Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

UNESCO kêu gọi quy định về nền tảng kỹ thuật số nhằm tránh thông tin sai lệch được sử dụng để thao túng dư luận

ĐNA -

Ngày 22/2/2023, tại thủ đô Paris của Pháp, Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị toàn cầu, trong đó các bên tham gia kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra những cách thức,  quy định về nền tảng kỹ thuật số nhằm tránh thông tin sai lệch để thao túng dư luận và phát ngôn thù hận trên mạng.

Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị toàn cầu, trong đó các bên tham gia kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra những cách thức,  quy định về nền tảng kỹ thuật số nhằm tránh thông tin sai lệch để thao túng dư luận và phát ngôn thù hận trên mạng.

Hội nghị “Vì một Internet đáng tin cậy” là một điểm cao trong cuộc đối thoại toàn cầu do UNESCO phát động nhằm phát triển các hướng dẫn toàn cầu đầu tiên về quy định của phương tiện truyền thông xã hội nhằm cải thiện độ tin cậy của thông tin và thúc đẩy các quyền con người. Sau đó, các hướng dẫn sẽ được UNESCO đưa ra vào tháng 9 năm 2023. Hội nghị quy tụ 4.300 người tham gia. Các diễn giả, từ Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đến Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đến Maria Ressa, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2021, đều nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần có các hướng dẫn toàn cầu chung để cải thiện độ tin cậy của thông tin, đồng thời bảo vệ quyền con người.

Hội nghị tập trung thảo luận về cách thức sàng lọc nội dung trên mạng Internet mà vẫn đảm bảo các quyền cơ bản của con người. Hàng trăm quan chức, các đại diện đến từ các công ty công nghệ, các viện nghiên cứu học thuật và nhiều tổ chức quan tâm đã được mời tham dự hội nghị kéo dài hai ngày của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cảnh báo: “Việc làm mờ ranh giới giữa đúng và sai, phủ nhận có tổ chức chặt chẽ các sự thật khoa học, khuếch đại thông tin sai lệch và âm mưu – tất cả những điều này không bắt nguồn từ mạng xã hội. Nhưng, nếu không có quy định, những điều đó phát triển ở mạng xã hội lại mạnh mẽ hơn nhiều so với sự thật”.

Theo bà, các nền tảng kỹ thuật số đã thay đổi cách thức con người kết nối và đối diện với thế giới, đối diện với nhau.  chỉ bằng cách thực hiện đầy đủ biện pháp của cuộc cách mạng công nghệ này, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng internet không ảnh hưởng tới quyền con người, tự do ngôn luận và dân chủ. “Để thông tin vẫn là lợi ích chung, chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ và hành động ngay bây giờ” – bà Audrey Azoulay nhấn mạnh.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia và đại diện các chính phủ đã đóng góp các tham luận, trong đó có nhà khoa học dữ liệu Christopher Wylie, người từng góp phần phanh phui bê bối tiết lộ dữ liệu người dùng Facebook.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, một phần của internet đang biến thành “bãi rác thải độc hại”, nơi những phát ngôn thù hận và thông tin sai sự thật được phát tán, tiếp tay cho những đối tượng truyền bá chủ nghĩa cực đoan và tư tưởng lệch lạc.

Tin giả và những phát ngôn thù hận trên mạng xã hội không phải là câu chuyện mới, song việc tìm ra giải pháp toàn diện cho vấn đề nhức nhối này vẫn là bài toán gai góc chưa tìm được lời giải. Ông Guterres nhấn mạnh, thế giới đang tồn tại một khoảng trống pháp lý, trong đó các nền tảng truyền thông xã hội có thể đăng tải bất kỳ nội dung nào mà không cần kiểm chứng.

Theo nhà báo Maria Ressa, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2021, nếu chúng ta tiếp tục dung thứ cho các thuật toán truyền thông xã hội dung túng cho những lời nói dối, thì các thế hệ tương lai sẽ thừa hưởng một thế giới mà sự thật bị hạ thấp giá trị một cách nguy hiểm.

Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir cho biết: “Các cuộc thảo luận, giống như những cuộc thảo luận mà chúng ta đang có ở Paris, là rất quan trọng. Và điều quan trọng là phải xác định một bộ hướng dẫn chung về cách điều chỉnh không gian kỹ thuật số này”. Ông nhấn mạnh cần tránh lạm dụng công nghệ vào các mục đích xấu.

Trong thông điệp tới hội nghị của UNESCO, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula nhấn mạnh cần chặn đứng các chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch trên các nền tảng kỹ thuật số và các ứng dụng tin nhắn mà ở đó những thông tin sai lệch được sử dụng để thao túng dư luận. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi gai góc của thời đại.

Một số ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng truyền thông xã hội đang là vùng đất nảy nở những thông tin sai lệch, các hệ thống thông tin liên lạc hiện nay thậm chí đang thao túng con người từ bên trong. Do đó, nếu chỉ tập trung vào việc đính chính nội dung thì sẽ chỉ như “muối bỏ bể”. Việc cần làm là tìm đến nguồn gốc tạo những thông tin gây ô nhiễm không gian mạng và chặn đứng hoạt động này.

Mới đây, trong bối cảnh các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hỗn loạn, nhiều kẻ gian đã lợi dụng thời điểm này để kêu gọi mọi người quyên góp tiền vào các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội.

Chia sẻ trên Twitter ngày 13/2, Giám đốc Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun cho biết tình trạng nhiễu loạn thông tin đang diễn ra nghiêm trọng. Theo ông Altun, trong vòng 1 tuần sau khi xảy ra động đất, chính phủ đã nhận được báo cáo về 6.200 nội dung thông tin và tin tức sai sự thực. Do đó, nhà chức trách sẽ đăng các trang đính chính thông tin hằng ngày để người dân tiện theo dõi tin tức chính thống.

Tháng trước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật cho phép bắt giữ nếu có hành vi lan truyền thông tin giả mạo, sai sự thực, với mức tù giam có thể lên đến 3 năm. Hồi tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phải chặn tiếp cận mạng xã hội Twitter trong vòng 12 giờ vì xuất hiện quá nhiều thông tin giả mạo.

Theo đó, Cơ quan An ninh Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ đã phát hiện 613 người có hành vi đăng tải những thông tin kích động, trong đó đã tiến hành quy trình pháp lý với 293 người. Từ đó, Công tố viên phụ trách đã yêu cầu bắt giữ 78 người, với 20 người bị tạm giữ chờ đưa ra xét xử. Ngoài ra, 46 trang web cũng đã bị lực lượng chức năng đóng do có hành động kêu gọi và gian lận tài trợ cho các nạn nhân động đất, 15 tài khoản mạng xã hội giả mạo là cơ quan chính thống cũng đã bị dỡ bỏ.

Quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội  không phải là quyền tự do tuyệt đối. Khi thực hiện quyền này, con người phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân.

UNESCO cảnh báo rằng, dù các nền tảng truyền thông xã hội đã mang lại nhiều lợi ích trong chia sẻ thông tin liên lạc và kiến thức nhưng những nền tảng này lại phụ thuộc vào các thuật toán vô tri, không dành sự ưu tiên đúng mức cho những tiêu chuẩn an toàn và quyền con người.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia vào các nỗ lực của UNESCO nhằm biến Internet thành một công cụ thực sự phục vụ công chúng và giúp bảo đảm quyền tự do biểu đạt.

*Bài viêt liên quan: Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không phải là quyền tự do tuyệt đối

The Cuong