Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Sửa đổi, bổ sung các Luật để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

ĐNA -

Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung nghiên cứu, rà soát Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật này để phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Sửa đổi, bổ sung các Luật

Để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hiện nay, Tổng cục đang tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan liên quan đối với hồ sơ và sẽ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước ngày 01/11/2022 theo yêu cầu tại Công văn số 2850/VPCP-PL ngày 08/5/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý mà còn thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việc hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung lần này góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh: Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy các Luật sửa đổi, bổ sung lần này phù hợp với thực tiễn cũng như mục tiêu sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như yêu cầu thực tiễn của xã hội về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới.

Hiện tại, việc bổ sung quy định mới chưa có trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ tập trung vào việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và trách nhiệm minh bạch hóa của Việt Nam theo cam kết tại các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP), bởi trong các FTA đều có một điều về cam kết minh bạch hóa liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp. Quy định này yêu cầu các nước thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp lẫn nhau trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế và khu vực.

Bên cạnh đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa bổ sung các quy định về tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bởi hệ thống hạ tầng chất lượng (QI-Quality infrastructure) là sự tổng hợp các chính sách, luật, quy định, quyết định hành chính để thiết lập và thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và các dịch vụ đánh giá sự phù hợp nhằm cung cấp bằng chứng rằng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu quy định và yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam là yêu cầu, giải pháp quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thời hạn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Tổng cục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Ngoài ra, Tổng cục đảm nhiệm tốt vai trò của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2021-2022 như Phó Chủ tịch: Nhóm công tác cao su ASEAN (ACCSQ/RBPWG), Ủy ban hỗn hợp điện – điện tử ASEAN (JSC/EEE); đồng thời tổ chức và tham gia tích cực, đầy đủ các phiên họp của tổ chức quốc tế và khu vực mà Tổng cục đại diện Việt Nam tham gia với vai trò thành viên.

Bên cạnh đó, tham dự hội thảo trực tuyến với Nhật về công nghệ kháng khuẩn theo tiêu chuẩn ISO 22196; Hội thảo về tầm nhìn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hội thảo trực tuyến do ASTM phối hợp với IFC nhằm cung cấp thông tin liên quan đến 2 tiêu chuẩn được WHO công nhận liên quan đến vật dụng che mặt; Hội thảo trực tuyến kết hợp trực tiếp với Ban Thư ký ASEAN và các đầu mối ACCSQ; Các sự kiện trong khuôn khổ APO…

Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả các chương TBT của Hiệp định FTAs đã ký kết như: Hiệp định TBT/WTO, Hiệp định CPTPP, EVFTAs và FTAs khác. Thực thi nghĩa vụ minh bạch hóa theo Hiệp định TBT/WTO – xử lý 1220 thông báo TBT của các nước thành viên WTO; thực hiện cảnh báo về các biện pháp TBT cho doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan liên quan; điều phối, xử lý ý kiến quan ngại thương mại của các nước thành viên WTO đối với những biện pháp của Việt Nam.

Trung Hiếu

Bài viết liên quan
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Công bố thêm 107 tiêu chuẩn Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022