“Quá trình đô thị hóa đã đánh mất quá nhiều thứ đã nhớ và lưu vào ký ức, mà khi nhìn lại chúng ta thấy hối tiếc. Quá trình đô thị hóa cũng khiến cho đời sống sinh hoạt người dân cũng từ đó mà thay đổi theo, một số phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt vốn mang nét truyền thống của làng quê đã dần phai nhạt. Ngay cả hệ sinh thái tự nhiên vốn dĩ là một cấu trúc hoàn chỉnh đang dần bị chia cắt, biến dạng dẫn đến nguy cơ suy thoái môi trường.
Cách tiếp cận trong thời gian đến là tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng, các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống, giữ gìn tôn tạo những giá trị, bản sắc văn hóa riêng, mang đặc trưng của Đất và Người Hòa Vang – đô thị nên thơ, hài hòa “bên núi, cạnh sông”, đẹp nhưng khó phai nhòa. Nếu không, sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa”.
Đây là những trăn trở và cũng là tầm nhìn của đồng chí Bí thư qua bài viết “Xây dựng đô thị xanh, giàu bản sắc, gắn với mục tiêu Hòa Vang thành thị xã vào năm 2025”, Xuân Quê hương – Quý Mão 2023.
Tạp chí Đông Nam Á:
Thưa đồng chí Bí thư, trở thành Thị xã nhưng vẫn giữ được “đô thị xanh, giàu bản sắc” là điều không hề đơn giản, nhất là tốc độ đô thị hóa những năm qua ở Hòa Vang diễn ra cũng khá nhanh, bên cạnh đó, sự tác động của thiên tai, các yếu tố thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, cũng khiến cộng đồng thiên về “bê tông hóa” để chống chịu… giải pháp cho “đô thị xanh, giàu bản sắc” đối với Hòa Vang sẽ như thế nào ? và yếu tố nào là quyết định?
TS.KTS Tô Văn Hùng:
Chúng tôi cho rằng trước tiên phải có quyết tâm cao, có lộ trình hoàn thành các định hướng chiến lược, đề án về quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị như: Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Vang; Chương trình phát triển đô thị Hòa Vang; Đề án quy hoạch chung các xã…
Và điều rất quan trọng là sự đồng thuận cao, nhất quán quan điểm phát triển đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc từ khâu tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; các quy hoạch phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế – sinh thái, giữ gìn, tôn tạo những giá trị, bản sắc văn hóa riêng mang đặc trưng của Hòa Vang; tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên, thân thiện môi trường; đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị với nhiều không gian cây xanh, mặt nước, vành đai xanh và đảm bảo các khu vực chức năng thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là yếu tố quyết định đến việc xây dựng thị xã Hòa Vang thành một đô thị xanh, giàu bản sắc.
Bước tiếp theo phải đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Thực tế hiện nay, hạ tầng các đô thị của Hòa Vang đang còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ vì vậy cần chỉ đạo tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm để xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng (hạ tầng xã hội và kỹ thuật) các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, hướng tới tiêu chí đô thị xanh, đô thị văn minh.
Thứ ba, tập trung nâng cao năng lực quản lý đô thị. Mỗi cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, đảm bảo quy hoạch, phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi.
Và cuối cùng, vừa có giải pháp thu hút đầu tư, huy động nhưng cũng phải sử dụng thật hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị. Trong đó, chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ kênh ngân sách nhà nước, ưu tiên tập trung cho công tác lập quy hoạch đô thị, đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và các dịch vụ thiết yếu.
Tạp chí Đông Nam Á:
Ngoài Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Hòa Vang sẽ huy động những nguồn lực nào trong thời gian đến để triển khai khối lượng rất lớn công việc? Đồng chí Bí thư có chia sẻ tầm nhìn rằng “phải khai thác một cách khoa học về tiềm năng đất đai, hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, các khu dân cư mới, … tiếp tục tạo động lực và cơ hội cho Hòa Vang” … Cụ thể, tầm nhìn này bao gồm những nội dung gì, xin đồng chí Bí thư cho biết rõ hơn ?
TS.KTS Tô Văn Hùng:
Ngoài Nghị quyết số 07-NQ/TU, Hòa Vang chúng tôi còn tận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, Chính phủ và Thành phố phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian đến. Đồng thời, Huyện cũng sẽ huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các tập đoàn đã, đang và sẽ đầu tư vào huyện.
Nhưng rõ ràng nguồn lực quan trọng nhất vẫn là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và Chính quyền từ huyện đến các xã. Đặc biệt luôn lưu ý phải biết cách khai thác tối đa các nguồn lực, nội lực, đó là sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng chung tay xây dựng thị xã Hòa Vang của nhân dân Huyện nhà.
Lễ rước Mục Đồng được nhân dân (gồm 17 chư phái tộc, qua bao đời trao truyền lại) làng Phong Lệ, nay thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, gìn giữ bao năm nay. Lễ hội trở thành nét văn hóa đặc trưng của huyện Hòa Vang, của Đà Nẵng. Ảnh: Ông Văn Sinh.
Đối với tầm nhìn: “phải khai thác một cách khoa học về tiềm năng đất đai, hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, các khu dân cư mới … tiếp tục tạo động lực và cơ hội cho Hòa Vang”, tôi cho rằng vấn đề này bao hàm nhiều nội dung.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập và xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ mỗi lúc càng lan tỏa, đi sâu vào nhiều lĩnh vực đời sống…, thì đây cũng là cơ hội để Hòa Vang ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đưa Hòa Vang trở thành Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không những tại Đà Nẵng mà của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Một thế mạnh của Hòa Vang chúng tôi là hội tụ đầy đủ các điều kiện về tự nhiên và nguồn lực để phát triển theo hướng du lịch (trọng tâm là du lịch sinh thái, các tour du lịch trải nghiệm nông thôn). Kể cả logistics, công nghệ cao, công nghệ thông tin …
Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng.
Nhà báoTrần Ngọc thực hiện
Xem lại bài đầu
Từ Nông thôn mới đến Thị xã xanh, giàu bản sắc Hòa Vang