tập huấn cho các cô chú, các anh chị là thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai đề án 06. Ảnh: T.Ngọc
Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số từ người dân và vì người dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Lê Anh – Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, nhìn nhận và phân tích thêm: Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số chính là thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp.
Do vậy, địa phương đã, đang và vẫn sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ đề chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, được đăng phát trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, cũng như Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của thành phố. Kết hợp với tâm huyết của lực lượng Tổ Công nghệ số cộng đồng và đề án 06, luôn bền bĩ tuyên truyền sâu rộng lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, sẽ giúp người dân, doanh nghiệp dần dần hình thành thói quen mới.
Chẳng hạn, có những thủ tục hành chính, thay vì nộp hồ sơ trực tiếp người dân nên nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán cũng trực tuyến, và có thể đăng ký nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu chính. Và đến nay, qua thực tế, lượng hồ sơ trực tuyến người dân Hòa Thuận Tây nộp tại nhà, đã theo đà ngày càng tăng.
Ảnh hưởng tích cực của việc thay đổi hoạt động, thói quen theo nhu cầu hằng ngày của người dân, cũng bắt đầu từ người dân, một khi được tham vấn, gợi ý từ chính cộng đồng hung quanh mình. Những nhu cầu thường ngày như  mua hàng qua các trang thương mại điện tử; đi đâu thì đặt Grap qua ứng dụng trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng ngân hàng số; các bạn trẻ cũng dần chọn việc học trực tuyến nhiều hơn. Bà con đã có tuổi, bắt đầu chọn cách tư vấn để khám chữa bệnh từ xa. Những dịch vụ vì người dân, vì nhu cầu thiết yếu cuộc sống, nếu hữu ích và được lan tỏa, sẽ thay đổi rất khả thi những thói quen truyền thống.
Người dân vẫn đến Tổ 1 cửa ở UBND các Phường để giao dịch, nhưng nhiều ứng dụng số đã xuất hiện, không còn cảnh từng chồng hồ sơ giấy trên bàn làm việc, trên tay công dân. Ảnh: T.Ngọc.
Bà Phan Thị Thắng Lợi – Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng ban Chỉ đạo chuyển đối số quận Hải Châu nhấn mạnh: “Nội dung tuyên truyền được biên soạn có trọng tâm, trọng điểm, không lan man, dài dòng, chúng tôi lưu ý phải tập trung vào những nhiệm vụ, mục tiêu chính, các mô hình, giải pháp hiệu quả.
Truyền thông thì phải luôn chú ý triển khai thường xuyên, rộng khắp từ quận đến khu dân cư, Quận cũng nghiên cứu, tìm tòi để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Ngoài trực quan qua tờ rơi, áp-phích, băng-rôn, loa di động, video clip; Quận rất chú trọng những chương trình tuyên truyền trực tiếp tại các buổi họp tổ dân phố, sinh hoạt khu dân cư, hội nghị, tọa đàm, đối thoại.
Đến nay, nhân dân trên địa bàn quận đã phần nào có cái nhìn rõ nét hơn về chuyển đổi số, về chính quyền số, xã hội số, từ đó nhân dân sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền. Vai trò của các cô, các chú, lực lượng tình nguyên viên của Đoàn, có đóng góp rất lớn trong tuyên truyền”.
Tâm tư từ cơ sở, hãy lắng nghe …
Trong quá trình vận động, trao đổi, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng của thành phố ; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là vận động người dân tăng dần sử dụng giao dịch không tiền mặt, tưng bước, thay đổi các phương thức, thói quen hành vi trong tương tác, giao dịch, khác với truyền thống lâu nay; các cô chú tham gia Tổ Công nghệ số cộng đồng, cũng ghi nhận và chân thành, thẳng thắn đề đạt nhiều nội dung. Mục đích chính không gì hơn, là để chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, “cái gì mà bà con thấy hay, thấy lợi, tự khắc bà con sẽ tự nguyện và nhiệt tình tham gia”.
Lực lượng xung kích trên mặt trận chuyển đổi số: đoàn viên, sinh viên, tình nguyện viên. Ảnh: Mai Quang Hiển –Phòng VHTT Quận Hải Châu.
Qua tiếp xúc, chúng tôi ghi nhận rằng, quá trình hướng dẫn, vận động, từ Tổ Công nghệ số cộng đồng đến các bạn tình nguyện viên, đều gặp nhiều tình huống “khó xử”, hẳn nhiên là rất khách quan. Đơn cử như trong sử dụng dịch vụ công, hoặc các tiện ích, ứng dụng khác,   mạng Internet chập chờn, người dân phải thoát (exit), đăng nhập lại nhiều lần mới được. Điều này làm mất khá nhiều thời gian cho bà con. Bên cạnh đó, nhiều bà con sử dụng điện thoại thông minh, nhưng dòng máy đã cũ, máy qua nhiều năm sử dụng, một số chức năng “đơ cứng”. Hướng dẫn nhiều lần, bà con vẫn không thực hiện được.
Ghi nhận của chúng tôi từ cơ sở, việc cài đặt và sử dụng chữ ký số cá nhân là chưa thật sự cần thiết. Nhiều người chần chừ, né tránh việc cài đặt. Có cả lý do là sử dụng chữ ký số, hằng năm, người dân phải trả phí cho nhà cung cấp dịch vụ này. Có một thực tế dễ thấy là những người lớn tuối, đã nghỉ hưu, người lao động, buôn bán, kinh doanh nhỏ, các cháu học sinh cấp 3, người không rành ứng dụng công nghệ thông tin, không thành thạo với điện thoại thông minh, … thì rõ là không có nhu cầu dùng chữ ký số. Chỉ tiêu 40% người trưởng thành trong khu dân cư có cài đặt chữ ký số được ghi nhận là quá cao.
Thời gian qua, thành viên các Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 là lực lượng sát dân, gần dân, kiên trì vận động nhân dân thực hành chuyển đổi số. Ảnh: T.Ngọc
Để giảm áp lực cho Tổ Công nghệ số cộng đồng, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, các trường đại học cần đồng hành tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt sử dụng chữ ký số cho cán bộ, nhân viên, sinh viên, xuất phát từ chính nhu cầu của từng đối tượng.
“Theo tôi, trước khi chúng ta chọn một lĩnh vực hay ứng dụng nào để thực hiện chuyển đổi số, rất nên, lấy ý kiến từ người dân về sự cần thiết và nhu cầu của bà con. Từ tham khảo này, cần chuẩn bị tốt cơ sở thiết bị, hạ tầng tương ứng. Không nên cung cấp hay vận động sử dụng những ứng dụng mà người dân thực sự chưa cần, hoặc không cần.  Nếu đúng cái mà bà con rất cần, bà con sẽ chủ động tự giác tìm hiểu và sẽ thực hiện, thực hành tốt. Nếu cái họ chưa cần, không cần, mình đến phổ biến, vận động người dân thờ ơ, thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu” – một cán bộ phụ nữ, thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng chia sẻ./.
Trần Ngọc
Cùng chủ đề, có thể Bạn quan tâm