Phát biểu kết luận hội thảo “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, diễn ra ngày 5/8/2022 tại Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Kinh tế TƯ, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh:
Qua 59 tham luận (được đăng kỷ yếu hội thảo), 5 báo cáo chính và ý kiến trao đổi của nhiều diễn giả tại phiên thảo luận, tất cả đã đi đến thống nhất cao và đồng tình cho rằng “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hội thảo khẳng định rằng, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.
Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, cần chú trọng phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, quan tâm xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành (ví dụ như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp công tác, làm việc từ xa…).
Cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: công nghiệp công nghệ số, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác theo hướng chú trọng dịch vụ ngân hàng số; xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững.
Phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, đặc biệt cần chú trọng và phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội. Đẩy nhanh chuyển đổi số ngành y tế, phát triển dịch vụ hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số… cùng với thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực dịch vụ đời sống xã hội, đồng thời chú trọng xây dựng các thể chế phù hợp để tạo điều kiện phát triển.
Ngày 5/8/2022, tại Đà Nẵng đã ra diễn hội thảo khoa học quốc gia, chủ đề: “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ban Chỉ đạo TƯ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phối hợp với Thành uỷ Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức sự kiện.
Ban tổ chức hội thảo cho biết, trên cơ sở triển khai chương trình công tác của Ban Chấp hành TƯ khóa XIII, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế TƯ chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị TƯ 6 khóa XIII.
Phiên hội thảo này sẽ cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, góp phần phục vụ xây dựng đề án kể trên.
Phát triển dịch vụ – Những câu hỏi từ bối cảnh, khả năng và thực tiễn
Theo Phó GS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng- có những câu hỏi lớn, những vấn đề đặt ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường đối với sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa của đất nước nói chung, lĩnh vực dịch vụ nói riêng; đòi hỏi phải có những chủ trương lớn, quyết sách đúng để đưa đất nước chúng ta vào một thời ký phát triển mới, bền vững và phồn vinh.
Đó là, các vùng kinh tế của Việt Nam nên ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ nào phù hợp với lợi thế của mình?. Cách thức huy động nguồn lực để phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên của Việt Nam; Chiến lược liên kết vùng thế nào để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của nước ta trong phát triển dịch vụ hiện đại. Cần có chiến lược liên kết vùng trong phát triển các loại hình dịch vụ truyền thống như vận tải, logistics, công nghiệp hỗ trợ… đến các loại hình dịch vụ hiện đại dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục…ra sao ?
Đó còn là cơ chế chính sách phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên của Việt Nam; Chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm để phát triển các ngành nghề dịch vụ mới; Chính sách liên kết phát triển dịch vụ liên quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN và thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Nước ta đã ký kết.
Và không kém quan trọng nữa, là xác định, là đón đầu dự báo những ngành nghề dịch vụ mới sẽ ra đời trong những năm sắp tới. Trên cơ sở đó xác định các ngành dich vụ nên ưu tiên phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Song song, cơ cấu lại ngành dịch vụ hiện nay của nước ta dựa trên công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế phát triển các ngành dịch vụ trên thế giới. Đặc biệt, làm rõ phương thức sử dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo vào phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên ở Việt Nam.
Cuối cùng, đào tạo nguồn nhân lực như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành nghề dịch vụ mới. Trong đó, bao gồm quy hoạch cơ cấu nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng miền và cả nước; xây dựng mô hình dịch vụ cung cấp nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước. Tập trung phát triển các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao mà con người Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến khoa học cơ bản, trí tuệ nhân tạo theo hướng ứng dụng, cũng như, nghiên cứu phương thức xây dựng chương trình đào tạo nhân lực mới của các nước phát triển.
Là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa
“Phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Kết quả đánh giá công nghiệp hóa – hiện đại hóa giai đoạn vừa qua đã cho thấy cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống” – Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Kinh tế TƯ, ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.
Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống và dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC… ngân hàng số, giáo dục số phát triển đã góp phần giúp ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn và phù hợp hơn với bối cảnh phát triển mới của thế giới, đặc biệt là dịch Covid-19.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lĩnh vực du lịch đã chú trọng hướng tới bảo tồn di sản văn hóa và phát huy vai trò của các giá trị văn hoá truyền thống, chuyển dịch sang du lịch thông minh góp phần nâng cao vị thế đất nước và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến và lưu trú khách sạn được đầu tư mới cho mục đích kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Lĩnh vực dịch vụ môi trường, đã thu hút đầu tư của một số công ty cung cấp nền tảng để chủ động nguồn thải ở Việt Nam. Một số ngành dịch vụ hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như dịch vụ y tế, bảo hiểm đã góp phần phục vụ mục tiêu kinh tế – xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ xuất hiện và phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.
Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%). Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống. Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, để xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
Đà Nẵng – Một góc nhìn phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột dịch vụ
Chia sẻ tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định “Phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại các giá trị rất to lớn, không chỉ tạo động lực chi kinh tế phát triển mà còn khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam, tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế, góp phần thực hiện những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định”.
Lấy dẫn chứng cụ thể của thành phố Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Văn Quảng cho hay, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, theo đó đã thống nhất tập trung xây dựng phát triển thành phố trên 3 trụ cột, đều liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và du lịch, đó là: (1) Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; (2) Kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn: trong đó gồm Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, gắn với nền kinh tế số; (3) Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn: Cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics, và Trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Trước đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã tiếp tục xác định chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp và xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistic, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên.
“Một vấn đề rất thực tiễn từ cách làm của Đà Nẵng, đó là Nhà nước phải chủ động, phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, về cơ chế chính sách, trong đó có chính sách ưu đãi. Chúng ta muốn nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài, chuyển giao công nghệ lõi, mà chúng ta chưa sẵn sàng những ưu đãi, khuyến khích thì làm sao có môi trường hấp dẫn để nhà đầu tư tìm đến.
Đà Nẵng từng mạnh dạn đầu tư xây dựng Công viên phần mềm số 1 (đưa vào vận hành năm 2008-PV), đến nay thì đã thu hồi hết phần vốn ngân sách đã đầu tư; nay chúng tôi quyết định đầu tư thêm 1.000 tỷ hoàn thiện Công viên phần mềm số 2, trong đó có bố trí không gian đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Vừa rồi “có vướng” một số điều của Luật Đầu tư công, các quy định về tài sản công, chúng tôi đã có kiến nghị xin ý kiến Chính phủ để tháo gỡ.
Không chỉ đầu tư hạ tầng, điều kiện làm việc, có cơ chế ưu đãi nhà đầu tư dịch vụ công nghệ; tôi cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu hình thành một Quỹ (bảo hiểm) cho những rủi ro. Đây chính là những chất xúc tác, là môi trường có tính cạnh, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ sáng tạo” – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phân tích.
“Ở Việt Nam, nếu Đảng và Chính phủ tạo ra môi trường để nuôi dưỡng cho các phát minh của doanh nghiệp tương tự thì sẽ rất tuyệt vời. Tôi tin rằng điều kiện tiên quyết để thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhà nước có thể giúp làm bà đỡ cho các phát minh khoa học thông qua khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát. Doanh nghiệp như chúng tôi trước hết rất mong muốn có một địa phương đỡ đầu cho dự án thử nghiệm các công trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo như thế này”- ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty, một doanh nghiệp start-up của Việt Nam phát triển Robot tự hành cho dịch vụ giao hàng, chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trên bình diện cạnh tranh quốc tế, một nửa câu chuyện thành công là công nghệ lõi, và Alpha Asimov tự hào là doanh nghiệp start-up của Việt Nam đã phát minh công nghệ), một nửa câu chuyện còn lại phụ thuộc vào môi trường thể chế.
“Tôi rất mừng khi cuộc hội thảo này được tổ chức tại Đà Nẵng, nơi doanh nghiệp chúng tôi đặt trụ sở. Thành phố này là địa điểm lý tưởng để thử nghiệm cho sản phẩm của chúng tôi, vì mật độ dân thấp và có phủ sóng 5G của Viettel vốn là hạ tầng cần thiết và là địa điểm cung cấp du lịch hấp dẫn.
Nếu thành phố cho phép robot của chúng tôi chạy (thử nghiệm) trong một khu vực có dân sinh sống, đơn giản hoá thủ tục thử nghiệm, thì sẽ có rất nhiều công ty sẽ chuyển bộ phận nghiên cứu và phát triển về đây. Tôi hy vọng Thành phố sẽ giúp chúng tôi đẩy mức độ nghiên cứu ở cấp độ 3 lên 4 trong thời gian ngắn để sản phẩm của chúng tôi nhanh chóng được đưa ra thị trường trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” – Net Zero vào năm 2050 và kiểm soát lạm phát do chi phí dịch vụ logistics tăng cao, việc sớm ra đời sản phẩm robot tự hành của chúng tôi sẽ góp một phần giúp Chính phủ đạt được mục tiêu này” – ông Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.
Đổi mới mô hình – đổi mới cơ cấu và đổi mới công nghệ
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã cởi mở trao đổi, thảo luận và thẳng thắn đưa ra những vấn đề nảy sinh từ chính quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung,vấn đề phát triển các ngành dịch vụ mới nói riêng. Các đề xuất tập trung theo hướng cần cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số.
“Các ý kiến hết sức đa dạng bởi chủ thể (tham gia thảo luận) khác nhau, từ một góc nhìn khác nhau, và lát cắt của vấn đề cũng rất khác. Không chỉ cơ sở lý luận, tổng kết từ thực tiễn, mà có cả bài học kinh nghiệm, mô hình phát triển dịch vụ rất phong phú” – Trưởng ban Kinh tế TƯ, ông Trần Tuấn Anh, nhìn nhận.
Nhiều ý kiến đã gặp nhau (có tính tựu trung rõ nét), đó là phải lựa chọn và đầu tư để phát triển những dịch vụ theo xu thế thông minh; lựa chọn công nghệ phù hợp với dịch vụ và đặc biệt phải chung tay xây dựng hệ sinh thái cho loại hình dịch vụ. Yếu tố đổi mới được đề xuất như một điều kiện để các ngành dịch vụ vươn lên một tầm mới và phát triển bền vững, thông qua đổi mới mô hình – đổi mới cơ cấu và đổi mới công nghệ.
Cùng với nhiều đề xuất về hoàn thiện thể chế, hàng lang pháp lý; tại hội thảo nhiều ý kiến cũng xoáy sâu vào yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản trị. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ông Lê Duy Hiệp (Chủ tịch VLA) nêu câu chuyện, nếu trong nước, chúng ta làm chủ vận tải đường bộ, khai thác cảng, thì với vận tải biển, kể cả hàng không, chúng ta còn phụ/lệ thuộc vào các công ty nước ngoài rất nhiều, và điều này cũng đồng nghĩa, doanh nghiệp chúng ta đang phải gánh chịu chi phí vận tải (xuất khẩu) rất lớn. Trong xu thế phát triển các ngành dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nên chăng, chúng ta cần chọn ngành mà Việt Nam còn yếu./.
Thế Cương – Trung Đức
*Cùng chủ đề, có thể bạn quan tâm
Mạnh dạn thay đổi mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước