Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chuyển đổi số tại địa bàn trung tâm Đà Nẵng: Ý chí và quyết tâm lãnh đạo dẫn dắt và khai mở, tiếp theo và hết

ĐNA -

(Đà Nẵng). Thời gian qua, trên địa bàn quận Hải Châu, gần như toàn bộ hệ thống chính trị từ quận đến phường đã huy động tối ưu và tập trung các nguồn lực vào nhiệm vụ chuyển đổi số. Các cấp lãnh đạo đã có những giải pháp, biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của ngành hữu quan, UBND thành phố, Thành ủy trong chuyển đổi số, phù hợp với thực tế, thực tiễn, đặc điểm xã hội, dân cư của mình.

 “Chúng tôi đã có được bước đầu một số kết quả khá tích cực. Bên cạnh sự nỗ lực của chính anh chị em cán bộ công chức phụ trách chuyên môn, thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, sự đồng hành ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương và nhân dân; đóng góp của Lãnh đạo quận, phường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn quận có vai trò rất quan trọng”, bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận, Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số Quận Hải Châu nhấn mạnh.

Chị Trần Thị Mai Hương – Bí thư phường Hòa Thuận Tây cùng cán bộ Phường trải nghiệm thanh toán không tiền mặt tại quán Cà-phê Chiều nắng trên địa bàn. Người đứng giữa là anh Thanh-Chủ quán, hộ kinh doanh hướng ứng sớm nhất cuộc vận động “thanh toán không dùng tiền mặt” của Phường. Ảnh: T.Ngọc.

Quyết tâm của lãnh đạo dẫn dắt và khai mở lộ trình
Theo bà Phan Thị Thắng Lợi, lãnh đạo các phòng ngành, đơn vị, địa phương đã phát huy rõ nét trách nhiệm tiên phong, đi đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số.

“Yêu cầu đầu tiên, theo tôi, trong vai trò lãnh đạo, mỗi vị trí chủ chốt đứng đầu phải xác định gắn kết chuyển đổi số với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương; phải có nhận thức và hiểu sâu về chuyển đổi số với 3 trụ cột: chính quyền số – kinh tế số – xã hội số. Cả 3 trụ cột này phải được triển khai trong bối cảnh gắn kết đồng bộ với nhau, yêu cầu chuyển đổi số mới đạt được hiệu quả.

 Và một điều quan trọng, thiết thực nữa là các nội dung chuyển đổi số phải được lan tỏa đến từng lĩnh vực trong đời sống xã hội, lan tỏa đến cộng đồng, đến mỗi người dân. Làm được như thế, tôi nghĩ rằng, chuyển đổi số dần dần sẽ trở thành thói quen trong đời sống, khi đó chuyển đổi số sẽ thành công.

Vai trò nòng cốt, động lực nằm ở các cấp chính quyền, nhưng không thể thiếu sự chung tay đồng hành của các hội đoàn thể, rồi vai trò của tổ chức, doanh nghiệp phải được phát huy. Nói nôm na, mỗi địa chỉ có một phần việc chuyển đổi số cụ thể.

Chuyển đổi số thì không thể nói chung chung, mà thực hiện chuyển đổi số phải xác đinh cụ thể các nội dung, việc làm, các hiệu quả tiện ích mang lại, từ đó mới mong rằng sẽ thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi số trên địa bàn Quận”, Phó Chủ tịch UBND Quận, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Quận Hải Châu, chia sẻ.

Được biết, chỉ riêng về công tác tuyên truyền vận động, UBND quận hải Châu đã có hẳn kế hoạch (số 76/KH-UBND ngày 15/3/2024), triển khai thực hiện “Đề án truyền thông Chuyển đổi số trên địa bàn, giai đoạn 2022 – 2025” năm 2024”, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu thường xuyên tuyên truyền, truyền thông hoạt động chuyển đổi số của Quận, của Phường trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Trang thông điện tử Quận (Trang đã kết nối Hệ thống giám sát đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC) và đã được gắn nhãn “Tín nhiệm mạng” của Bộ Thông tin và Truyền thông), phường, các nền tảng khác như Zalo OA, các page zalo,… Hội thi tìm hiểu cải cách hành chính của Quận (thường niên), được gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn.

Trong chương trình Đối thoại tháng 10 năm 2023, Đoàn Phường Hòa Thuận Tây chọn chủ đề “Phát huy vai trò của Thanh niên trong Chuyển đổi số”. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND các phường trên địa bàn Quận đều đã tổ chức Ngày hội về chuyển đổi số, hội thi Rung chuông vàng chủ đề Chuyển đổi số. Một trong những nội dung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại Ngày hội cũng như trước và sau ngày hội, đó là các Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 đã tập trung phổ biến chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính từ ngày 1/7/2024, hướng dẫn các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (được biết, tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình của UBND Quận, căn cứ theo Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố đến nay đã là 238/254). Điểm sáng thành công từ ngày hội là giúp người dân nhận thức được nhiều đổi thay từ chính cơ quan công quyền. Chuyển đổi số là nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, tính minh bạch và tiện lợi nhanh chóng trong giao dịch công cũng cao hơn.

Không chạy theo thành tích chung chung, chú trọng chuyển đổi số vào những lĩnh vực rất cần thiết, vừa là giữ gìn sức hấp dẫn của một điểm đến du lịch (du khách), vừa vì nhân dân, về an toàn thực phẩm, ngành chức năng Quận Hải Châu đã phối hợp, triển khai vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trên các tuyến phố ẩm thực văn minh của địa bàn Hải Châu). Phối hợp cùng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố cấp QR code cho các cơ sở. Theo thống kê của Ban, hiện nay trong 2.600 mã QR được cấp trên toàn thành phố, thì có hơn 1.400 mã QR được cấp cho các cơ sở trên địa bàn quận Hải Châu (chiếm tỷ lệ 53,8%).

Chuyển đổi số đã thúc đẩy, tạo môi trường để mô hình cải cách hành chính “3 thủ tục 3 giải quyết tại chỗ” UBND Phường Phước Ninh được nhìn nhận là nâng cao sự hài lòng của tổ chức và công dân. Ảnh: UBND Phường chia sẻ.

Ý chí lãnh đạo thúc đẩy “Mỗi Phường một mô hình Chuyển đổi số”
Tại địa bàn quận Hải Châu, một số phường đã chủ động và sáng tạo trong triển khai mô hình mới, thúc đẩy chương trình hành động chuyển đổi số. UBND phường Hòa Thuận Tây triển khai mô hình “Dịch vụ công không giấy – không tiền mặt”, xây dựng ứng dụng HOA THUAN TAY SMART trên nền tảng zalo với nhiều tiện ích chuyển đổi số . Song song, UBND Phường Hòa Thuận Tây tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường số hóa hồ sơ, giấy tờ; đặc biệt triển khai triệt để chứng thực hồ sơ điện tử.

 “Nhìn lại mục tiêu chuyển đổi số song hành với cải cách hành chính mà lãnh đạo Đảng, Chính quyền của Phường đã xác định; Phường Hòa Thuận Tây đã đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết đối với một số thủ tục hành chính, cụ thể có thể đơn cử như thủ tục cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè (lĩnh vực Giao thông vận tải) đã rút ngắn từ 4 ngày xuống còn 3 ngày; thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất (Tài nguyên nước), rút ngắn từ còn 9 ngày; thủ tục xác nhận hồ sơ cấp mới/cấp lại Giấy chứng nhận biển số nhà (lĩnh vực Xây dựng nhà ở), chỉ còn nửa ngày. Phường cũng không thu phí dịch vụ bưu chính công ích của người dân, khi phát sinh 163 hồ sơ trả kết quả thủ tục hành chính tận nhà công dân”, chị Phạm Thị Hà My (Công chức Văn phòng – Thống kê, UBND phường Hòa Thuận Tây), phân tích.

Trong khi đó, UBND phường Hải Châu 1 triển khai mô hình “30 phút vì nhân dân phục vụ”; UBND phường Thạch Thang thì “gửi” Trợ lý Ảo (AI) lên Trang thông tin điện tử phường. Tâm huyết và trăn trở với mệnh lệnh chuyển đổi số trước yêu cầu của cuộc sống và phát triển, lãnh đạo các Phường, trong trực tiếp điều hành công tác, nhiệm vụ chuyển đổi số , đã không chỉ chọn và quyết định lĩnh vực sẽ phải chuyển đổi số sớm, mà còn sáng tạo trong thực hành chuyển đổi số theo điều kiện, khả năng của địa phương mình.

Thanh Bình chính là phường đầu tiên đã tổ chức riêng một Ngày hội chuyển đổi số với nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi thu hút được đông đảo người dân tham gia từ các khu dân cư (thành lập 5 đội thi đại diện).

Đại diện các Khu Dân cư phường Thanh Bình, thi Kiến thức về Chuyển đối số tại Ngày hội. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

Khởi động cho Ngày hội là thi Kiến thức, giúp các đội thi vừa đánh giá đúng hiểu biết và khả năng của mình trong lĩnh vực chuyển đổi số, vừa trau dồi, học hỏi thêm. Sang phần thi thực hành, mỗi đội thi phải nắm bắt cụ thể thao tác, tiến hành thành thạo việc nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công;

Một nội dung thi rất quan trọng, bởi liên quan đến kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hành chuyển đổi số đó là phần thi năng khiếu. Thông qua tiểu phẩm, hò vè, thơ ca, mỗi đội phải lồng vào một cách sinh động, súc tích, kiến thức và kỹ năng thực hành chuyển đổi số sao cho dễ hiểu, dễ thực hành. Ban tổ chức cũng có phần thi dành cho cổ động viên của mỗi Đội.

Điểm nhấn của Ngày hội chuyển đổi số phường Thanh Bình, quận Hải Châu, là 3 gian hàng với nội dung tương tác riêng: Cán bộ tiếp nhận hô sơ của bộ phận một cửa, hỗ trợ và hướng dẫn người dân cách đăng ký tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công; Cán bộ chiến sĩ Công an phường đảm nhận hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2; và Cán bộ, chuyên viên Ngân hàng MB thì hỗ trợ đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến.

Ngày hội chuyển đổi số đã lồng ghép thành công các hoạt động mang tính thực hành – kỹ năng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi trách nhiệm của các đơn vị, người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thiết thực đưa các tiện ích cơ bản của công nghệ số, kỹ năng số đến gần hơn với từng người dân.

UBND Quận phối hợp với Tổng đài 1022 (Sở Thông tin và Truyền thông thành phố) tập huấn, hướng dẫn sử dụng các tiện ích của app Danang Smart city. Ảnh: T.Ngọc.

Lãnh đạo đã phải nỗ lực nhiều hơn
“Công tác chuyển đổi số đã và đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong những năm gần đây. Và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước ngày càng trở nên tất yếu, trong đó vai trò của người lãnh đạo càng lúc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ là người định hướng, mà còn đóng vai trò trung tâm trong theo dõi quản lý và thúc đẩy toàn bộ quá trình.

Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng đó, với vai trò là lãnh đạo tôi đã chỉ đạo, phân công rất cụ thể từng bộ phận chuyên môn của UBND Phường, tập trung nghiên cứu, tham mưu các mô hình, giải pháp cũng như công tác vận động, tuyên truyền về chuyển đổi số để người dân tiếp cận, hiểu và đồng tình thực hiện. Kết quả thì vào tháng 4/2023, phường Thanh Bình đã tổ chức rất thành công Ngày hội chuyển đổi số. Chúng tôi tự hào đó cũng là Ngày hội chuyển đổi số đầu tiên trên địa bàn quận Hải Châu, cũng như của toàn thành phố Đà Nẵng)”, ông Võ Duy Lâm – Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cho biết.

Còn theo ông Võ Lê Anh – Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây , quận Hải Châu, “Quá trình chuyển đổi số muốn thành công, điều trước tiên, lãnh đạo cần phải nỗ lực rất nhiều để tạo dựng nên tính nhất quán trong toàn bộ tổ chức, về mục tiêu chuyển đổi số.

Bởi chuyển đổi số là cả một quá trình làm thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen và thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, địa bàn mình phụ trách, điều cốt lõi đó là xác định tầm nhìn và chiến lược cụ thể về chuyển đổi số cho địa phương. Người đứng đầu trước hết phải phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp, về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Kế đến, phải đánh giá và xác định rõ nguồn lực cần thiết cho từng giai đoạn. Chẳng hạn về nhân sự, phải luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho anh chị em trực tiếp làm công tác chuyển đổi số; quan tâm đến tài chính, đến công nghệ, và tất nhiên, lãnh đạo phải theo sát mọi diễn biến và đánh giá từng hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.

Thực tế qua các năm, với kết quả chuyển đổi số đạt được của Phường chúng tôi, đã minh chứng cho điều này. Đó chính là sự đồng thuận đồng lòng của cả hệ thống chính trị xã hội phường và toàn thể nhân dân, sự chuẩn bị và sẵn sàng về nguồn lực”.

Các cấp ủy Đảng cũng đồng hành cùng chuyển đổi số: thứ hai từ trái sang, là Chị Trần Thị Mai Hương – Bí thư phường Hòa Thuận Tây. Người ngồi bên phải ảnh là chú Nguyễn Văn Hoanh, Bí thư chi bộ số 21 (phường Hòa Thuận Tây) và các thành viẻn Tổ Công nghệ số cộng đồng và đề án 06 số 21 phường Hòa Thuận Tây. ảnh: T.Ngọc.

Trăn trở từ thực tế
Là những người cùng đồng hành với mọi hoạt động chuyển đổi số tại cơ sở, lãnh đạo UBND Quận Hải Châu, cũng như lãnh đạo các Phường, thủ lĩnh Đoàn Thanh niên, qua thực tế cũng đã có những chia sẻ chân tình, bày tỏ kỳ vọng chương trình hành động chuyển đổi số sẽ càng lúc càng sát với yêu cầu thực tiễn, từ chính nhu cầu của người dân, của tổ chức; phù hợp với khả năng, nguồn lực ở  cấp cơ sở, …

“Có thể nói chương trình hành động chuyển đổi số hiện nay được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, có nhiều nội dung mới, độ khó và tính phức tạp của vấn đề đòi hỏi cả thời gian lẫn nguồn lực. Chúng tôi hay nói là khó khăn, thách thức. Do đó, tôi nghĩ rằng, chương trình hành động chuyển đổi số nên được chia thành từng giai đoạn, trong mỗi giai đoạn, chúng ta xác định tập trung một số mục tiêu, nhiệm vụ chính nhất định, cụ thể xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, không nên cùng một thời điểm, ban hành quá nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu triển khai với nhiều nội dung cùng một lúc”, bà Phan Thị Thắng Lợi – Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đối số quận Hải Châu, bày tỏ.

Còn theo ông Võ Duy Lâm – Chủ tịch UBND Phường Thanh Bình, quận Hải Châu, ngành chức năng phải đảm bảo kiểm soát tốt không để lộ lọt thông tin cá nhân của công dân, tránh việc lợi dụng thông tin cá nhân để tiến hành lừa đảo qua mạng, tạo niềm tin cho nhân dân đồng lòng mạnh mẽ hơn trong thực hành chuyển đổi số thời gian đến. Ngoài ra, với chuyển đổi số, người dân sẽ tăng cường tương tác qua môi trường mạng, nên mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm giữ môi trường an toàn, an ninh thông tin ở mức tốt nhất có thể. Ngành liên quan phải quan tâm kiểm soát tốt thông tin, triệt để loại bỏ xử lý các trường hợp đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Để góp phần nâng cao chương trình hành động về chuyển đổi số, tôi cũng mong các nhà mạng, ngành viễn thông nghiên cứu hỗ trợ phủ sóng Wifi toàn thành phố tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận với hệ thống mạng để thực hiện suôn sẻ các giao dịch điện tử. Tôi được biết, Quận cũng đang phối hợp cùng các địa phương khảo sát, đề xuất hỗ trợ kết nối wifi đối với các nhà văn hóa, công viên, nhà sinh hoạt cộng đồng. Mong rằng, sóng wifi sẽ sớm có ở những điểm vừa đề cập, từng bước, đưa tiện ích chuyển đổi số đến gần hơn với người dân địa phương./.

Trần Ngọc

Chuyển đổi số tại địa bàn trung tâm Đà Nẵng: “Tóc bạc – Đầu xanh” cùng đồng hành
Chuyển đổi số tại địa bàn trung tâm Đà Nẵng: Ý chí và quyết tâm lãnh đạo dẫn dắt và khai mở, bài 1
Hải Châu chuyển mình theo chuyển đổi số (kỳ 1)
Hải Châu chuyển mình theo chuyển đổi số (tiếp theo và hết)