Thứ ba, Tháng mười 8, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hải Châu chuyển mình theo chuyển đổi số (tiếp theo và hết)

ĐNA -

(Đà Nẵng). Với chuyển đổi số, sản phẩm đặc trưng của các hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn nhiều phường thuộc quận Hải Châu, đến với người tiêu dùng qua … Facebook phường, Trang thông tin điện tử phường. Đây là điểm mới.

Xã hội số mở đường cho Kinh tế số
Đặc biệt, buổi đầu Kinh tế số đã manh nha qua đăng ký tài khoản Zalo OA. Tận dụng ưu thế tổng hợp mọi tính năng từ Zalo page, Zalo shop, Zalo cá nhân, chủ tài khoản một Zalo OA đã dễ dàng tương tác, truyền tải thông tin, đưa sản phẩm, dịch vụ của kinh tế hộ đến khách hàng , quá tiện lợi và quá phổ dụng với cộng đồng.

Bà Phan Thị Thắng Lợi – Phó Chủ tịch UBND Quận Hải Châu cho biết, nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số đã được triển khai vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bước đầu, ngoài giáo án điện tử đã trở nên phổ biến với Thầy cô lẫn học sinh; phụ huynh cũng tham gia kiến tạo môi trường số cho học đường. Khi 44/44 trường (10 trường THCS, 18 trường Tiểu học và 16 trường mầm non) thuộc Phòng Giáo dục quận triển khai học bạ điện tử, 100% học sinh có học bạ điện tử; 100% phụ huynh thực hiện thanh toán học phí cho con em mình qua tài khoản ngân hàng;

Cũng trong năm nay, quận chính thức ký kết hợp tác với Chi nhánh Viettel Đà Nẵng để triển khai chương trình Chuyển đổi số. Tính từ tháng 2/2023 đến nay, Viettel đã cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho hơn 1.000 cán bộ công chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và tổ công nghệ số cộng đồng; VNPT Đà Nẵng cũng phối hợp cùng UBND quận Hải Châu triển khai hàng ngàn chữ ký số cá nhân đến người dân và doanh nghiệp phục vụ cho nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân.

UBND Quận Hải Châu và Viettel Đà Nẵng chính thức ký kết hợp tác Chuyển đổi số. Phó Chủ tịch UBND Quận Hải Châu, bà Phan Thị Thắng Lợi, đứng thứ tư, từ trái sang. Ảnh: T.Ngọc.

“Tuyến phố không tiền mặt” được ghi nhận là hoạt động mạnh mẽ nhất trên địa bàn quận Hải Châu.
Năm 2023, cũng là năm toàn Quận tiếp tục triển khai mạnh mẽ các ứng dụng thanh toán không tiền mặt. Người dân đến giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính, nếu phải trả phí theo quy định, cũng có sẵn ứng dụng thanh toán không tiền mặt như VNPAY, Momo, ZaloPay.

Đến tháng 11/2023, tất cả 13 phường đều có phối hợp với Chi nhánh Viettel Đà Nẵng, VNPT, Ngân hàng SHB, MB tổ chức trọn vẹn 13 sự kiện phát động triển khai nhiều ứng dụng thanh toán không tiền mặt cho người dân, tiểu thương của các chợ trên địa bàn quận. Hiện nay đã xây dựng được 32 tuyến phố thanh toán không sử dụng tiền mặt, hơn 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên các tuyến đường đã được tạo mã thanh toán không tiền mặt.

Phòng Kinh tế quận đã và đang nỗ lực xây dựng mô hình Chợ thanh toán không dùng tiền mặt (chợ Mới, chợ Nguyễn Tri Phương). Dù thời gian ngắn, đã có 285 hộ tiểu thương tại các chợ nhận mã QR phục vụ thanh toán.

“Đến cuối năm 2023, UBND phường Hòa Thuận Tây đã tổ chức thành công mô hình “Tuyến phố không tiền mặt” trên 10 tuyến phố. Theo ông Võ Lê Anh – Chủ tịch UBND Phường, “chúng tôi đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc thanh toán dùng tiền mặt và sắp đến sẽ triển khai ra tất cả các tuyến đường trên địa bàn. Mục tiêu cao hơn nữa là phấn đấu trên 50% doanh thu của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, không dùng tiền mặt. Đối với thủ tục hành chính công có thu phí theo quy định, chúng tôi hướng đến đạt trên 90% thanh toán phí và lệ phí không dùng tiền mặt vào năm 2025”.

Được biết, Hòa Thuận Tây là Phường đầu tiên thí điểm mô hình “Ngày thứ Tư không giấy – không dùng tiền mặt” tại Bộ phận tiếp nhận trả kết quả (tại UBND Phường). Đây là cũng là cách làm linh động và linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa xây dựng Chính quyền số và Kinh tế số, lấy người dân và hộ kinh doanh làm trung tâm.

Tình nguyện viên Đoàn phường Hòa Thuận Tây hướng dẫn người dân các ứng dụng “Ngày thứ Tư không giấy – không dùng tiền mặt” tại Bộ phận tiếp nhận trả kết quả. Ảnh: Website Hòa Thận Tây chia sẻ.

Chủ tịch UBND phường Nam Dương, ông Bảo Nam phân tích và khẳng định: Để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số thành công thì trước hết phải thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số, trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mỗi người dân phải trở thành công dân số.

Một dẫn chứng rất thực tế từ Nam Dương khi triển khai tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là muốn tạo dựng thói quen thanh toán không tiền mặt cho bà con, thì phải tạo cơ hội để nhân dân trên địa bàn phường được trải nghiệm và hưởng các chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ. Chuyển đổi số càng đến gần hơn với người dân, thì mới thúc đẩy đạt được những mục tiêu chuyển đổi số đã đặt ra.

Khi UBND phường phối hợp với tổ chức hữu quan khai trương 2 tuyến phố không dùng tiền mặt (trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng và Hoàng Diệu); chúng tôi đề nghị cách làm vừa đồng bộ, vừa phải hết sức kiên trì. 2 Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng SHB Đà Nẵng cũng đồng hành rất cao, vừa cử cán bộ, nhân viên hỗ trợ hướng dẫn các quy trình quản lý, thanh toán, sử dụng ứng dụng, thiết bị, vừa có chính sách ưu đãi dành cho các hộ kinh doanh trên cả 2 tuyến đường nhằm khuyến khích sử dụng.

Chính quyền phường quan niệm rằng, muốn đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, thì hãy đưa những lợi ích của chuyển đổi số đến với các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn, đây là cách làm thiết thực.

Khai trương tuyến phố không tiền mặt Huỳnh Thúc Kháng và Hoàng Diệu. Ảnh website P.Nam Dương chia sẻ.

Chúng tôi đã có thành công bước đầu, điển hình như nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống trên tuyến phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, có thể chỉ là quán cháo lòng, quán bánh canh, quán cơm hến… trông rất bình dân, nhưng lại ứng dụng công nghệ thanh toán không tiền mặt rất bài bản. Trên mỗi bàn ăn đều có một tấm nhựa in sẵn mã QR, có quán thì mã QR được dán ngay tại quầy thanh toán. Nói chung ở đâu tiện cho thực khách dễ nhìn thấy, dễ thanh toán. Đến nay, qua nắm bắt tình hình, các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và các ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng ở đường Huỳnh Thúc Kháng và các hộ kinh doanh trên tuyến đường Hoàng Diệu đều chia sẻ rằng, việc sử dụng phương thức thanh toán mỗi ngày càng trở nên phổ biến và vui nhất là được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ thanh toán không tiền mặt. Đến nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã áp dụng đa dạng phần mềm bán hàng tự động, kết nối thương mại điện tử để cung ứng hàng hoá. Đây là cách tốt nhất thúc đẩy kinh tế hộ phát triển đúng xu thế.

Mô hình chuyển đổi số nổi bật – theo đánh giá của lãnh đạo Phường Bình Thuận – trong năm 2023 vẫn là tổ chức thành công mô hình “tuyến phố không tiền mặt” trên tuyến đường 2 tháng 9, Trần Văn Trứ, Lê Quý Đôn. Trước đó, Phường đã tổ chức thành công ngày hội Chuyển đổi số năm 2023, tại ngày hội đã tuyên truyền, vận động người dân thanh toán trực tuyến. Bà con nhân đến tham gia ngày hội được các ngân hàng Viettin, SHB tạo tài khoản ngân hàng, internet banking; các doanh nghiệp thanh toán điện tử như Viettel, Momo, VNPT đã tạo tài khoản ví điện tử, hay cung cấp chữ ký số. Hiện nay và trong các năm tiếp theo, Phường khẳng định sẽ kiên trì và  tập trung cho tuyên truyền thanh toán trực tuyến, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các tuyến đường khác trên địa bàn.

Bài học kinh nghiệm
Chúng tôi đã gặp và có câu hỏi chung với lãnh đạo một số UBND Phường – những người thực sự “lăn lộn” với chuyển đổi số, trực tiếp “làm chuyển đổi số”  : Điều gì là quan trọng nhất, khi bắt đầu khởi động hành trình chuyển động số ?.

Chủ tịch Võ Lê Anh (Phường Hòa Thuận Tây) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi, rằng: Điều quan trọng nhất là “Có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số”. Với một tổ chức, nhận thức của lãnh đạo cao nhất là điều kiện tiên quyết, để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên. Thứ hai, phải công phu xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động, trong đó phải xác định thật rõ mục tiêu rồi lộ trình với các giai đoạn hợp lý, nội dung từng phần phải cụ thể.

Cuối cùng, phải xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động cũng như các nền tảng cần có để hỗ trợ các bước chuyển đổi. Từ đó, xây dựng năng lực số, gồm đào tạo nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi.

Tình nguyện viên phường Hòa Thuận Tây hỗ trợ công dân sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh website Phường chia sẻ.

Trở lại vấn đề đầu tiên, để thay đổi nhận thức, thói quen của bà con nhân dân, phải có những giải pháp căn cơ, phải thực chất. Phường chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, nhưng xác định phải có hình thức phù hợp. Phường thành lập đội thanh niên tình nguyện chuyển đổi số, Đoàn Phường giữ vai trò chủ công, các em xuống tận nhà dân, đi từng địa bàn, kiên trì hướng dẫn bà con thực hiện các dịch vụ chuyển đổi số mà người dân quan tâm, thực sự có nhu cầu sử dụng. Phường cũng biên soạn tờ rơi cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng video, nội dung rất dễ hiểu, tính phổ cập cao.

“Việc làm đầu tiên mà chúng tôi đã triển khai rất kiên trì là phải từng bước thay đổi tư tuy, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số một cách căn bản nhất, sau bước này, mới có thể triển khai các hoạt động chuyển đổi số hiệu quả”, một lãnh đạo phường Nam Dương khẳng định lại.

Chìa khóa thành công bền vững của chuyển đổi số
Theo Chủ tịch UBND phường Nam Dương, ông Bảo Nam, “Cái khó, là làm sao để Đảng ủy, chính quyền và các hội đoàn thể phường cùng tầm nhìn, rằng “Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là bước chuyển tất yếu nhằm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cấp cơ sở”, và người đứng đầu phải thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương cụ thể, rõ nét trong thực hành chuyển đổi số. Rồi đội ngũ cán bộ, công chức, phải xác định những công việc như xử lý văn bản trên môi trường điện tử, khai thác thật tốt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục cho tổ chức, cho nhân dân. Đó chính là vận dụng hiểu biết chuyên môn của mình, tích cực góp phần tạo môi trường cho chuyển đổi số.

Nếu chỉ chung chung, hô hào, chuyển đổi số sẽ chậm đi vào phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, đi vào lối sống, làm việc của mỗi người dân. Cũng phải thấy đây là cơ hội thay đổi, tạo nên những đột phá trong phát triển địa phương, trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của chính quyền. Nêu cao quyết tâm, làm thật sự, ra mô hình, thì tạo lập được lộ trình chuyển đổi số, xây dựng có hiệu quả mô hình chuyển đổi số ở quy mô cấp phường”.

Được biết, để đồng bộ trên môi trường ứng dụng số, tạo thói quen cho nhân dân khi đến giao dịch hành chính, cũng sử dụng ngay kênh tương tác số để đánh giá mức độ hài lòng.

Người dân phải trở thành Công dân số. Ảnh website P.Nam Dương chia sẻ.

Tại bộ phận “Một cửa” của phường Nam Dương, máy tính bảng được trang bị và luôn trong trạng thái sẵn sàng để đánh giá mức độ hài lòng của công dân. Khi công dân đến giao dịch, hệ thống tin nhắn của Phường sẽ gửi tin nhắn SMS đến số điện thoại của công dân, nội dung tin nhắn có kèm số điện thoại liên hệ của lãnh đạo phường để người dân dễ dàng phản ánh khi có nhu cầu.Và không chỉ hoạt động tại bộ phận một cửa với các thủ tục hành chính được triển khai trên môi trường mạng, phường Nam Dương còn quan tâm đến chuyển đối số đồng bộ trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Theo lộ trình của thành phố, tại phường Nam Dương, tỷ lệ hồ sơ công dân, tổ chức nộp trực tuyến đã đạt từ 90 đến 100%; trong đó, 90% người dân đã được tạo tài khoản trực tuyến.

Tương tự, tại phường Bình Thuận, hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính từ năm 2023, 2022 trở về trước, đều được số hoá. Thành thạo phần mềm 1 cửa điện tử, cán bộ, công chức người lao động phường đã góp phần thể hiện hình ảnh của một chính quyền số. Đó là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và số hoá kết quả thủ tục hành chính năm 2023, 2022 đạt 100%.

Phường Bình Thuận tổ chức khai trương tuyến phố không tiền mặt. Ảnh: Website phường chia sẻ.

“Việc xác định công tác Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện nhận thức của toàn thể người dân. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình chuyển đổi số chúng tôi cũng rất trăn trở làm sao cho mô hình có lợi, có ích, dễ tiếp cận nhất cho người dân. Kết quả “số hóa” quy trình thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ trực tuyến nhanh gọn, chính là tạo được niềm tin ngay ở nhân dân. Từ đó, mới có được sự đồng lòng,  quyết tâm chuyển đổi số toàn bộ hệ thống.

Bình Thuận chúng tôi không đặt mục tiêu quá cao, mà sẽ đi từng giai đoạn. Trước mắt, mỗi hộ đân ít nhất 1 tài khoản công dân điện tử, 1 tài khoản chữ ký số cá nhân, khuyến khích cài đặt các phần mềm hay ứng dụng phổ biến như DaNang Smart City, tích hợp rất nhiều các tiện ích gần gũi với người dân.Tổ công nghệ số cộng đồng theo phương châm “rà từng ngõ, gõ từng nhà”, trước là tuyên truyền, vận động, sau đó là sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện thành thạo.

“Trong thời gian tới cùng với việc đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu từ thành phố đến địa phương phục vụ chính phủ điện tử, phải năng động tích hợp, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin qua mạng (công vụ) rộng khắp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị. Đây là nền tảng quan trọng để từng bước xây dựng, phát triển và hoàn thiện hạ tầng chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Khi nào không chỉ dừng lại ở cơ chế, chính sách, mà người dân thấy được lợi ích, nhất định sẽ chủ động tham gia chuyển đổi số. Đây là yếu tố tôi cho rằng rất quan trọng.

Thay đổi từ nhận thức dẫn đến hành động cụ thể là cả một quá trình rất khó khăn. Chuyển đổi số muốn thành công, phải có quá trình và đó là quá trình lâu dài, phức tạp. Tập thể cán bộ và nhân dân trong một phường phải thực sự kiên trì, đồng lòng, đồng hành. Trong đó, cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nếu cách thức tiếp cận và tổ chức thực hiện ngay từ đầu không đúng, rất khó sửa chữa khắc phục về sau này, đôi khi phải trả giá rất đắt. Hoặc hình dung mơ hồ, hay hiểu lầm về mặt khái niệm sẽ khiến cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khó có thể xác định được lộ trình, chiến lược đúng đắn, phù hợp trong tiến trình chuyển đổi số”, ông Võ Lê Anh, phân tích.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia một phiên truyền thông Chuyển đổi số do UBND quận tổ chức. Ảnh: T.Ngọc.

Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Quốc chia sẻ: “Tôi mong muốn toàn hệ thống chúng ta bằng tinh thần đồng lòng, mạnh dạn  trao đổi thẳng thắn, những gì đã làm được trong chuyển đổi số và đề xuất những việc thiết thực, hay cần triển khai nhanh hơn, toàn diện hơn, cũng như phát hiện và đưa ra các giải pháp cụ thể. Đây chính là những đóng góp thiết thực vào lộ trình chuyển đổi số của địa phương . Nếu cả hệ thống vào cuộc bằng quyết tâm cao, nhân dân sẵn sàng đồng hành, các doanh nghiệp số nỗ lực phối hợp toàn diện, tôi có niềm tin, chúng ta sẽ hiện thực hóa được mục tiêu chuyển đổi số.

Trong đó, phải hết sức chú ý triển khai các tiện ích kết nối gần hơn nữa chính quyền với nhân dân, có quan tâm đầu tư thỏa đáng, huy động được nhiều kênh để hoàn thiện hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, chúng tôi tập trung, duy trì Phường điện tử mức độ 1, cung cấp dữ liệu số đảm bảo là dữ liệu sống, sạch. Có giải pháp phù hợp để xây dựng, hòan thiện Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ đề án 06. Đảm bảo rằng  đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số phường đến từng hộ dân trên địa bàn”.

Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Quốc: Sự hưởng ứng đồng hành từ “Người dân và Doanh nghiệp” có ý nghĩa lớn trong thành công của chuyển đổi số. Ảnh: T.Ngọc

Phường Bình Thuận đã đặt ra mục tiêu 100% người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Tiếp tục tổ chức có chất lượng cuộc thi chuyển đổi số trên môi trường mạng, tạo điều kiện để chính bà con nhân dân thực hiện các thao tác trên điện thoại thông minh, từng bước nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, một điều bắt buộc trọng thực hành chuyển đổi số của nhân dân. Công dân số rồi Doanh nghiệp số luôn có ý nghĩa rất quyết định trong thành công của chuyển đổi số./.

Trung Đức

Quay lại bài đầu: Hải Châu chuyển mình theo chuyển đổi số (kỳ 1)